Điền kinh Việt Nam trắng tay sau những ngày tranh tài tại Asiad 19. Điểm cộng duy nhất là một vài VĐV trẻ giàu tiềm năng: Trần Thị Nhi Yến, Hoàng Thị Ánh Thục, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hà có tiến bộ.
Thông số chuyên môn sa sút kinh ngạc
Sau đây là liệt kê cụ thể thành tích của những VĐV ở các nội dung tại Asiad 19. Bên cạnh đó là các thông số chuyên môn ở những giải đấu gần nhất để có thể so sánh.
Đầu tiên tại Asiad 19, VĐV Nguyễn Thị Oanh tham dự cự ly chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật nhưng cô đã không thể vượt qua chính mình.
Trên đường chạy 1.500m tối 1-10, chân chạy quê Bắc Giang đạt thông số 4 phút 24,19 giây - thấp nhất năm. Còn ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật, Oanh về đích với thành tích 9 phút 57,13 giây - tốt nhất năm.
Nội dung 1.500m nam, Lương Đức Phước về áp chót với thành tích 3 phút 51,65 giây. Kết quả kém hơn so với thành tích 3 phút 46,81 giây của anh ở Giải vô địch điền kinh châu Á 2023.
Nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nam, Nguyễn Trung Cường về đích với thành tích 8 phút 54,40 giây nhưng không được công nhận kết quả do phạm quy không vượt qua được rào. Thành tích gần nhất của Cường là HCV SEA Games 32 với thông số 8 phút 51,99 giây.
Nội dung nhảy xa 3 bước nữ, VĐV Nguyễn Thị Hường xếp thứ 5 chung cuộc với thành tích 13,34m. trước đó tại giải châu Á hồi tháng 7 cô đạt mức 13,68m.
Nội dung nhảy xa nữ, Bùi Thị Thu Thảo xếp thứ 8 với mức 6,09m. Trước đó vào tháng 5-2023 tại SEA Games 32, cô giành HCB với mức 6,13m. Xa hơn nữa ở SEA Games 31 vào tháng 12-2022, cô cũng giành HCB với mức 6,38m.
Thời kỳ đỉnh cao trước khi gặp chấn thương, Thu Thảo giành HCV SEA Games năm 2017 với mức 6,68m; HCV Giải vô địch điền kinh châu Á 2017 với mức 6,54m; HCV Asiad năm 2018 với mức 6,55m.
Vòng loại nội dung 400m nữ, Hoàng Thị Ánh Thục đạt thông số cá nhân tốt nhất là 55,00 giây, tương tự là Hoàng Thị Minh Hạnh với 53,49 giây.
Nội dung 400m rào nữ, Nguyễn Thị Huyền đạt thành tích 58,49 giây - không vào chung kết. Trước đó ở SEA Games 32 hồi tháng 5, cô giành HCV với thông số 56,29 giây.
Nội dung 800m nữ, Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 2002) đạt thành tích 2 phút 08,06 giây - không vào chung kết nhưng đây là thành tích cá nhân tốt nhất của cô.
Niềm an ủi của điền kinh Việt Nam
Niềm an ủi cuối của điền kinh Việt Nam tại Asiad 19 là thành tích của tổ chạy 4 x 400m tiếp sức nữ đã được nâng cao dần. Tổ chạy 4 x 400m có 4 thành viên chính thức là Nguyễn Thị Huyền (1993), Nguyễn Thị Hằng (1997), Nguyễn Thị Ngọc (2002) và Hoàng Thị Minh Hạnh (1999).
Hai thành viên dự bị là Hoàng Thị Ánh Thục (2005) và Nguyễn Thị Thu Hà (2002).
Vào tháng 5 tại SEA Games 32, tổ chạy tiếp sức nữ điền kinh Việt Nam giành HCV với thành 3 phút 33,05 giây. Tháng 7 tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023, các cô gái cũng giành HCV với thành tích 3 phút 32,36 giây.
Tại Asiad 19, thành tích được nâng lên thành 3 phút 31,61 giây.
Điền kinh Việt Nam đứng ở đâu trong Đông Nam Á?
Dù liên tục đứng số 1 và mới đây nhất là thứ 2 SEA Games 32 (sau Thái Lan), nhưng thành tích của điền kinh Việt Nam tại Asiad 19 có thể nói là thảm họa. Trong khi đội tuyển điền kinh Việt Nam ra về tay trắng ở Asiad 19 thì các quốc gia trong khu vực có thành tích rất ấn tượng.
Cụ thể: Singapore có chân chạy nước rút Shanti Veronica giành HCV 200m và HCB 100m; Thái Lan có 2 HCB 100m và 4 x 100m tiếp sức nữ; Malaysia có 3 HCĐ ở nội dung 100m, 4 x 100m tiếp sức nữ và 400m nữ; Philippines có 1 HCV nhảy sào của Ernest Obiena.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận