Cơ chế khuyến khích này sẽ xây dựng theo hình thức nghị định, quy định việc phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Đây sẽ là những cơ quan công sở, cá nhân tại Việt Nam đã có hợp đồng sử dụng điện, thỏa thuận đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối.
Chỉ áp dụng khuyến khích với dự án có thỏa thuận đấu nối
Với các trường hợp điện mặt trời mái nhà không liên kết với hệ thống lưới điện quốc gia; điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu theo quyết định 500 của Thủ tướng và điện mặt trời mái nhà để bán cho tổ chức, cá nhân khác sẽ không áp dụng để hưởng các cơ chế khuyến khích của nghị định này.
Tổng quy mô phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở trên cả nước đến năm 2030 khoảng 2.600MW hoặc phấn đấu có 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà (tùy vào điều kiện được quy định).
Bộ Công Thương cho biết nguồn điện "tự sản, tự tiêu" là tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia, không đấu nối, liên kết với lưới điện quốc gia thì công suất phát triển có thể không giới hạn.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất đưa nội hàm “tự sản, tự tiêu” vào chương trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý áp dụng trong thực tiễn, dễ quản lý, kiểm tra, giám sát.
Với lý do như vậy, dự thảo này chỉ áp dụng khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở có liên kết với lưới điện quốc gia mà không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối.
Các trường hợp này sẽ được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí theo quy định. Các cơ quan nhà nước có liên quan ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tại cơ quan công sở.
Sẽ có cơ chế khác cho nguồn điện tự sản tự tiêu
Giải thích thêm về việc cần có chính sách này với hệ thống nối lưới, Bộ Công Thương cho hay nguồn điện mặt trời mái nhà là nguồn điện được sản xuất từ hệ thống trang bị điện (tấm quang điện). Do nguồn này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên khi không có bức xạ mặt trời, tấm quang điện không nhận được năng lượng, sẽ không có nguồn cấp để phục vụ nhu cầu sử dụng.
Trong trường hợp này, phụ tải cần hệ thống lưới điện quốc gia cung cấp lượng điện thiếu hụt để duy trì hoạt động. Vì vậy, đây là giải pháp tối ưu nhất cho sự phát triển điện mặt trời mái nhà. Do đó, về mặt vật lý, sự phát triển điện mặt trời mái nhà cần thiết phải liên kết với lưới điện quốc gia.
Từ thực tiễn, Bộ Công Thương cho biết từ năm 2020 đến nay, cả nước có khoảng 200 MWp hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt. Vào giờ cao điểm hệ thống này tận dụng được lợi thế, góp phần bảo đảm cung ứng điện, giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Bộ Công Thương kiến nghị có cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, nhưng được nối lưới với hệ thống điện quốc gia.
Các đối tượng khác như điện mặt trời tự sản, tự tiêu, điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp thực hiện theo cơ chế, chính sách khác, ví dụ như mua bán điện trực tiếp.
Trước đó, tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra ba mô hình phát triển nguồn điện này. Bao gồm điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà xưởng; điện mặt trời mái nhà không liên kết lưới điện quốc gia.
Với cả ba mô hình, Bộ Công Thương cho rằng dù điện mặt trời mái nhà tự sử dụng, có hay không liên kết với lưới điện quốc gia thì Nhà nước vẫn cần phải quản lý. Việc này nhằm tránh phát triển tự phát, có thể gây phá vỡ quy hoạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận