20/07/2020 08:20 GMT+7

Điện hạt nhân hay không: Cần dứt khoát

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu, việc khởi động dự án điện hạt nhân hay không cần có một thái độ dứt khoát ngay từ lúc này để có định hướng cho phát triển.

Điện hạt nhân hay không: Cần dứt khoát - Ảnh 1.

Bảng công bố quy hoạch khu vực xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trước trụ sở thôn Vĩnh Trường vẫn còn, dự án đến nay đã dừng - Ảnh: MINH TRÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Việt Phương, chuyên gia nghiên cứu thuộc VinUniversity, nhấn mạnh như trên. Ông nói:

- Quá trình xây dựng quy hoạch điện trước đây, điện hạt nhân đã được đưa vào Quy hoạch điện VII trong bối cảnh kinh tế phát triển tốt. Tuy nhiên đến khi có những tác động của khủng hoảng kinh tế trong ngắn hạn, Quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh.

Vì vậy Quy hoạch điện VIII lựa chọn phát triển điện hạt nhân hay không có thể phụ thuộc vào dự báo kinh tế sau COVID-19 thế nào. Nhưng quy hoạch điện không nên chỉ "chạy theo" nhu cầu phát triển kinh tế mà phải có tầm nhìn dài hạn 10-20 năm.

“Điện than nhiều năm qua có tỉ trọng lớn, đi kèm là những ảnh hưởng tới môi trường, đã có nghiên cứu chỉ ra như vậy. Để đảm bảo an ninh năng lượng, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào điện mặt trời, điện gió...

TS NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG

Đắt hay rẻ cần tính kỹ

* Quan điểm ông thế nào khi dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí và phương án điện hạt nhân được đưa ra nhưng chỉ là để "xem xét"?

- Nên hay không nên phát triển điện hạt nhân cần nhìn từ bài học của các quốc gia khác. Như ở Đức, việc từ bỏ điện hạt nhân khiến nước này khó khăn trong việc tìm biện pháp thay thế. Mặc dù họ có thể nhập điện ở nhiều quốc gia, hoặc xung quanh phát triển điện hạt nhân như Pháp, nhưng vẫn khó khăn.

Hay với việc huy động nguồn điện chủ yếu từ khí hóa lỏng (LNG), bài học của Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia phụ thuộc khí nhưng lại không có khí nên phải nhập từ Canada, Mỹ. Dẫn tới việc dù nhà máy được xây dựng dễ dàng nhưng bị phụ thuộc.

Nếu Việt Nam tập trung phát triển nhiệt điện chạy khí cũng sẽ là thách thức cực kỳ to lớn, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông và việc Việt Nam đang phải tính tới phương án nhập khẩu LNG. Khi chúng ta cần xây dựng một hệ thống nguồn điện ổn định, tin cậy, đảm bảo nguồn nhiên liệu không bị đứt đoạn thì điện hạt nhân có thể đảm bảo tốt.

Thực tế Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc... vẫn kiên trì phát triển điện hạt nhân và công nghệ ngày càng phát triển. Điện hạt nhân vào Việt Nam sẽ kéo theo những ngành công nghiệp và lĩnh vực cơ khí liên quan, như sản xuất đồng vị phóng xạ, y học hạt nhân, hay bảo quản nông sản bằng chiếu xạ...

Điện hạt nhân hay không: Cần dứt khoát - Ảnh 3.

TS Nguyễn Việt Phương, chuyên gia nghiên cứu thuộc VinUniversity

* Vẫn còn những lo ngại về an toàn khi có sự cố ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản). Chi phí đầu tư cũng rất cao. Theo ông, giải bài toán này thế nào?

- Cần phải nhấn mạnh lại công nghệ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima là từ rất lâu đời, từ thập niên 1960 - 1970. Việc tai nạn xảy ra là do việc vận hành để đảm bảo an toàn của người vận hành. Trong khi đó vấn đề công nghệ của điện hạt nhân đã phát triển rất nhiều, có những trường hợp sự cố xảy ra thì các lò phản ứng lập tức dừng hoạt động. Vì vậy về mặt công nghệ không có gì quá lo lắng. Vấn đề đặt ra là chúng ta lựa chọn công nghệ nào.

Chi phí thực sự đúng là vấn đề lớn nhưng tôi cho rằng điều quan trọng mà chúng ta cần là gì? Đó là an ninh năng lượng, là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu. Thực tế hiện nay không có nguồn điện nào có thể đáp ứng đủ 3 yếu tố đó tốt như điện hạt nhân.

Điện than nhiều năm qua có tỉ trọng lớn, đi kèm là những ảnh hưởng tới môi trường, đã có nghiên cứu chỉ ra như vậy.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào điện mặt trời, điện gió như bài học Đức hiện đang gặp vấn đề lớn vì không thể đảm bảo nguồn cung điện. Hay người dân Thụy Điển vốn từng dự định bỏ điện hạt nhân nhưng sau đó chính họ đã quay lại bỏ phiếu để chính phủ giữ ngành công nghiệp điện hạt nhân.

Nếu tính cả ba yếu tố trên, chúng ta không thể thấy ngay thiệt hại có thể quy ra tiền, nhưng nếu ta thiếu điện cho phát triển kinh tế, ta bị ảnh hưởng môi trường và chi phí y tế ngày càng tăng, rồi những tác động biến đổi khí hậu ngày càng lớn, thì hậu quả và những tác động gây ra lớn hơn rất nhiều.

Giá thành phụ thuộc ưu đãi của Nhà nước

* Có nhiều tính toán khác nhau về giá thành của 1 kWh điện hạt nhân, có thể lên tới 17-18 cent/kWh hoặc chỉ trên 10 cent/kWh. Ông thấy thế nào?

- Đúng là suất đầu tư điện hạt nhân hiện nay có nhiều mức giá khác nhau nên giá thành sẽ khác nhau. Giá thành sẽ phụ thuộc rất lớn vào lãi suất ưu đãi mà Nhà nước dành cho dự án. Nếu đó là mức lãi suất tốt thì hoàn toàn có lãi và lãi suất cao thì khó có lãi.

Từ thời kỳ tính xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, Việt Nam đã ký thỏa thuận hỗ trợ và biện pháp tài chính cần thiết để chi phí giá thành điện hạt nhân không quá đắt. Do đó, tôi cho rằng nếu khởi động lại dự án hoàn toàn có thể tìm ra được cơ chế tài chính phù hợp.

* Dự thảo đưa ra định hướng tới năm 2035 có thể bắt đầu triển khai dự án điện hạt nhân. Nếu làm sẽ có rất nhiều việc cần xúc tiến sớm?

- Chúng ta đã tính làm điện hạt nhân, nên những gì còn lại trước hết là cơ sở văn bản pháp luật sẽ là lợi thế. Việt Nam cũng đã đưa sinh viên đi học để vận hành.

Chúng ta cần làm gì? Đó là duy trì sự ủng hộ của công chúng với điện hạt nhân. Kể cả 15 năm nữa mới bắt đầu làm thì cũng cần phải có quyết định rõ ràng, dứt khoát của Đảng và Chính phủ ngay từ bây giờ về định hướng trong 15 năm tới để người dân yên tâm.

Đặc biệt cần nghiên cứu công nghệ mới. Trước đây công nghệ ta tính mua là của Nga và Nhật không quá mới. Hiện nay đã có những nhà máy mới ở các nước. Do đó việc nghiên cứu công nghệ mới có ý nghĩa rất lớn.

Về chôn cất chất thải hạt nhân, đây là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất nhưng đã bắt đầu có lời giải ở một số quốc gia phát triển như Thụy Điển, Phần Lan, Pháp. Ta nghiên cứu phương án chôn lấp chất thải ở đâu, thể hiện cho người dân thấy ta nghiên cứu nghiêm túc và bài bản.

Điện hạt nhân hay không: Cần dứt khoát - Ảnh 4.

Sự thay đổi cơ cấu công suất nguồn điện theo mốc thời gian Nguồn: Viện Năng lượng - Dữ liệu: Ngọc Hiển - Đồ họa: N.KH.

30 quốc gia có điện hạt nhân, đối mặt nhiều thách thức

Theo dữ liệu của Công ty phân tích GlobalData đăng trên tạp chí Nuclear Engineering International đầu tháng 7-2020, trên toàn cầu có hơn 400 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và 54 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng tại 17 quốc gia.

Trong khi đó có khoảng 475 lò phản ứng hạt nhân vẫn chưa bắt đầu xây dựng, nhưng kế hoạch xây dựng đã được công bố hoặc đã nhận được giấy phép và nguồn tài chính.

Hiện tại có 32 quốc gia vận hành lò phản ứng hạt nhân để tạo ra điện. Trong đó Trung Quốc dự tính sẽ vượt mặt Mỹ và Pháp xét về công suất vào năm 2026.

Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi cuối tháng 5, các đại biểu nước này đã đề xuất Trung Quốc nên bắt đầu xây dựng khoảng 6-8 lò phản ứng một năm. Lò phản ứng Hoa Long 1 đầu tiên của Trung Quốc - sử dụng công nghệ trong nước - dự kiến bắt đầu hoạt động tại tỉnh Phúc Kiến cuối năm nay.

Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin cho biết vấn đề việc làm hiện là ưu tiên hàng đầu đối với giới lãnh đạo Trung Quốc và một lò phản ứng điển hình với công suất 1 gigawatt điện có thể tạo ra được 50.000 việc làm.

Năm 2013, Trung Quốc từng đột ngột dừng kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý uranium lớn nhất lúc đó của nước này ở thành phố Giang Môn thuộc tỉnh Quảng Đông sau khi vấp phải sự phản đối của người dân. Hàng trăm người xuống đường đòi hủy dự án rộng khoảng 230ha này vì địa điểm xây dựng cách trung tâm thành phố chỉ 30km.

Theo tạp chí Nuclear Engineering International, hiện thị trường điện hạt nhân đang đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất là sự phản đối từ các nhóm môi trường như Tổ chức Greenpeace.

Thứ hai là các kế hoạch ngưng sản xuất điện hạt nhân ở một số nước, đặc biệt tại châu Âu, sau thảm họa Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản. Cuối cùng là tác động của đại dịch COVID-19.

BÌNH AN

Vẫn có nguy cơ thiếu điện

Từ khi dừng triển khai dự án điện hạt nhân vào tháng 11-2016 đến nay, Tổng sơ đồ điện VII (điều chỉnh) tiếp tục được triển khai thực hiện. Tuy nhiên trong suốt gần 4 năm qua ngành điện chứng kiến sự phát triển nóng của nhiều dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời ở nhiều tỉnh thành.

Đến nay tổng công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời đi vào vận hành chiếm tỉ trọng huy động tới 5,41 tỉ kWh, riêng điện mặt trời chiếm tới 9,5% tổng công suất toàn hệ thống (sản lượng chiếm 4,3%).

Tuy nhiên nhiệt điện than với tỉ trọng lớn trong tổng nguồn điện phần lớn đều chậm tiến độ, điển hình như nhà máy Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1... gây ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam. Nguy cơ thiếu điện tại nhiều thời điểm vẫn được EVN chỉ ra với nhiều hệ lụy..

Ông Nguyễn Văn Bình (trưởng Ban Kinh tế trung ương):

Chỉ quyết định tạm dừng

nguyen van binh

Ông Nguyễn Văn Bình

Trước đây ta cũng đã có chủ trương phát triển điện hạt nhân, đã có đề án được Quốc hội thông qua. Nhưng vì nhiều nguyên nhân Đảng và Nhà nước đã quyết định tạm dừng.

Điều đó không có nghĩa chúng ta không phát triển điện hạt nhân nữa, mà chúng ta tạm thời dừng lại vì một số lý do. Trong đó lý do lớn nhất là kinh phí. Vì nếu ta đầu tư với kinh phí cao thì ta không chịu nổi với tình hình ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài.

Do đó, Việt Nam đã phát triển nguồn năng lượng khác đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ta tích lũy thêm về nguồn vốn, chuyên môn, từng bước làm chủ được công nghệ điện hạt nhân thì mới yên tâm vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Ngoài vốn, vấn đề an toàn cũng không kém phần quan trọng... Do vậy bên cạnh tích lũy nguồn vốn thì tiếp tục học tập tích lũy thêm để làm chủ điện hạt nhân để triển khai, tiếp tục nghiên cứu công nghệ hạt nhân, không chỉ cho điện mà cho nhiều lĩnh vực kinh tế, đời sống của ta.

Ta biết hướng chúng ta phải đi, nhưng phải đi phù hợp điều kiện hoàn cảnh thực tiễn của đất nước...

(phát biểu tại Hội nghị báo cáo viên trung ương quán triệt nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến 2030 và tầm nhìn 2045)

GS.TSKH Trần Đình Long (phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam):

Cần cân nhắc kỹ

gs

GS.TSKH Trần Đình Long

Việc khởi động điện hạt nhân là quyết định quan trọng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm từ trước đây. Chúng ta đã bỏ vốn đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhà máy nhưng sau đó dừng lại là đáng tiếc.

Việc phát triển phải có tính toán kỹ lưỡng, không nên làm theo cách lúc hăng hái quá, lúc thì ghìm lại. Nếu lựa chọn làm điện hạt nhân thì trước đó 10 năm phải có quyết định dứt khoát sau đó làm từng bước chắc chắn. Nên cân nhắc kỹ: không làm điện hạt nhân liệu có phương án đảm bảo nguồn điện khác thay thế được không?

Một bài học lớn là quy hoạch điện bao giờ cũng bắt đầu từ nhu cầu Việt Nam cần bao nhiêu điện cho từng năm, nó phải được luận chứng, dự đoán chính xác. Từ trước đến nay, có tình trạng vừa ký ban hành quy hoạch xong, chưa ráo mực đã lo sửa đổi vì dự báo chưa chuẩn. Ta đang chạy theo cung nhiều hơn cầu.

Khởi động lại điện hạt nhân? Khởi động lại điện hạt nhân?

TTO - Tái khởi động dự án điện hạt nhân là một phương án “được xem xét” trong dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến, cùng với hàng loạt kịch bản phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên