Nhiều dự án điện mặt trời đã "chạy đua" và kịp nối lưới trước 30-6 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đây là những nội dung được các địa phương phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, nêu ra tại hội thảo "Hiện trạng và tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại một số tỉnh thành trọng điểm khu vực Nam Trung bộ và miền Nam", do Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức ngày 25-6.
Chạy đua đầu tư
Ông Đạo Văn Rớt - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận - cho biết thời gian qua địa phương này đã thu hút được 19 dự án điện gió, với quy mô công suất lên đến hơn 1.000MW.
Trong số đó đã có 14 dự án được cấp quyết định đầu tư, 5 dự án đã khởi công và 3 dự án đang vận hành thương mại, với tổng công suất khoảng 117MW.
Ngoài ra, hiện có 54 dự án năng lượng mặt trời với tổng công suất khoảng 3.500MW đã được được địa phương này chấp thuận chủ trương để nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện quốc gia.
Đã có 31 dự án với tổng công suất 1.817 MW được cấp quyết định đầu tư, trong đó 10 dự án đã vận hành thương mại với tổng công suất 725 MW. Đến 30-6 sẽ có thêm 6 dự án nối lưới.
Ông Đỗ Minh Kính - giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận - cũng cho biết trong số 20 dự án điện gió đăng ký, mới chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động và 1 dự án đang thi công.
Ngoài ra, có đến 95 dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư với tổng công suất hơn 6.000 MW, nhưng đến nay chỉ mới có 12 nhà máy điện mặt trời đưa vào hoạt động và 8 dự án dự kiến phát điện trong quý II.
Tại Tây Ninh cũng có 19 dự án điện mặt trời đang triển khai, trong đó 7 dự án sẽ đóng điện trước 30-6.
Bình Phước cũng đã trình 40 dự án với công suất 3.509 MWp nhưng chỉ có 5 dự án được Thủ tướng phê duyệt và 1 dự án được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch, 20 dự án chưa được Bộ Công thương lấy ý kiến thẩm định.
Phải giảm phát điện lên lưới
Ông Đạo Văn Rớt cho biết phần lớn các dự án năng lượng tái tạo đều tập trung hoàn thành vào cuối tháng 5 và tháng 6 để kịp hưởng mức giá bán điện ưu đãi, khiến cho đơn vị quản lý và vận hành hệ thống điện gặp khó.
Nhiều dự án trên địa bàn phải giảm phát điện lên lưới, chưa kể nhiều dự án đã có thể phát điện nhưng chưa được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) do những nguyên nhân khác nhau có thể dẫn tới ảnh hưởng phần nào lợi ích của nhà đầu tư.
Do đó, Ninh Thuận đề xuất cho phép các chủ dự án đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải, sau đó chuyển giao lại cho EVN quản lý và khai thác, thay vì chỉ có EVN đầu tư hệ thống này.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Minh Kính, nếu giá mua điện mặt trời giảm xuống mức thấp nhất (6,67 cent/kWh) từ sau ngày 30-6 theo dự thảo đã công bố, sẽ không khuyến khích nhà đầu tư khai thác tiềm năng điện mặt trời dù giá thành đã giảm so với trước đây.
Một dự án điện mặt trời vừa mới được đưa vào vận hành tại tỉnh Bình Thuận - Ảnh: V.N.
Ngoài việc báo cáo Thủ tướng để được hưởng chính sách ưu đãi về giá đến hết năm 2020, Ninh Thuận cũng đề xuất ngành điện phối hợp với các nhà đầu tư nghiên cứu phương án đầu tư các công trình lưới điện bằng hình thức cho ngành điện ứng vốn hoặc cho mượn không tính lãi suất để xây dựng lưới điện.
Một số địa phương cũng kiến nghị Bộ Công thương sớm triển khai xây dựng hệ thống truyền tải phân vùng hợp lý.
Hàn Quốc khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo
Tại hội thảo "Hệ thống chính sách và quy hoạch phát triển ngành năng lượng Việt Nam" diễn ra vào sáng cùng ngày, ông Seok Jai Choi (Cục Năng lượng Hàn Quốc) - cho biết Hàn Quốc đã khuyến khích lắp đặt pin mặt trời trên các công trình tư nhân như nhà riêng, cao ốc...
Theo đó, Chính phủ hỗ trợ 30% chi phí lắp đặt cho hộ gia đình. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng sẽ hỗ trợ chi phí lắp đặt và bắt buộc lắp đặt, sử dụng năng lượng tái tạo ở các tòa nhà xây mới thuộc các cơ quan nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận