Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn - Ảnh: TẤN LỰC
Tuy được tổ chức lần đầu tiên, diễn đàn nhận về nhiều tín hiệu lạc quan, thu hút sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cấp lẫn các nhà khoa học trẻ, .
Nhiều đóng góp thiết thực
Trong hai ngày 28 và 29-11, gần 200 đại biểu trình bày và lắng nghe góp ý, phản biện từ hội đồng cố vấn chuyên gia trong và ngoài nước xoay quanh 3 chủ đề chính: thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
Không nằm ngoài dòng chảy xu hướng của thế giới, giáo dục STEM là một khía cạnh nhận được sự quan tâm lớn của giới du học sinh, khoa học trẻ người Việt. Trong khi TS Nguyễn Đình Quý (ĐH Kỹ thuật Nanyang, Singapore) chia sẻ về tầm quan trọng của giáo dục STEM với sự phát triển kinh tế - xã hội trong cách mạng công nghiệp 4.0, TS Đào Thanh Hải (ĐH Công nghiệp Hà Nội) và ThS Phạm Mai Phương Linh (ĐH York, Mỹ) lại tập trung những "nhánh" liên quan giữa STEM và thúc đẩy sức sáng tạo, đổi mới đất nước.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam cần thiết có những thông tin tham khảo, sự hỗ trợ để cải thiện tình hình. Xuất phát từ thực trạng này, nhiều nghiên cứu đã được các du học sinh thực hiện như: ứng dụng công nghệ mới khôi phục số liệu thủy văn môi trường và xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam (TS Nguyễn Thúy Anh, ĐH California, Mỹ); sử dụng mạng lưới dịch vụ xe đạp điện công cộng để giảm ô nhiễm môi trường (ThS Đặng Thu Hà, ĐH Harve, Pháp)...
Với chủ đề thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, các đại biểu đã có cơ hội cập nhật những kiến thức khá mới mẻ như: công nghệ mô phỏng và tối ưu số trong thiết kế chế tạo công nghiệp nói chung và cho một số bộ phận của tên lửa đẩy vệ tinh Ariane 6 (ThS Chu Tiến Anh, ĐH Altair Engineering, Pháp); ứng dụng hệ thống đổi mới quốc gia (ThS Trần Lương Thành, ĐH Tổng hợp Friedrich-Schiller-Jena, Đức)...
Mỗi câu chuyện, phần trình bày là một lát cắt giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về sự gắn kết, tầm quan trọng của các chủ đề trên với xã hội nói chung, với Việt Nam nói riêng. Nhiều đại biểu cho biết đã nhận được những lời đề nghị hỗ trợ, hợp tác, góp ý chuyên môn... sau phần trình bày của họ.
Những suy tư
Với đại biểu Lê Đình Hiếu (đồng sáng lập Học viện G.A.P), lo lắng của anh là cảm giác lúc chọn về nước sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành kinh tế ĐH UCLA (Mỹ). "Từng học tập, làm việc ở những môi trường uy tín như ĐH UCLA, Stanford, UPenn... nên nỗi lo đó đến từ khoảng cách rất lớn giữa các cường quốc và chúng ta. Tốc độ họ đổi mới và bứt phá nhanh đến mức chính tôi còn thấy hoảng khi chứng kiến" - Hiếu nói.
Dẫu vậy, song song nỗi lo đó là những quyết tâm và giấc mơ lớn trong việc đem tinh hoa thế giới về quê nhà trong anh. "Có thể nói việc tìm kiếm một cộng đồng cùng nhau kiến tạo, phát triển ở VN là vô cùng thử thách. Nếu như tại San Francisco (Mỹ) tôi có thể dễ dàng kiếm được người đồng hành (co-founder), người phản biện và cố vấn, nhà đầu tư... chỉ sau một thời gian ngắn thì tại VN, những trí thức trẻ khao khát đổi mới sáng tạo đang rất cô đơn" - Hiếu thẳng thắn nói.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, Hiếu cho rằng từ các chuyên gia, các nhà làm chính sách đến phụ huynh Việt đều khá e dè, im lặng trước các đổi mới dù ai cũng chỉ trích những cái cũ chưa tốt. "Thậm chí đôi khi tôi mong thấy ý tưởng của mình bị phản bác, nhưng chẳng thấy ai buồn thử nghiệm hay cho ý kiến" - Hiếu chia sẻ.
Đình Hiếu cũng mong mỏi Việt Nam sớm có cơ chế và hành lang chính sách đủ thoáng, linh hoạt để cái mới có cơ hội "nảy mầm". Theo Đình Hiếu, nếu như Bangladesh, Indonesia... là những quốc gia tương đồng với Việt Nam về nhiều mặt, hiện áp dụng hiệu quả mô hình doanh nghiệp xã hội, Việt Nam vẫn chỉ mới manh nha có luật về doanh nghiệp xã hội, còn các nghị định, thông tư hướng dẫn vẫn còn rất sơ khai và dễ gây nản lòng người trong cuộc.
Hay như "nỗi lòng" từ TS Đinh Đức Anh (chuyên ngành hóa học vật liệu, Viện Khoa học kỹ thuật, Ý): "Từng học ở Ý và Hàn Quốc, tôi thấy hơi chạnh lòng khi thấy những sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam còn khá chênh lệch, hạn chế với du học sinh trở về. Chẳng hạn ở Hàn Quốc, chúng tôi được miễn phí khi tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, nhận nhiều ưu đãi của xã hội.
Ở Việt Nam, chính sách về đầu tư, các khâu xử lý thủ tục giấy tờ còn khá rườm rà. Chúng ta cũng còn thiếu đội ngũ chuyên môn đủ năng lực đánh giá công trình nghiên cứu để ý tưởng của các trí thức trẻ đưa ra được nhận xét, điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh đất nước".
"Dẫu vậy, tôi tin Chính phủ Việt Nam đang từng bước nỗ lực thực hiện, cải thiện các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật" - chia sẻ của Đức Anh cũng là "nỗi lòng" của nhiều du học sinhtại diễn đàn.
Ra mắt Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình hỏi thăm, tặng hoa chúc mừng các trí thức trẻ Việt Nam tiêu biểu - Ảnh: TẤN LỰC
Từ hơn 500 hồ sơ (với 250 phân tích, kiến nghị và 170 ý tưởng) gửi về từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, Trung ương Đoàn đã chọn được 198 đại biểu trẻ tham gia chương trình. Trong đó có 27% đại biểu là tiến sĩ, sau tiến sĩ, phó giáo sư; 35% đại biểu là thạc sĩ; 33% là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ và 5% là sinh viên năm cuối các trường đại học có thành tích đặc biệt xuất sắc.
Nhân dịp này, ban tổ chức diễn đàn tuyên bố thành lập Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (Global Young Vietnamese Scholars Network). Mạng lưới hướng đến mục tiêu trở thành kênh tham vấn cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng "đặt hàng" đội ngũ trí thức, hoặc tham vấn các trí thức trẻ về những vấn đề cần thiết cho sự phát triển của đất nước.
C.NHẬT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận