Anh Lê Quốc Phong (giữa), bí thứ thứ nhất Trung ương Đoàn, trao đổi với các đại biểu tại diễn đàn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Theo anh Phong, đây là chủ đề rất rộng, rất đa dạng, nhưng kỳ vọng nhiều bạn trẻ trong nhiều chuyên ngành, lĩnh vực sẽ tham gia đề xuất các vấn đề hướng đến sự phát triển của Việt Nam.
Về Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I năm 2018, anh Lê Quốc Phong nhận định diễn đàn lần thứ nhất đã bàn về các nhóm vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Đặc biệt là trong sự tác động mạnh mẽ của công nghiệp 4.0 đến sự phát triển của đất nước.
Anh Phong nhìn nhận diễn đàn đã tạo không gian kết nối các trí thức trẻ, là sự đoàn kết, tìm hiểu, hình thành gắn kết Mạng lưới trí thức trẻ, là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự đóng góp nhiều hơn của lực lượng trí thức trẻ Việt Nam cho các lĩnh vực cụ thể của đất nước.
Ra mắt Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Cũng theo anh Phong: Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, là vai trò kết nối tốt giúp cho lực lượng trí thức trẻ Việt Nam trong và ngoài nước tiếp tục có điều kiện gắn kết, chia sẻ với nhau, đồng thời tăng cường cơ chế thông minh để giúp trí thức trẻ có thể tiếp cận chính xác nhất những nhu cầu, định hướng phát triển của đất nước, những đặt hàng, gợi mở, chia sẻ để trí thức trẻ tìm kiếm, phát huy khả năng của mình.
"Chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo với Chính phủ, chuyển những đề xuất, kiến nghị từ diễn đàn đến các bộ ngành liên quan, giúp hiện thức hóa các giải pháp, đề xuất, ý tưởng phù hợp trong tương lai gần" - Anh Lê Quốc Phong
Đại biểu chụp hình lưu niệm tại phiên bế mạc vào trưa 29-11 - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Tại phiên bế mạc diễn đàn cũng chính thức ra mắt "Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu". PGS.TS Trần Xuân Bách, tổng thư ký Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất, cho biết: "Nguyên tắc hoạt động mạng lưới dựa trên sự chung tay, đoàn kết, bình đẳng cùng nhau chia sẻ tầm nhìn, thông tin, tâm huyết và trí tuệ, kinh nghiệm và cơ hội với sứ mệnh tiên phong là đại sứ với tinh thần thanh niên xung kích trong khoa học, công nghệ".
Theo đó, phạm vi hoạt động của Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu bao gồm 4 phần chính.
Những nội dung liên quan đến kết nối thông qua việc tổ chức những diễn đàn toàn cầu, các chuỗi hội thảo chuyên đề, liên trường, liên ngành, các chuỗi đào tạo kỹ năng. Các hoạt động này có đầu mối là những cơ quan, viện nghiên cứu mũi nhọn, tiên phong tham gia vào hành trình đổi mới, cơ chế chia sẻ thông tin, cơ hội hợp tác, phối hợp.
Tại không gian tổ chức diễn đàn sẽ bố trí 10 điểm truy cập thông tin để các đại biểu có thể truy cập thông tin, các nghiên cứu của các trí thức trẻ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Thứ hai về đào tạo, mạng lưới sẽ xây dựng cơ chế đào tạo nghiên cứu cơ bản trực tuyến, chương trình trợ lý nghiên cứu, chương trình thực tập nghiên cứu và nghiên cứu thực nghiệm.
Về cơ chế phân tích chính sách. Hằng năm mạng lưới sẽ tham vấn, xác định đầu tư, phát triển một số sản phẩm, giải pháp, nghiên cứu đáp ứng nhu cầu mang tính bối cảnh hóa của Việt Nam, biến những nghiên cứu thành sản phẩm cụ thể.
Nhóm nghiên cứu liên ngành giúp giải quyết vấn đề cụ thể từ phía doanh nghiệp, tạo ra những cơ chế đặt hàng nghiên cứu. Đề ra những nội dung hoạt động hằng năm, thông qua đó Bộ Khoa học - công nghệ, các cơ quan liên quan có thể đặt hàng với mạng lưới.
Trong "Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I", 198 đại biểu trí thức trẻ đã cùng nhau thảo luận, trình bày quan điểm, đóng góp ý kiến tại 3 nhóm nội dung: "Thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0", "Ứng dụng công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu", "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận