Diện mạo mới của vở ballet 'Kẹp hạt dẻ': Gánh nặng của đúng đắn chính trị

TƯỜNG ANH 30/12/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Vở ballet The Nutcracker (Kẹp hạt dẻ) vừa trở lại sân khấu sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch. Tuy nhiên, ở Mỹ và một số nước châu Âu, đây không phải là vở ballet Giáng sinh mà mọi người từng xem. Các đoàn múa đã làm lại vở ballet kinh điển này để chúng trở nên “đúng đắn về chính trị” (political correctness).

 
 Một cảnh trong “Kẹp hạt dẻ” trên sân khấu nhà hát ballet Kremlin. Ảnh: kremlinpalace.org

 Tác giả Javier C. Hernandez viết trên The New York Times cho biết, năm nay, một nhân vật mới đã xuất hiện trong cảnh “Cung điện kẹo ngọt Confiturenburg” của vở ballet Kẹp hạt dẻ. Đó là Dế Trà Xanh - năng động, giống siêu anh hùng. 

Nhà hát ballet Tulsa (Oklahoma), trong nỗ lực xóa bỏ “những mô tả lạc hậu về người châu Á” đã đưa vào vở các yếu tố võ thuật do một người gốc Trung Quốc dàn dựng. Còn công ty ballet Boston đã dựng một màn nhảy đôi dựa trên điệu múa truyền thống của Trung Quốc với những dải ruy băng.

 
 Vũ điệu Trung Quốc trong “Kẹp hạt dẻ”. -Ảnh: Pravda.ru

 Đặt mọi thứ vào một diện mạo mới

Thay đổi này là kết quả nỗ lực của những nhà hoạt động chống lại những định kiến châu Á trong Kẹp hạt dẻ. Một số công ty nổi tiếng, như công ty ballet New York và ballet Hoàng gia ở London, đã điều chỉnh vũ điệu Trung Quốc từ vài năm trước, trong đó có việc loại bỏ bộ ria mép mỏng của các vũ công nam.

Các nỗ lực này càng được đẩy mạnh khi số lượng tội phạm đối với người châu Á tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch. “Mọi người cuối cùng cũng bắt đầu nhận ra rằng những gì chúng tôi trình diễn trên sân khấu ảnh hưởng đến họ trong cuộc sống hằng ngày” - giám đốc nghệ thuật và cựu vũ công Phil Chan, người dẫn đầu cuộc vận động xem xét lại Kẹp hạt dẻ, cho biết. 

Năm 2018, Chan khởi động một chiến dịch mang tên “Cái chào cuối cùng khuôn mặt da vàng” kêu gọi bác bỏ những khuôn mẫu ballet lỗi thời và phản cảm, đã thu thập được gần 1.000 chữ ký từ các vũ công, biên đạo múa, quản trị viên và các nhà giáo dục.

Các đạo diễn nghệ thuật dần loại bỏ các yếu tố như nón lá hay cử động ngón tay cường điệu, thường được thể hiện trong cảnh “Trà” ở màn II, nơi các vũ công biểu diễn điệu múa Trung Quốc. Trong màn này có một loạt điệu múa dân tộc khác, bao gồm múa Tây Ban Nha (cảnh “Sô cô la”) và múa Ả Rập (cảnh “Cà phê”). 

Chính ở cảnh “Cà phê” xuất hiện các cáo buộc rằng Kẹp hạt dẻ có yếu tố “phân biệt chủng tộc” với sự xuất hiện của hai nam vũ công được trang điểm da đen, và “vấn đề giới tính” khi có cảnh liên tưởng tới hậu cung của vua chúa.

Một số công ty còn đi xa hơn. Công ty ballet Scotland không chỉ loại bỏ các yếu tố khôi hài trong Kẹp hạt dẻ, như điệu múa đu đưa đầu và đuôi tóc của các nhân vật Trung Quốc, mà còn phá vỡ truyền thống, khi vai nhân vật bí ẩn Drosselmeyer được nữ vũ công đóng, thay cho trước đây là nam. (Trong truyện, Drosselmeyer là một nhân vật bí ẩn: vừa là ủy viên hội đồng địa phương, vừa là ảo thuật gia và cha đỡ đầu của bé Clara. Ông rất giỏi trong việc chế tạo đồ chơi và đã đem theo nhiều món quà cho lũ trẻ dịp Giáng sinh, trong đó có con búp bê kẹp hạt dẻ bằng gỗ hình chú lính...).

Tại Hoa Kỳ, Kẹp hạt dẻ được các công ty ballet Boston, Syracuse và nhà hát opera Chicago biểu diễn. Năm nay, Syracuse, Boston và Chicago đã quyết định giới thiệu cho người xem vở ballet Giáng sinh nổi tiếng nhất dưới một hình thức mới. Giám đốc điều hành công ty ballet Syracuse Elizabeth Naughton nói Syracuse đã làm mới lại Kẹp hạt dẻ, vốn là dấu ấn của nhà hát kể từ khi thành lập năm 1996.

 
 Một cảnh trong “Kẹp hạt dẻ” trên sân khấu nhà hát  ballet Kremlin. Ảnh: https://kremlinpalace.org/

 “Chúng tôi đã loại bỏ các định kiến văn hóa khỏi quá trình dàn dựng, đặc biệt là các yếu tố của bối cảnh Trung Quốc và Ả Rập”. Mikko Nissinen, giám đốc nghệ thuật của công ty ballet Boston, cho biết giải thích lý do nhà hát đã thay thế một số cảnh “không chính xác về chính trị” (trong “Trà”) bằng điệu múa ruy băng: “Chúng tôi nhìn mọi thứ qua lăng kính của sự đa dạng, công bằng và bao hàm. Đây là con đường dẫn đến tương lai”. 

Trước đó, tờ Telegraph đưa tin công ty ballet Hoàng gia Anh khi sản xuất vở Kẹp hạt dẻ đã giảm số lượng vũ công trong màn múa dân tộc Ả Rập (“Cà phê”) vì lo sợ cảnh này có thể bị coi là “gợi ý xúc phạm hậu cung”.

Tuy nhiên, đi xa nhất đến nay có lẽ là công ty ballet quốc gia Berlin, nơi quyết định mùa Giáng sinh này ngưng diễn hoàn toàn Kẹp hạt dẻ, thay bằng vở Don Quixote. Yếu tố đang được công ty Berlin cân nhắc là kiểu trang điểm giả da đen (ngày nay bị cho là blackfacing - một biểu hiện phân biệt chủng tộc), cũng như vũ điệu phương Đông mà nghệ sĩ solo cũng trang điểm giả da đen. 

Giám đốc nghệ thuật đoàn kịch Christian Theobald thừa nhận sẽ đưa Kẹp hạt dẻ trở lại sân khấu, nhưng chỉ sau khi sửa đổi, có tính đến “bối cảnh mới” của “thời kỳ hậu thuộc địa”. Việc sửa đổi sẽ không dễ dàng bởi những nỗ lực của biên đạo múa Johannes Oman nhằm thay thế những cảnh “không đúng đắn về mặt chính trị” lập tức làm dấy lên tranh cãi về bản quyền.

8 năm trước, vở diễn trên sân khấu Berlin này đã được các biên đạo múa người Nga Vasily Medvedev và Yuri Burlaka dàn dựng, như một sự tái hiện vở ballet gốc cuối thế kỷ 19 của Marius Petipa. Thế nhưng 1,5 triệu euro đã được chi cho vở diễn, việc nó đang là tiết mục hái ra tiền, kể cả cốt truyện là của nhà văn người Đức Hoffmann, cũng không cách nào giữ cho vở diễn không bị thay đổi. Trong nền đạo đức mới ở Đức, xã hội Đức đang từ bỏ những truyền thống quá khứ và các nhà hát muốn đi đầu trong cuộc đấu tranh cho sự khoan dung, chống lại những định kiến giới.

 
 Một cảnh trong màn 2 với các nhân vật da đen. Ảnh: evesti.ru

 Sợi dây khoan dung siết chặt

Vấn đề là không phải tất cả mọi người đều chia sẻ góc nhìn này. Cựu diễn viên ballet và giáo viên múa người Ý Simona Fioravanti nói với RIA Novosti, thật phi lý khi áp đặt kiểm duyệt như thế cho vở ballet cổ điển với một tiết mục biên đạo từ thế kỷ 19. Nữ diễn viên từng múa trong Kẹp hạt dẻ nói nếu đà này tiếp diễn, danh sách các vở (cần kiểm duyệt) sẽ rất dài... 

“Bạn sẽ không thể dựng những vở ballet khác dựa trên những câu chuyện kể và cổ tích, vì trong đó bạn có thể tìm thấy, ví dụ, định kiến và phân biệt giới tính”. Bà bày tỏ ngạc nhiên về việc đình chỉ buổi biểu diễn vở ballet ở Berlin - một thành phố nổi tiếng tự do: “Chúng ta sẽ còn lại gì từ vốn tiết mục ballet kinh điển để lại, bắt đầu từ vở Aida, nơi có điệu múa của những nô lệ?”.

Những thay đổi mà tờ Vzglyad (Nga) nhận định là “nhanh như vận tốc ánh sáng” trên các sân khấu ballet phương Tây không khỏi làm người Nga lo âu. Vzglyad viết: “Giờ đây “flashmob” này chắc chắn sẽ được các sân khấu khác của thế giới phương Tây tiếp tục hưởng ứng, những kẻ “tụt hậu” sẽ bị buộc tội phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, thiếu nhạy cảm với các nhóm thiểu số và từ chối tiếp nhận “đạo đức mới” mà nền sản xuất cổ điển không còn phù hợp”.

Tương tự, nhà khoa học chính trị Đức Alexander Rahr cho biết bên cạnh rất nhiều lời chỉ trích về việc dừng Kẹp hạt dẻ, quyết định này lại nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ một số tổ chức, đặc biệt là những người trẻ muốn thay đổi và xây dựng lại cả thế giới. 

Theo ông, tuy đây là quyết định cá nhân của giám đốc nhà hát này, nhưng ông e ngại điều này sẽ lặp lại ở các thành phố khác của Đức và Tây Âu, bởi một số người phải thay đổi để đảm bảo an toàn cho sự nghiệp tương lai. “Mọi người, đặc biệt là những người trong ngành văn hóa và truyền thông, lo sợ vì nghĩ rằng nếu viết và nghĩ khác, họ sẽ không thể tiến lên”.

Trên tờ PolitRussia, nhà khoa học chính trị Ivan Arkatov nói các diễn biến liên quan đến Kẹp hạt dẻ là ảo tưởng lừa dối của những người ủng hộ cái gọi là lòng khoan dung. Ông cho rằng cần có thước đo và sự cân bằng trong mọi việc, áp dụng cả cho việc tôn trọng các dân tộc khác nhau trên thế giới. 

So sánh việc xem xét lại Kẹp hạt dẻ chẳng khác nào “viết lại các tác phẩm của Lev Tolstoy”, Arkatov nói: “Các chính trị gia và nhà hoạt động phương Tây rõ ràng đang đi quá đà, khi áp đặt các dạng thức không phù hợp của họ lên mọi công dân. Họ đang dẫn xã hội tới chỗ mà thế giới nội tâm của một người sẽ bị nghiền nát bởi những sợi dây khoan dung đang siết chặt”.■

Kẹp hạt dẻ là vở nhạc-vũ-kịch chuyển thể từ truyện của nhà văn Đức E.T.A. Hoffmann The Nutcracker and the Mouse King (Kẹp hạt dẻ và vua chuột), được nhà hát Mariinsky ở St Petersburg công diễn lần đầu năm 1892. Sau đó, chính Tchaikovsky đã trích phần nhạc của mình trong tác phẩm trên, biên soạn lại thành tổ khúc cùng tên. 

Tổ khúc dài 20 phút ngay sau khi công diễn đã thành công, mặc dù toàn bộ vở nhạc-vũ-kịch không được người xem ca ngợi thời đó. Mãi đến cuối những năm 1960, phiên bản của vở này mới gây tiếng vang lớn, được công diễn bởi nhiều đoàn nghệ thuật ballet, chủ yếu vào dịp Giáng sinh, nhất là ở Mỹ. Những công ty ballet ở Mỹ đã thu được 40% lợi nhuận hằng năm từ Kẹp hạt dẻ.

Hiện có thể xem tác phẩm gốc năm 1892 của Marius Petipa tại nhà hát Bolshoi ở Matxcơva. Theo bfm.ru, vở diễn này tại nhà hát Bolshoi đã hết vé suốt tháng 12.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận