Cô giáo Trường tiểu học Lê Đình Chinh, Q.11, TP.HCM đang hướng dẫn nề nếp cho học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG
Một giáo viên công tác khoảng 5 năm trong nghề có lương chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mỗi ngày đến trường giáo viên phải đối diện với rất nhiều áp lực từ học sinh, phụ huynh và cả từ ban giám hiệu nhà trường.
Áp lực bủa vây
Giáo viên là cầu nối giữa phụ huynh và ban giám hiệu. Theo đó, mỗi khi trường có những thông báo, chính sách hay các khoản thu nào thì người đứng ra nói chuyện với phụ huynh chính là giáo viên. Có nhiều phụ huynh vì không hiểu những chính sách đó nên đã nhiều lần "tấn công" giáo viên bằng những ngôn từ rất khó nghe.
Chẳng hạn, một đồng nghiệp của tôi khi thông báo thu tiền nước uống của trường 80.000 đồng, một phụ huynh lập tức nhắn trong nhóm "nó lại thu tiền nữa rồi". Thực ra, tiền nước uống trong năm học với khoản đó là bình thường và rõ ràng phụ huynh không hề có sự tôn trọng giáo viên. Họ không nhìn thấu đáo mà chỉ quy chụp cho giáo viên là những người gây sức ép tài chính đến họ.
Một điều khác: Những đứa trẻ ngày nay là con cưng của thế hệ phụ huynh từng trải qua giai đoạn khó khăn của đất nước, nên họ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con của mình.
Họ luôn coi trọng và nâng niu con cái, trong khi ở lớp có thể con cái họ lại là những cô cậu học trò ương bướng khó bảo.
Không ít lần phụ huynh đã lên trường với thái độ rất khó chịu vì giáo viên bắt con họ làm vệ sinh khi các em vi phạm nội quy nhà trường, trong khi đây là một trong những cách giáo dục học trò.
Tuy nhiên, điều tạo nhiều áp lực cho giáo viên lại chính là hoạt động "thi đua" của trường. Vào cuối mỗi học kỳ hoặc cuối năm học, giáo viên được đánh giá dựa vào hàng loạt tiêu chí thi đua của trường.
Để đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mỗi giáo viên phải đảm bảo nhiều tiêu chí như vắng, trễ, kết quả học tập của học sinh lớp mình phụ trách, tư tưởng chính trị vững vàng và tham gia tích cực các hoạt động của đoàn thể.
Mỗi năm, dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 lẽ ra là ngày vui của nghề nhưng lại luôn mang lại sự ngao ngán cho giáo viên.
Có quá nhiều hoạt động thi đua chào mừng ngày nhà giáo và hầu như tất cả các ngày thứ bảy và chủ nhật của tháng 10 và tháng 11 hằng năm nhiều giáo viên phải gác lại công việc gia đình để chạy theo các hoạt động này, nếu không thì không đảm bảo thi đua.
Trích điều 27 Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học - Đồ họa: N.KH.
Xoay xở để thay đổi
Đổi mới chương trình giáo dục, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ số trong giáo dục luôn buộc giáo viên phải thay đổi mỗi ngày. Nhưng điều trái ngược là chúng ta chỉ thay đổi về mặt lý thuyết, còn thiết bị dạy học lại chưa kịp thay đổi. Điều này luôn khiến giáo viên phải xoay xở giữa cái cũ và cái mới.
Giáo viên cũng là những thành viên của gia đình, họ cũng cần phải có thời gian để chăm sóc mái ấm của mình. Nhưng thực tế, với thu nhập và những áp lực công việc, liệu rằng họ còn đủ tâm trí để làm tốt công việc của mình?
Vừa qua, tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo đã báo cáo trước Quốc hội trong năm học vừa qua đã có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, trong đó 2/3 là giáo viên công lập. Điều này cũng dễ hiểu khi mà nhu cầu cuộc sống ngày càng cao và cơ hội để kiếm một việc làm với thu nhập cao và không phải chịu quá nhiều trách nhiệm sẽ dễ dàng hơn những thập niên trước.
Liệu có bao nhiêu phần trăm giáo viên duy trì được công việc vì lòng nhiệt huyết với nghề, hay họ chỉ đi làm vì danh xưng giáo viên - nghề cao quý trong các nghề cao quý mà thực tế sự đãi ngộ lại không được tương thích?
Câu khẩu hiệu gần 30 năm
"Giáo dục là quốc sách hàng đầu" lần đầu tiên được đề cập vào năm 1993. Vậy là đã gần 30 năm trôi qua, người giáo viên đã sống được bằng lương hay chưa, đã có những chính sách bảo vệ giáo viên trước những tấn công (bằng lời nói, hành động bạo lực) từ phía học sinh, phụ huynh, thậm chí ngay cả người lãnh đạo trực tiếp của họ là ban giám hiệu nhà trường hay chưa?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận