Sân Thống Nhất lác đác khán giả trong một trận đấu của CLB Sài Gòn, vì đâu nên nỗi? - Ảnh: N.K.
Như thông tin, sau hàng loạt trận thua liên tiếp của hai đại diện bóng đá TP.HCM là CLB TP.HCM và Sài Gòn tại V-League, là người hâm mộ bóng đá Sài Gòn một thời, ai không cảm thấy chạnh lòng.
Nhằm vực dậy hai đội bóng này trong tình hình hiện tại, Tuổi Trẻ Online mở ra diễn đàn cùng hiến kế để vực dậy bóng đá TP.HCM.
Và chỉ chưa đầy một ngày đã có hơn 100 ý kiến của bạn đọc chia sẻ, góp ý, hiến kế.
Là công dân TP.HCM dõi theo từng bước thăng trầm của các đội bóng thành phố này, bạn đọc Huỳnh Trí Dũng ở Bà Hom, quận 6, tự giới thiệu: "Tôi năm nay 64 tuổi và biết xem bóng đá từ năm lên 5 tuổi tại sân vận động Thống Nhất (xưa là sân vận động Trường Cộng Hòa)". Tham gia diễn đàn, bạn đọc Huỳnh Trí Dũng góp 2 ý kiến như sau:
Thứ nhất: Tuyển chọn cầu thủ bóng đá trẻ thông qua trung tâm đào tạo tại TP.HCM hoặc tuyển chọn các cầu thủ là công dân tại thành phố (sinh ra tại TP.HCM thì càng tốt...) để đào tạo tập trung, tạo ra những cầu thủ "cây nhà lá vườn".
Thứ hai: Trước mắt trong thời gian gần nhất, sân Thống Nhất nên mở cửa tự do vào cổng để kéo khán giả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi... có dịp được đến sân ủng hộ đội nhà. Từ đó, kêu gọi nhà hảo tâm góp tay để có các tặng phẩm như áo thun mang logo đội bóng, tạo thói quen đến sân xem bóng đá vào các ngày cuối tuần.
Theo bạn đọc này, nếu làm được hai việc trên, sớm muộn gì bóng đá Sài Gòn - TP.HCM cũng sẽ trở lại thời hoàng kim như trước đây.
Cũng nhớ về thời hoàng kim của bóng đá Sài Gòn - TP.HCM gắn liền với những cái tên Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Sở Công Nghiệp, Công An TP.HCM (sau này), bạn đọc Trâm Anh Minh viết: "Tôi ở Đồng Nai (giáp với Lâm Đồng, cách Sài Gòn gần 200km), lúc trước mỗi khi có trận đấu nào của các đội bóng yêu thích thi đấu, tôi đều xuống tận sân Thống Nhất để xem, hồi hộp và hấp dẫn lắm".
Còn bây giờ, theo bạn đọc Trâm Anh Minh, dù làm ăn sinh sống ở Sài Gòn nhưng không bao giờ xem trận đấu nào của CLB TP.HCM, CLB Sài Gòn thi đấu, vì họ không còn là cái "hồn" của người Sài Gòn nữa.
Đến với bóng đá từ trái tim, bạn đọc Sao Mai bổ sung: "Tôi đi xem bóng đá Sài Gòn từ cái thời người hâm mộ tràn xuống rìa cỏ sân Thống Nhất và ngồi xem. Nhưng rất trật tự và vui vẻ. Tôi yêu bóng đá Sài Gòn từ trái tim...".
Theo bạn đọc này, để vực dậy bóng đá Sài Gòn - TP.HCM, nên chăng những nhà làm bóng đá phải làm một cuộc cách mạng để cải tổ như một "Hội nghị Diên Hồng". Hãy làm bóng đá Sài Gòn - TP.HCM bằng cái tâm và nhất là phải có bản sắc địa phương - bạn đọc này góp ý.
Cũng như rất nhiều bạn đọc, bản sắc của đội bóng là sợi dây liên kết tình yêu của người hâm mộ dành cho đội bóng, đồng thời còn góp phần quyết định sự thành bại của đội bóng đó. Nhưng, rất tiếc cả hai CLB của TP.HCM hiện nay không có được, và đó là lý do vì sao người hâm mộ không còn mặn mà với hai CLB TP.HCM, Sài Gòn, dù đang đối diện với nguy cơ xuống hạng.
Về ý này, bạn đọc Phạm Hữu Phước nói rất thẳng: "Tôi không buồn khi 2 đội bóng TP.HCM và Sài Gòn xuống hạng vì đó không phải là đội bóng xuất xứ từ TP.HCM. Và tôi cũng không thấy vui khi họ vô địch".
Hiến kế vừa duy trì bản sắc vừa theo kịp tình hình hiện tại, bạn đọc nick name Lê mê bóng đá viết: "TP.HCM nên thành lập 1 quỹ start up để có nguồn tiền. Xây dựng lại 3 CLB (hoặc là 3 học viện) là Cảng Sài Gòn, Hải Quan và Công An TP.HCM để tuyển học viên. Ngoài ra, TP.HCM kêu gọi lại các cựu cầu thủ của 3 CLB này về đây sinh hoạt, quảng bá, truyền lửa, giảng dạy...".
Nhưng phải làm sao cùng lúc có đến 3 CLB đào tạo cầu thủ trẻ? Theo bạn đọc này, đó chính là lý do tạo nên những cầu thủ chất lượng vì họ phải cạnh tranh với nhau.
"Nếu 1 trong 3 đội nói trên có mặt tại V-League, chắc chắn sân Thống Nhất sẽ không còn chỗ trống. Tương lai, chuyện xây dựng một sân vận động mới, khang trang chỉ là chuyện nhỏ bởi nguồn lực xã hội ở TP.HCM rất lớn" - bạn đọc này viết.
Mời bạn tham gia diễn đàn cùng hiến kế để vực dậy bóng đá TP.HCM
Suốt nhiều vòng đấu, cả hai CLB TP.HCM và Sài Gòn cùng chìm sâu dưới đáy bảng xếp hạng V-League. Làm gì để vực dậy hai đội bóng này trong tình hình hiện tại?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận