Đường trên cao Bắc - Nam có mức vốn 30.000 tỉ đồng - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM
Theo danh mục các dự án kêu gọi đầu tư các dự án giao thông của TP.HCM, đường trên cao số 1 đi qua các quận: 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Dự án hoàn thành sẽ tạo thêm hành lang dọc theo trục Bắc - Nam, giảm áp lực giao thông khu vực trung tâm, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm TP.
Đường trên cao số 1 dài 9,5km, từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài) - giao với đường Điện Biên Phủ và đường Ngô Tất Tố.
Đường có 4 làn xe, tổng mức đầu tư ước tính 17.500 tỉ đồng. Dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT với thời gian thực hiện từ 2021-2025.
Đường trên cao số 5 đi qua TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân và huyện Hóc Môn tăng khả năng kết nối hệ thống đường trên cao TP và tăng kết nối giao thông theo hướng Đông Tây.
Đường dài 21,5km đi trùng với đường vành đai 2 (quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương. Đường có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.405 tỉ đồng, kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT từ nay đến năm 2025.
Đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh qua các quận: Tân Bình, 11, 10, 5, 7 nhằm tăng khả năng kết nối hệ thống đường trên cao TP và kết nối giao thông theo hướng Đông Tây.
Tổng chiều dài tuyến 14,1km đi dọc theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh.
Đường có quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư 30.000 tỉ đồng, đầu tư theo BOT, thời gian từ 2021-2030.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay, tín hiệu vui là cả 3 dự án này đã có các nhà đầu tư quan tâm và đề xuất nghiên cứu.
Ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - cho hay hệ thống đường trên cao tại TP.HCM đã được quy hoạch từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có tuyến nào hình thành.
Việc đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư cho thấy dự án đang có chuyển động tích cực. Có đường trên cao, TP mới giải quyết được bài toán căn cơ về ùn tắc giao thông ở những năm tới đây.
Theo ông Trường, TP.HCM cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách mới để tạo hành lang pháp lý thực hiện các dự án đối tác công tư (PPP), nhất là tính toán cơ chế phần vốn nhà nước cùng vốn tư nhân để chung tay thực hiện.
"Sau dịch COVID-19, TP.HCM cần mời các nhà đầu tư, các chuyên gia... đóng góp các cơ chế, chính sách mới để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước cho các dự án hạ tầng" - ông Trường đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận