Một học sinh lớp 6 (phải) chưa đọc được chữ nhưng vẫn được "đẩy" lên lớp hằng năm - Ảnh: NGỌC TÀI
Bài viết tham gia diễn đàn gửi về [email protected].
Nhức nhối chuyện nâng điểm, sửa học bạ
Muốn có học thật, thi thật, nhân tài thật phải trị tận gốc căn bệnh thành tích lâu nay làm ảnh hưởng đến nền giáo dục. Nhiều năm nay có hiện tượng 98% số học sinh/lớp hoặc số học sinh toàn trường đạt danh hiệu học sinh giỏi, thậm chí có trường đạt 100%.
Nhiều trường nâng điểm do lãnh đạo hoặc từ giáo viên vì giữ "thành tích" của trường không sụt giảm, bị trừ điểm thi đua. Nếu bị trừ điểm thi đua, giáo viên sẽ mất điểm, bị trừ tiền thưởng, trường mất danh hiệu, hiệu trưởng sẽ khó được đề bạt, cất nhắc ở vị trí cao hơn.
Hơn thế nữa, thời gian qua tại một số địa phương, trường học vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên tự ý nâng, sửa điểm, "làm đẹp" học bạ cho học sinh.
Không chỉ vậy, vì chạy theo thành tích, nhiều trường đẩy sĩ số học sinh lên lớp 100% trong khi thực tế có học sinh học đến lớp 5, lớp 6 còn chưa đọc thông, viết thạo...
Thực tế cho thấy chính các quy định thành tích cho trường, giáo viên, học sinh đã "kéo" cả ngành chạy đua mấy chục năm nay. Trường nào cũng phải cố đạt chỉ tiêu thành tích, không có học sinh kém, chỉ khá giỏi trở lên.
Chính vì không có học sinh ở lại lớp, sợ ảnh hưởng thành tích chung, cho nên lên lớp cả. Giáo viên xem chuyện học sinh "ngồi nhầm lớp" là bình thường. Rồi cũng vì thành tích mà cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được dư luận lao xao đồn đoán là cuộc thi của giáo viên.
Thiết nghĩ, để hạn chế, đi đến xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục để tiến tới "học thật, thi thật, nhân tài thật", trước hết cần rà soát lại các văn bản luật pháp, thông tư, nghị định hiện hành liên quan đến dạy và học; đánh giá chất lượng người học, tổ chức thi, bổ sung kịp thời những quy định mới do cuộc sống đã có sự phát triển, thay đổi để giám sát chặt chẽ chất lượng dạy và học tốt nhất.
Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm các hành vi tòng phạm, bao che cho gian lận lừa dối trong giáo dục. Những vi phạm gian lận trong giáo dục, đào tạo nếu ai đó mắc phải cần phải được xử lý ngay, công khai, nghiêm minh, đúng mức độ phạm tội để làm gương cho người khác. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần thay đổi suy nghĩ của mình nhằm giảm những áp lực không đáng có đối với con em mình...
CHUNG THANH HUY
Chuyện người mẹ xin cho con ở lại lớp
Giữa tháng 8-2018, theo kế hoạch trường tôi sẽ kiểm tra lại học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học năm học 2017-2018, trong đó có em N.T.L. - học sinh lớp 1/4. Trước khi nghỉ hè, ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm ôn tập cho L. nhưng điểm bài làm của em vẫn không đủ yêu cầu để xét hoàn thành chương trình lớp học để lên lớp 2.
Giáo viên chủ nhiệm mời mẹ của em đến trường trao đổi và đưa cho bà xem các bài kiểm tra lại của con mình. Đồng thời cô nhắc gia đình trong những ngày nghỉ hè sắp xếp thời gian để kèm cặp con thêm và cô giáo sẽ tiếp tục đến nhà giúp em ôn tập để sau đó cho em kiểm tra lại lần 2. Phụ huynh đồng ý với cô giáo sức học của con mình rất là yếu.
Cuối năm học chỉ viết được vài chữ đơn giản, còn toán chỉ tính toán được cộng trừ trong phạm vi 5 mà thôi. Bà vui vẻ nhận lời hợp tác cùng với cô giáo kèm cặp con đảm bảo đủ kiến thức để kiểm tra lại.
Ngày kiểm tra lại đã hơn 7h30, giáo viên chủ nhiệm không thấy em L. đến trường nên rất lo lắng. Cô giáo chủ nhiệm gọi điện thoại thì phụ huynh đáp: "Mấy ngày nay, tôi suy nghĩ rất nhiều. Con tôi thật sự học rất yếu, chậm hiểu bài.
Cô giáo nhiệt tình ôn tập, kèm cặp và thương tình cho nó lên lớp 2. Nhưng thiệt tình tôi nghĩ nó học cũng không nổi đâu, trí óc của con tôi học mười mà chưa nhớ một. Lên lớp 2 cao hơn lớp 1 thì tội nghiệp, nó học không vô đâu. Thôi cô nói với thầy trong ban giám hiệu tôi xin cho con ở lại lớp 1 để năm học tới nó học vững, cho cứng hơn".
Lần đầu tiên trong đời dạy học và làm quản lý giáo dục, tôi mới trực tiếp nghe có người mẹ trình bày nguyện vọng thật tình và thiết tha xin cho con mình ở lại lớp do biết năng lực của con. Và phụ huynh xin cho con ở lại lớp thì trường cũng đừng vì thành tích "đẩy" các em lên lớp.
TRẦN VĂN TÁM (Củ Chi, TP.HCM)
Quan tâm hơn đến sử dụng hiệu quả nhân tài
Nhiều thầy cô giáo nhận định yêu cầu của Thủ tướng "Học thật, thi thật, nhân tài thật" cũng chính là ba khâu đột phá lớn mà Bộ GD-ĐT cần giải quyết. Về phát hiện - bồi dưỡng nhân tài, những năm qua Bộ GD-ĐT chú trọng nhiều hình thức và bước đầu tuyển chọn ra những học sinh giỏi cấp quốc gia, học sinh năng khiếu.
Đó là những hạt giống tài năng. Nhưng rồi những học sinh đó đi đâu, tiếp tục bồi dưỡng thế nào để sử dụng hiệu quả, tránh việc lãng phí, chảy máu chất xám cũng cần được quan tâm đầy đủ đúng mức.
Về đào tạo nhân tài, cần chú trọng chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Bộ GD-ĐT cần đánh giá hiệu quả đào tạo tiến sĩ trong thời gian qua để đào tạo sát thực tế hơn với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước hiện nay. Về sử dụng nhân tài, khi người tài được quan tâm, trọng dụng thì hiền tài sẽ có nhiều.
Thực tế hiện nay có sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc nhưng ra trường không tìm được việc làm, nhất là sinh viên ngành sư phạm. Cần phải ưu tiên cho những sinh viên này được chọn trường, chọn địa phương công tác là một ví dụ về "chiêu hiền đãi sĩ" thu hút nhân tài.
NGUYỄN VĂN LỰC (giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận