Dự thảo này được phục vụ thẩm định của Bộ Tư pháp và đang được bộ này đăng tải công khai.
Tại dự thảo này, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác.
Nhiều quy định chặt chẽ về kỹ thuật
Theo đó, nghị định sẽ đưa ra các quy định về trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong đầu tư nguồn điện này; yêu cầu kỹ thuật của nguồn điện mặt trời mái nhà để đảm bảo an toàn về điện, không xung đột với hệ thống điện, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; quy định về đầu tư xây dựng, an toàn môi trường, an toàn xây dựng…
Trên cơ sở, tờ trình dự thảo quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản tự tiêu lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng.
Bao gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định.
Các nguyên tắc phát triển loại hình này được Bộ Công Thương đưa ra, đó là phát triển điện mặt trời mái nhà đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng. Nguồn điện này sẽ dùng để tự sử dụng và không được mua bán điện dưới mọi hình thức.
Tổng công suất phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia sẽ không vượt quá công suất được phê duyệt tại quy hoạch điện 8 (2.600MW).
Công trình để lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và phòng cháy chữa cháy và có báo cáo đánh giá an toàn.
Khi phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn điện, đầu tư xây dựng và phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, bộ cũng quy định nguyên tắc khi phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu phải lựa chọn thiết bị tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng, không sử dụng thiết bị đã qua sử dụng.
Dự thảo cũng đưa ra các hành vi trái quy định như phát triển không đúng với trình tự quy định của nghị định; xây dựng và lắp đặt vượt quá công suất; lợi dụng phát triển nguồn này để bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác và các hành vi bị nghiêm cấm khác…
Hệ thống nối lưới không ghi nhận giá 0 đồng nhưng không có mua bán
Theo đó, dự thảo đưa ra hai mô hình phát triển nguồn điện này. Bao gồm nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ phải đăng ký theo quy định, được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Với hệ thống đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ được phát triển giới hạn công suất. Nguồn điện này có thể phát hoặc không phát điện dư lên lưới vào hệ thống điện.
Khi phát triển nguồn điện này, tổ chức, cá nhân có thể đăng ký công suất, đảm bảo công suất đề nghị phải nhỏ hơn hoặc bằng phụ tải hiện có tại thời điểm đăng ký.
Nguồn điện này có công suất đặt trên 1MW. Nếu lựa chọn phát điện dư vào lưới điện quốc gia sẽ phải lắp đặt hệ thống thông tin giám sát công suất từ xa và kết nối thông tin với đơn vị điều độ điện lực tại khu vực để phối hợp giám sát, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.
Việc phát triển hệ thống này không gây quá tải trạm biến áp, lưới điện hạ áp và phân phối của khu vực.
Với việc quy định như trên, Bộ Công Thương đã bỏ nội dung hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối vào hệ thống điện quốc gia được phát lên lưới và ghi nhận với giá 0 đồng như các dự thảo trước đó.
Tuy nhiên, với cả hệ thống điện mặt trời nối lưới hay không nối lưới, các tổ chức, cá nhân lắp đặt đều không được mua bán điện dưới mọi hình thức.
Các chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng; hồ sơ được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân khi lắp đặt hệ thống này vận hành thêm hệ thống lưu trữ điện.
Chính phủ từng yêu cầu nghiên cứu việc không sử dụng hết bán thế nào?
Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về vấn đề này và yêu cầu làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các bộ (Xây dựng, Công an, Công Thương…) trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để thực hiện được ngay.
Nghiên cứu kỹ và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào và nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận