01/10/2022 08:29 GMT+7

Diễn đàn: Làm gì để chấm dứt lạm thu?: Nỗi lòng 'người đứng giữa'

DIỆU HIỀN
DIỆU HIỀN

TTO - Không chỉ phụ huynh mà không ít giáo viên cũng cảm thấy phiền lòng với nạn lạm thu trong nhà trường. Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của một nhà giáo, vừa là nỗi lòng khó nói của nhiều người vừa gợi mở giải pháp chấm dứt lạm thu.

Diễn đàn: Làm gì để chấm dứt lạm thu?: Nỗi lòng người đứng giữa - Ảnh 1.

Cuộc họp phụ huynh của một trường THPT ở Hà Nội - Ảnh: HÀ THANH

Theo dõi những bài về tình hình lạm thu trong các cuộc họp phụ huynh thời gian gần đây, cá nhân tôi, vốn là một giáo viên, cảm thấy rất buồn lòng. Cũng bởi lạm thu trong trường học thường được mặc định là mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, giáo viên, những người "đứng giữa", cũng mang rất nhiều nỗi niềm.

Những cuộc họp phụ huynh buồn

Trong thực tế, trừ một vài trường hợp ngoại lệ ra thì các vấn đề lạm thu trong trường học không liên quan đến giáo viên. Cũng bởi hầu hết khoản tiền phải thu trong những cuộc họp phụ huynh đều là hoạt động thu chi dựa trên thỏa thuận "tự nguyện" giữa phụ huynh và nhà trường. Giáo viên chúng tôi hoàn toàn không liên quan hoặc hưởng lợi gì từ số tiền lạm thu ấy. Thế nhưng, dù muốn hay không, giáo viên vẫn là trung tâm đứng giữa nhà trường và phụ huynh, là "trung gian" của các khoản thu này.

Cá nhân tôi đã từng có kinh nghiệm làm chủ nhiệm suốt gần 10 năm. Và đương nhiên, trong khoảng thời gian dài ấy, việc chủ trì các cuộc họp phụ huynh đầu năm của các lớp, do bản thân chủ trì, kiểu gì cũng không tránh được việc thông báo về các khoản thu. Mà trước đó, trong các cuộc họp với ban giám hiệu để triển khai kế hoạch họp phụ huynh, những giáo viên chủ nhiệm như chúng tôi luôn được nhà trường thông báo về các khoản thu này như một hiệu lệnh.

Buổi họp phụ huynh tại nhà trường, thay vì trao đổi về cách thức giáo dục, kỷ luật và các vấn đề liên quan đến con trẻ thì dưới áp lực từ nhiều phía, chuyện thu tiền chiếm thời lượng không nhỏ. Và đương nhiên, cả giáo viên và phụ huynh đều không có cảm giác thoải mái. Đó là chưa kể việc giáo viên "nói về tiền" cũng gây mất thiện cảm, gây ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo hay mối quan hệ với phụ huynh.

Cá nhân tôi đã từng chứng kiến những cuộc tranh cãi giữa giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ và những phụ huynh không đồng ý đóng góp khi cả tập thể lớp không thống nhất các khoản thu. Phụ huynh không giữ được bình tĩnh nên lớn tiếng xúc phạm giáo viên, và ngược lại giáo viên cũng ít nhiều cảm thấy bị tổn thương nên đối đáp hơi nặng lời dẫn đến mâu thuẫn.

Không nên "phụ thu"

Bản thân tôi cho rằng tất cả các khoản thu chi trong nhà trường nên tuân thủ theo quy định chung của ngành. Kể cả bậc tiểu học, nếu đã thu học phí theo quy định cụ thể thì không nên thêm khoản "phụ thu" nào khác. Cũng bởi cấp tiểu học không đóng học phí nhưng việc phải thu "phụ phí" thì nhiều vô kể. Mệt mỏi hơn là với trường hợp học sinh đóng tiền muộn, thiếu thì giáo viên vừa phải "hối" phụ huynh, học sinh và còn bị cấp quản lý đánh giá là "chưa hợp tác", thậm chí kém năng lực, trong các cuộc họp.

Tôi còn nhớ như in tin nhắn của một phụ huynh: "Tôi xin cô chiều nay đừng đọc tên con tôi chưa đóng tiền trước lớp. Bản thân tôi rất xấu hổ vì chưa thể đóng tiền cho hội phụ huynh được nhưng chồng tôi đang bệnh, mong cô thông cảm. Cảm ơn cô". 

Tin nhắn giản đơn mà tha thiết của phụ huynh khiến tôi xót xa suốt một thời gian dài. Cũng chính từ tin nhắn này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về trách nhiệm và tình cảm của một người thầy đối với học sinh của mình.

Thiết nghĩ, trách nhiệm thu tiền học phí là của bộ phận kế toán tài vụ nhà trường, không phải của giáo viên chủ nhiệm. Rất mong ban lãnh đạo các trường thực hiện đúng quy định để giáo viên chủ nhiệm giảm bớt áp lực. Đừng vì mải mê chạy theo chỉ tiêu, thành tích mà làm khổ thêm giáo viên, phụ huynh và học sinh mỗi khi vào đầu năm học.

Không muốn các khoản thu vô lý

Tôi đã từng làm giáo viên chủ nhiệm liên tiếp hơn 20 năm ở một trường trung học.

Tôi cũng là một phụ huynh. Mỗi khi đi họp phụ huynh cho con, ngồi ở dưới mà buồn vô cùng cho giáo viên bởi đó cũng là hình ảnh của mình. Có khi thầy cô chúng tôi phải ra rả giới thiệu, giải thích về các khoản thu mà... chính bản thân cũng thấy mơ hồ, khó hiểu. Giáo viên không ai muốn có các khoản thu "vô lý" trong nhà trường và cũng chẳng hào hứng phải phơi mặt trước phụ huynh để nói về tiền, có khi như phải "đòi nợ" vậy.

Sẽ sửa đổi thông tư về hoạt động của hội cha mẹ học sinh

Sáng 30-9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại huyện Thanh Oai. Tại buổi tiếp xúc, có cử tri đề nghị xem xét lại quy chế hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Bởi thời gian qua dư luận, báo chí rất bức xúc và cho rằng hội này lập ra dường như là "cớ để các trường thu các khoản, quỹ".

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định "đúng là vấn đề rất nhạy cảm". "Việc này bộ đang xem xét sửa đổi thông tư quy định hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Nhưng sửa chữa như thế nào, định hướng ra sao còn cần cân nhắc rất thấu đáo" - ông Sơn nói.

THÀNH CHUNG

Làm gì để chấm dứt lạm thu?: Hội phụ huynh phải phản biện khuất tất trong thu chi Làm gì để chấm dứt lạm thu?: Hội phụ huynh phải phản biện khuất tất trong thu chi

TTO - Có cảm giác nhiều ban giám hiệu trường học dẫu biết vi phạm nguyên tắc xã hội hóa giáo dục vẫn hô hào vận động các khoản thu rồi an nhiên tự tại nếu chẳng may dư luận lên tiếng.

DIỆU HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên