Bản lĩnh thể hiện qua từng hoạt động có ích cho cộng đồng chứ không ở thói quen nói tục, chửi thề - Ảnh: Q.L.
Dưới đây thêm những góc nhìn trực diện cho vấn nạn của nhiều người trẻ được nhắc đến như một thói quen xấu xí.
Cứ tưởng thế là "ngầu"!
Nói tục từ lâu đã có trong văn hóa dân gian mà cái hài là một điển hình. Chẳng hạn như đố tục giảng thanh, sử dụng ngôn ngữ theo kiểu bình dân nôm na, gần gũi với đời sống thường nhật tạo ra tiếng cười sảng khoái, hoặc nhằm chế giễu, đả phá một đối tượng, một tình huống đáng chê cười nào đó.
Nhưng đố tục giảng thanh chuẩn mực phải đảm bảo những yếu tố thẩm mỹ nhất định. Nói dễ hiểu là phải sang, đẳng cấp, có văn hóa chứ không phải vô tư dùng từ thô tục là được.
Điều này đòi hỏi người sử dụng phải có tầm kiến thức và kỹ năng ứng dụng văn hóa phù hợp. Đáng buồn là nghệ thuật hiện nay, trong đó có hài đang được tiếp biến có phần dễ dãi của thế hệ trẻ.
Vì thoải mái vô tư đăng tải video trên các nền tảng mạng xã hội mà không bị hạn chế, kiểm duyệt nên xuất hiện nhiều sản phẩm "mang mác" nghệ thuật nhưng lại dung dưỡng cho cái hài, cái tục kém văn hóa và phát tán vô tội vạ.
Không ít nghệ sĩ trẻ vô tư nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội với sản phẩm gắn mác văn hóa. Nên có bạn chọn bước vào nghệ thuật bằng con đường chửi hay như hát, cả nói tục, chửi bậy.
Người xem đa số là trẻ cứ vô tư sử dụng lối nói, lối tư duy xem nói tục như một thói quen. Nhiều bạn cứ tưởng thế là "ngầu" nhưng hỡi ôi, nó chỉ biểu hiện tư duy hời hợt, thiếu kiến thức đến trầm trọng.
Có thể chỉ là ham vui, nói theo trào lưu để thể hiện bản thân không là người tối cổ, hay cảm giác hòa nhập nhịp sống thời đại nhưng lại không hiểu thật sự đâu là cái hài thẩm mỹ!
Hiện tượng cổ xúy các trường hợp như "thánh chửi", "thánh nói bậy" là sự đi xuống của văn hóa đại chúng, rất đáng báo động.
TRẦN XUÂN TIẾN
Đừng đổ cho môi trường
Một số bạn trẻ cũng không nhớ từ khi nào họ bắt đầu thói quen nói tục, chửi thề. Ban đầu cũng nghĩ đơn giản nói cho vui, hòa vào không khí chung nhưng dần dà lại thành thói quen không chỉ khi chat mà cả ngoài đời. Có bạn bảo "Ai cũng vậy, nếu mình "ra vẻ" thanh cao coi chừng bị bo xì".
Không phải họ không biết nói tục, chửi thề chẳng hay ho gì nhưng một khi trở thành thói quen lại rất khó bỏ, nhất là những lúc bực bội, "khó ở trong người". Dường như các bạn không tự nhìn nhận do chính mình muốn nói thế nhưng hay lấy lý do tại môi trường xung quanh!
Thực tế, nếu không muốn nói những lời không lịch sự, câu chửi thề chói tai, hoàn toàn có thể "cai" được.
Chưa kể, việc nói tục, chửi thề cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công việc, các mối quan hệ. Sẽ thế nào nếu lỡ miệng văng tục với người lớn tuổi? Hoặc đối tác, đơn vị tuyển dụng lướt trang cá nhân của bạn và "hết hồn chim én" khi đọc những lời "hoa héo" ấy?
Giới trẻ hiện có nhiều cách để biến chuyển lời nói, ngôn ngữ chat cho nhẹ nhàng hơn. Nhưng dù chúng ta có dùng ngôn ngữ "teen", viết tắt, nói "mé mé" kiểu "xạo cún", "chít mịa", "đậu xanh rau má", "chóa", "dell", "éo"... thì vẫn cứ là nói tục.
Có thể người thân quen sẽ dễ dàng chấp nhận hoặc xí xóa nhưng không có nghĩa cứ muốn nói gì thì nói. Một khi thói quen nói tục bén rễ, chúng ta sẽ trở nên khó coi trong mắt mọi người.
Thể hiện rõ sự không đồng tình
Nói tục chắc không hạn chế sự thăng tiến nhưng là cách khiến ta hạ thấp giá trị nhân cách bản thân, có thể rạn nứt mối quan hệ tốt đẹp với người khác. Không ai cảm thấy được tôn trọng khi phải nghe những lời thô tục, sao lại im lặng?
Im lặng trước cái xấu khác nào đồng nghĩa với thỏa hiệp, dung túng. Ai dám chắc mình không có khả năng bị "đồng hóa", vô tình biến đổi để hòa đồng với họ.
Tôi nghĩ mỗi cá nhân nên xác định rõ lập trường và chọn cách phản hồi phù hợp. Nếu là mối quan hệ thân thiết, có thể nhắc nhau nhẹ nhàng.
Với quan hệ xã giao, có thể chọn thái độ bất hợp tác, thậm chí một biểu cảm không đón nhận tế nhị đủ khiến đối phương nhận ra thói quen của họ có vấn đề. Sẽ tuyệt vời nếu chúng ta chọn cách thể hiện không đồng tình khéo léo, chân thành.
Đôi khi cả nể hoặc dễ dãi, hoặc giữ mối quan hệ, chúng ta dễ "nhắm mắt cho qua" nhưng lại khiến người có thói quen nói tục nghĩ rằng mọi người đã quen và nghiễm nhiên chấp nhận. Tôi biết có người xem việc pha tiếng tục trong câu từ là thể hiện cá tính, nhiều bạn trẻ xem ấy là thể hiện bản lĩnh.
Đừng vì cố gắng hòa đồng mà dần biến chất, làm mất vẻ đẹp cốt cách của con người văn minh. Cần lập trường nhận thức và nghiêm túc lựa chọn cách tương tác văn minh, chân thành, tế nhị để góp phần điều chỉnh người khác.
Đó cũng là cách ta tự nâng cao sức đề kháng văn hóa để không bị những hiện tượng xấu xung quanh ảnh hưởng ngược trở lại làm bản thân mình biến chất.
JOVEN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận