03/04/2021 16:16 GMT+7

Điện mặt trời áp mái tại Đắk Lắk: Nhanh quá… hóa thừa

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Sau 31-12-2020, nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng làm trang trại điện năng lượng mặt trời áp mái ‘ôm pin mà khóc’, do chưa có hướng dẫn mới từ Chính phủ.

Nhiều công trình điện mặt trời áp mái ở Khu công nghiệp Hòa Phú chưa đấu nối được - Video: THẾ THẾ

Liên quan đến vụ vẽ dự án để hưởng ưu đãi, sáng 3-4, lãnh đạo Sở Công thương Đắk Lắk cho biết đến hết quý 1-2021, toàn tỉnh có 5.367 khách đã ký hợp đồng mua bán điện mặt trời áp mái với đơn vị, tổng công suất gần 650MWp. Đến hết năm 2020, Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) đã mua 139 triệu kWh, với số tiền khoảng 236 tỉ đồng.

Trong khi theo PC Đắk Lắk, hiện rất nhiều dự án chậm chân đành ‘ôm pin mà khóc’ chưa biết đến bao giờ…

Một trong những công trình ‘chậm chân đáng tiếc’ là hệ thống pin đã lắp trên mái nhà Khu công nghiệp Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Theo tìm hiểu, dự án này của chủ đầu tư đến từ Hà Nội với tổng công suất khoảng 20MW, chia nhỏ thành 20 công trình.

Điện mặt trời áp mái tại Đắk Lắk: Nhanh quá… hóa thừa - Ảnh 2.

Nhiều chủ công trình điện mặt trời áp mái tại Đắk Lắk 'ôm pin mà khóc' do chậm chân, không kịp đấu nối - Ảnh: THẾ THẾ

Dự án này được đẩy rất nhanh vào giai đoạn cuối năm 2020 để kịp đấu nối trước 31-12 nhưng vẫn không đấu nối kịp. Hàng trăm tỉ đồng đầu tư cho việc lắp pin chỉ để phơi nắng, phơi sương chờ chính sách mới.

Theo doanh nghiệp chuyên làm điện năng lượng mặt trời áp mái, tại Đắk Lắk dù chưa đủ điều kiện lập trang trại để bán điện mặt trời nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ‘đi tắt, đón đầu’. Hàng trăm trang trại xây dựng cấp tập, nhưng nguồn pin chủ yếu đều nhập từ nước ngoài về.

Trong khi thời gian qua do ảnh hưởng dịch bệnh nên hàng về chậm, giá tấm pin ‘ngày càng leo thang’.

"Giá mua tấm pin của 1MWp ở FIT 1 chỉ khoảng 5 tỉ đồng thì đến gần cuối năm 2020 (cuối FIT 2) tăng lên khoảng 6,5 tỉ đồng. Thế nhưng hiện nay pin về không đủ, nên chúng tôi có gần 4MWp (trong tất cả các công trình) chưa được đấu nối. Tổng số tiền đã đầu tư hàng chục tỉ đồng cho gần 4MWp điện này chưa biết lúc nào mới thu hồi", chủ doanh nghiệp lo lắng.

Điện mặt trời áp mái tại Đắk Lắk: Nhanh quá… hóa thừa - Ảnh 3.

Nhiều trang trại thực chất xây cấp tập chỉ để bán pin, trình tự thủ tục sai rất nhiều, nhưng đáng buồn lại không kịp đấu nối - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo PC Đắk Lắk, số lượng công trình điện năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk phát triển rất nhanh, nhất là từ ngày 1-7-2020 đến 31-12-2020 (FIT 2) có tới 5.129/5.367 công trình, với tổng công suất 631,73 MWp. Trong hơn 5.100 công trình vào FIT 2, có tới 443 công trình trang trại nông nghiệp với tổng công suất lắp đặt là 384,887 MWp.

Nói thêm về việc này, ông Hà Văn Chương - phó giám đốc PC Đắk Lắk - cho biết tuy đã đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn có hơn 400 công trình, tổng công suất khoảng 50MW không kịp đấu nối.

Điện mặt trời áp mái tại Đắk Lắk: Nhanh quá… hóa thừa - Ảnh 4.

Vì phát triển nóng nên phần lớn các trang trại tại Đắk Lắk là các dự án 'nấm năng lượng' - Ảnh: TRUNG TÂN

Trong số hơn 400 công trình ‘chậm chân’ có 11 trang trại công suất xấp xỉ 1MWp, tổng công suất gần 10 MWp.

"Anh em cũng dồn sức nhưng có nhiều doanh nghiệp pin về không đủ, không kịp nên không thể nghiệm thu, cho đấu nối. Đến nay chưa có hướng dẫn mới về đăng ký, mua bán điện mới nên đành phải chờ. Các trang trại chưa bán điện được thì cứ thực hiện dự án nông nghiệp như đã đăng ký", ông Chương nói.

Sa thải hàng chục công trình điện mặt trời vì quá tải

Tại Đắk Nông, đến hết 31-12-2020, toàn tỉnh có 651 công trình điện mặt trời mái nhà với công suất 106.593 kWp đã được đấu nối.

Ông Nguyễn Văn Trình - phó giám đốc PC Đắk Nông - xác nhận tại địa phương đang buộc phải sa thải (không cho điện lên lưới) hàng chục công trình điện mặt trời áp mái qua trạm T1 (Cư Jut, Đắk Nông).

Theo ông Trình, huyện Cư Jut là ‘thủ phủ’ điện mặt trời của tỉnh Đắk Nông nên số lượng đăng ký điện mặt trời áp mái rất lớn.

Lúc đầu tính toán khả năng giải tỏa công suất hệ thống điện qua trạm biến áp 110 Cư Jut đảm bảo vì tại đây sẽ có trạm T2 (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột).

dienmatrroi 6

Nhiều công trình điện mặt trời tại huyện Cư Jut (Đắk Nông) phải sa thải vào giờ cao điểm do thừa nguồn - Ảnh: T.T.

Tuy nhiên, công ty đã lường trước có thể trạm T2 sẽ chậm tiến độ, nên những công trình điện mặt trời áp mái đăng ký cuối năm 2020 đơn vị đều yêu cầu chủ đầu tư cam kết có thể bị sa thải khỏi lưới bất cứ lúc nào.

"Do khó khăn, thực tế nhà máy thép chưa lắp trạm biến áp riêng, cũng không chịu chuyển sản xuất vào ban đêm nên thời điểm nắng nóng ban ngày phải sa thải nhiều công trình điện năng lượng mặt trời, với tỉ lệ khoảng 3% tổng công suất", ông Trình nói.

Đắk Lắk tổng kiểm tra các dự án ‘nấm năng lượng’, ‘heo năng lượng’ Đắk Lắk tổng kiểm tra các dự án ‘nấm năng lượng’, ‘heo năng lượng’

TTO - UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu tổng kiểm tra các dự án năng lượng mặt trời áp mái, xem tình trạng ‘vẽ’ dự án dạng ‘nấm năng lượng’, ‘heo năng lượng’ đến mức độ nào.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên