17/05/2021 06:48 GMT+7

Diễn đàn 'Học thật, thi thật, nhân tài thật': Động cơ, mục đích quyết định sự học

GIẢN TƯ TRUNG - TRỌNG NHÂN ghi
GIẢN TƯ TRUNG - TRỌNG NHÂN ghi

TTO - Để hiểu đến cùng khái niệm thực học, trước hết cần nhìn vào mục đích học tập ở mỗi người. Tại sao phải học? Học để làm gì?

Diễn đàn Học thật, thi thật, nhân tài thật: Động cơ, mục đích quyết định sự học - Ảnh 1.

Thực học hình thành từ động cơ, mục đích của sự học. Trong ảnh: học sinh tiểu học ở Đà Nẵng làm bài kiểm tra học kỳ ở nhà với giám thị chính là... phụ huynh - Ảnh: Đ.C

Chắc hẳn, việc học sẽ không thể "thực" nếu động cơ học chỉ nhằm lấy bằng cấp, điểm số.

"Đạo học", "đạo sống" và "đạo nghề"

Nếu tâm niệm rằng học để vun đắp kiến thức cho bản thân, ta đã chạm tới cấp độ đầu tiên của thực học. "Học để biết" (learn to know) đơn giản là muốn biết cái gì, thì học cái đấy. Nếu tiếp tục chuyển hóa những hiểu biết đã thu được thành thái độ, hành vi, cách ứng xử của mình với công việc, với cuộc sống, với mọi người, với xã hội, ta sẽ đạt cấp độ thứ hai, tức "Học để sống" (know to live).

Nếu duy trì thái độ và cách sống ấy trong thời gian đủ dài, những thay đổi có tính chất nhất thời sẽ trở nên bền vững, từ đó định hình bản tính và văn hóa của mình. Nhờ vậy, ta đã trở thành con người khác, sống cuộc đời khác và có số phận khác, tức là ta đã tự "cải số" cho mình. Đây là cấp độ cao nhất của thực học: "Học để thành" (live to be), tức là trở thành con người mình mong muốn, sống cuộc đời mình mơ.

Động cơ và mục đích học rất quan trọng. Nói cách khác, muốn dấn thân, đam mê với sự học của mình thì cần hình thành "đạo học" (đích đến và con đường của sự học). Tôi thường chia sẻ "đạo học" là học để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, và đây là hành trình trọn đời. Với "đạo học" này, ta sẽ có niềm tin vào bản thân, từ đó ta sẽ tin vào con người, tin vào cuộc sống, và tin rằng ai cũng có thể tốt hơn theo thời gian nhờ thực học. Từ "đạo học", ta cũng sẽ ngộ ra "đạo sống" (sống để làm gì) và cả "đạo nghề" (làm để làm gì) cho mình.

"Cách mạng sự học" của mỗi người

Ngày nay, nhiều người thường nói tới những cuộc "cải cách giáo dục" hay "cách mạng giáo dục", tuy nhiên theo tôi cần quan tâm tới "cách mạng sự học". Bởi lẽ, bản chất của "cách mạng giáo dục" chính là "cách mạng sự học", khi mỗi người đều hướng tới "thực học" và học để khai phóng, học để khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình. "Cách mạng sự học" là giành lấy quyền được làm ra chính mình bởi ta phải là sản phẩm của chính mình, mỗi cuộc đời là một tác phẩm mà chính mình là tác giả.

Tôi thường nói cách mạng giáo dục là "của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta" nên cần rất nhiều nguồn lực của cả quốc gia chung tay. Trong khi đó, "cách mạng sự học" là của riêng mỗi người, là "của tôi, do tôi và vì tôi", mỗi người nếu muốn đều có thể làm được, không phải lệ thuộc hay xin phép ai cả. Về thời gian, có thể tốn rất nhiều năm mới làm được "cách mạng giáo dục", nhưng "cách mạng sự học" có thể bắt đầu ngay bây giờ nếu mình đã quyết chí.

"Cách mạng sự học" có thể kéo theo "cách mạng sự dạy", bởi dạy tức là giúp người khác học. Khi các thầy cô thay đổi chính mình theo hướng thực học, họ cũng sẽ có cách giúp học sinh của mình tìm đến chân lý ấy. Nếu "sự học" của thầy cô tốt lên, chắc chắn "sự dạy" tốt theo, không chỉ ở trường lớp mà còn ở chính ngôi nhà của mình. Khi nhiều người đã làm được "cách mạng sự học" sẽ hình thành "cách mạng giáo dục" của toàn xã hội dựa trên nền tảng của "thực học".

Mỗi người có thể bắt đầu thực hành thực học bằng quy tắc "2W1H", viết tắt của các chữ Why (Tại sao), What (Cái gì), How (Như thế nào). Khi đứng trước một đường học nào đó, cần đặt các câu hỏi "Tại sao học và học để làm gì? Học cái gì để đạt được mục tiêu? Và học như thế nào?". Người học cần tự giải đáp cho mình 3 thắc mắc này, nếu các câu trả lời thật rõ ràng và liên quan tới sự phát triển của bản thân mới là thực học.

Không thể "học mướn", "sống mướn"

Người ta có thể "làm mướn", nhưng không thể "học mướn" hay "sống mướn". Việc học và sống là phải cho cuộc đời của chính mình. Nói cách khác, nguyên liệu đầu vào của giáo dục là người học, sản phẩm đầu ra của giáo dục là một "người học khác" do mình quyết định chính, còn gia đình, nhà trường và xã hội sẽ đóng vai trò hỗ trợ mình trong hành trình "thực học và khai phóng" này.

Nếu trường ĐH không cấp bằng...

Trong một buổi chia sẻ về chủ đề "Bàn về sự học" với đội ngũ giảng viên và ban lãnh đạo một trường ĐH, một người thầy đã đặt câu hỏi cho tôi: Nếu nói về thực học trong một câu, thì sẽ là gì? Tôi đã xin phép trả lời bằng một câu hỏi: Nếu trường ĐH này không cấp bất cứ một tấm bằng nào, thì có ai theo học không? Nếu đáp án là có, đồng nghĩa là trường mình đã cung cấp được sự "thực học" cho các sinh viên. Sau hỏi đáp này, tôi được nhiều thầy cô chia sẻ lại là rất thấm thía và đáng suy ngẫm...

Diễn đàn Diễn đàn 'Học thật, thi thật, nhân tài thật': Bỏ cách dạy và học chỉ để thi

TTO - Học phải chất là học những gì tinh túy, quý giá thiết thực cho cuộc sống, "học như bạn phải dùng nó đến suốt đời".

GIẢN TƯ TRUNG - TRỌNG NHÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên