18/09/2021 09:05 GMT+7

Diễn đàn 'Từng bước mở cửa kinh tế an toàn, hiệu quả': Cần sớm khôi phục sản xuất

CHUNG THANH HUY
CHUNG THANH HUY

TTO - Việc tái khởi động nền kinh tế không có nghĩa là giảm đi tầm quan trọng của việc chống dịch mà nhằm phục hồi sức khỏe của nền kinh tế, gia tăng khả năng chống dịch tốt hơn và lâu bền hơn.

Diễn đàn Từng bước mở cửa kinh tế an toàn, hiệu quả: Cần sớm khôi phục sản xuất - Ảnh 1.

Cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đủ điều kiện phòng chống dịch để trở lại sản xuất - Ảnh: Q.ĐỊNH

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đang sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân lao động

Do đó cần nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đủ điều kiện phòng chống dịch để trở lại sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giảm áp lực an sinh xã hội và là tiền đề phục hồi sản xuất sau này. 

Tổ chức chích ngừa 2 mũi vắc xin cho người lao động của các doanh nghiệp nhanh nhất và sớm nhất có thể, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đang sản xuất trong chuỗi cung ứng hàng thiết yếu và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu.

Nới lỏng di chuyển và giao thông vận tải, từng bước cho người dân đi chợ, buôn bán và trở lại nơi làm việc cùng với những biện pháp giãn cách, tránh tập trung đông người tại bất cứ nơi nào. Cho phép các phương tiện công cộng hoạt động trở lại nhưng phải tuân thủ triệt để nguyên tắc 5K.

Thách thức lớn khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại là thiếu nguồn nhân lực để phục hồi, do phụ thuộc khá lớn vào nguồn lao động nhập cư (đã di chuyển khỏi thành phố trong thời gian qua). 

TP.HCM có trên 3,2 triệu lao động trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong tổng số hơn 4,7 triệu lao động đang làm việc. Hơn 1/3 - 1/2 trong số này là người nhập cư, đang gặp khó khăn do mất việc làm, không có thu nhập...

Vì vậy việc chăm lo bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân và gia đình họ lúc này là vô cùng cần thiết và cấp bách nhằm giữ nguồn lao động để đáp ứng nhanh chóng phục hồi sản xuất. 

Đào tạo lại lao động để sớm đưa nền kinh tế lên quỹ đạo tăng trưởng nhanh, bù đắp cho giai đoạn sụt giảm vừa qua. Cần ưu tiên cứu trợ những doanh nghiệp có triển vọng phát triển sau đại dịch, phù hợp với sự biến đổi nhanh của thời đại 4.0 hậu COVID-19.

Giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu tiêu dùng

Việc hỗ trợ những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không có cơ hội tồn tại và phát triển trong tương lai sẽ dẫn tới sự lãng phí nguồn lực. Cần có những chính sách miễn, giảm, hỗ trợ thuế đúng đối tượng thay vì cào bằng. 

Phải khảo sát kịp thời nhằm xác định những doanh nghiệp có lợi thế, sống tốt hậu dịch COVID-19. Hỗ trợ doanh nghiệp phải hướng tới việc làm mới cho nền kinh tế để thích nghi với thời đại mới bằng việc xây dựng được các trụ cột, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thời gian qua Chính phủ đã rất nỗ lực khi dành nhiều gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ, giảm phí, lệ phí, giá... cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần xem xét tăng thêm quy mô, mở rộng thêm phạm vi bao phủ của các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, có thể mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng để trợ giúp người tiêu dùng và kích cầu tiêu dùng.

Chính phủ cần tính đến cấp bù lãi suất để hỗ trợ ngân hàng cho vay bên cạnh việc đề nghị họ giảm lãi suất. Thúc đẩy đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng như thiết bị phụ tùng y tế, vắc xin, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ... 

Những hạn chế trong mối liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bộc lộ rõ nét qua việc điều phối chống dịch cũng như lưu thông hàng hóa, duy trì hoạt động sản xuất.

Do vậy cần thành lập ban chỉ đạo chung của vùng để liên kết, phối hợp hiệu quả nhất trên thế mạnh và tiềm năng của mỗi địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Xây dựng các chính sách và hành động cụ thể trong công tác phòng chống dịch, mở cửa kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các khu vực khác.

Bà Phan Thị Thanh Xuân (phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam):

Không thể đợi hết F0 mới mở cửa kinh tế

Nghị quyết của Chính phủ đã chuyển từ mục tiêu "Zero COVID" sang "sống chung với COVID", nhưng tư duy của các địa phương vẫn là "Zero COVID", vẫn phong tỏa diện rộng theo kiểu ngăn sông cấm chợ mà thiếu trọng điểm nên việc kiểm soát dịch vẫn không hiệu quả, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, chưa có các tiêu chí cụ thể để các địa phương biết trong việc áp dụng mức độ biện pháp an toàn phòng chống dịch nào cho phù hợp, kể cả tiêu chí "xanh - vàng - đỏ" cũng không có nên mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu, khiến rất nhiều địa phương lúng túng trong cách thực hiện.

Nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất đã quá khó khăn rồi, nhưng không ít địa phương cứ áp dụng máy móc, cứng nhắc phong tỏa khiến cho doanh nghiệp không thể chủ động lên kế hoạch sản xuất.

Do đó, chúng tôi đề xuất không áp dụng phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý mà chỉ quản lý dịch theo điểm và tập trung quản lý dịch bệnh bằng việc xét nghiệm định kỳ hoặc theo xác suất tại các điểm.

Điều này giúp các doanh nghiệp chưa có điều kiện phủ hết vắc xin cho người lao động, các cá nhân dù chưa tiêm chủng hoặc đã được tiêm chủng đều có cơ hội làm việc, đi lại như nhau nhưng bắt buộc phải xét nghiệm theo quy định.

Đặc biệt, không khống chế số lao động tham gia làm việc tại các điểm như quy định hiện nay mà cho phép doanh nghiệp được bố trí lao động phù hợp với quy mô sản xuất của từng nơi.

Bà Lý Kim Chi (chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM):

Doanh nghiệp cần được chủ động áp mô hình chống dịch

Thực tế cho thấy việc phòng chống dịch bằng nhiều quy định không phù hợp với thực tế đã để lại rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế thời gian qua, chuỗi cung ứng đứt gãy khiến cộng đồng doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề điêu đứng.

Để các doanh nghiệp "sống chung với dịch COVID" một cách hiệu quả, Chính phủ cần thống nhất quản lý toàn quốc ở một số lĩnh vực trọng điểm trong phòng chống dịch, tiến tới không áp dụng việc cấp giấy đi đường, bãi bỏ giấy phép con, thống nhất sử dụng một phần mềm quản lý, khai báo phòng chống dịch trên toàn quốc.

Tổ công tác, tham mưu phòng chống dịch của Chính phủ và địa phương phải có cơ cấu ít nhất 30% thành phần là doanh nghiệp và hiệp hội để nhanh chóng gỡ ngay các vướng mắc phát sinh trong thực tế.

Để phát huy sự tự chủ y tế tại chỗ của doanh nghiệp, Chính phủ cần quán triệt các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng thống nhất quyết định 2194 về "Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động" theo hướng trao quyền chủ động trong mô hình, phương thức tổ chức cũng như vận hành phòng chống dịch cho các tổ chức và doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ các nhà máy, cụm nhà máy, KCN lập các cơ sở lưu trú, các trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động để triển khai phòng chống dịch cần được quan tâm sâu sắc hơn ở từng địa phương.

Bộ Y tế cũng cần hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng đồng bộ về quy tắc xét nghiệm trong nhà máy/tổ chức/doanh nghiệp, trong đó cần quy định rõ về tỉ lệ số công nhân, thời gian phải test thế nào, số mũi vắc xin trong từng trường hợp doanh nghiệp có người lao động mới tiêm hoặc chưa tiêm ra sao...

TRẦN VŨ NGHI ghi

Diễn đàn Diễn đàn 'Từng bước mở cửa kinh tế an toàn, hiệu quả': Cần chiến lược với 5 vấn đề mấu chốt

TTO - Khôi phục kinh tế là mục tiêu hàng đầu khi TP.HCM xác định sẽ sống chung với COVID-19. Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch GIBC.

CHUNG THANH HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên