Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành nói: Các nhà quản lý, giáo viên cần thay đổi quan niệm về vai trò của sách giáo khoa để thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường tính tự lực của học sinh.
Điều này có nghĩa không phải sách viết gì cũng bắt học sinh học thuộc hết hay yêu cầu học sinh làm nhiều bài tập với cùng một dạng giống nhau.
Với các lớp đang học chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới), giáo viên và học sinh sử dụng các sách giáo khoa khác nhau để dạy học. Mỗi sách sẽ có các ngữ liệu, hệ thống câu hỏi, bài tập khác nhau, nhưng đều đáp ứng yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình.
Khi dạy học hay ôn tập cho học sinh, giáo viên phải bám sát yêu cầu cần đạt để xây dựng nội dung bài giảng, hệ thống câu hỏi, bài tập cho học sinh, sao cho đảm bảo yêu cầu tinh giảm về số lượng nhưng phù hợp, đa dạng về thể loại (dạng bài, các nhóm câu hỏi) nhằm luyện tập, phát triển năng lực, kỹ năng khác nhau.
* Nhưng trên thực tế, khi học sinh kêu học quá mệt mỏi, phụ huynh lo ngại về trẻ con không thể "chịu tải" được thì nhiều giáo viên lại cho rằng chương trình quá nặng, trong khi họ phải tuân thủ thực hiện chương trình không được cắt xén. Ông lý giải điều này thế nào?
- Thông thường cứ học sinh than mệt thì nhiều người nghĩ ngay đến chương trình nặng, quá tải. Nhưng việc này cần phải được xem xét cụ thể, phân tích để làm rõ nguyên nhân. Vướng mắc ở đâu, xử lý ở đó.
Trong những đợt Bộ GD-ĐT đi kiểm tra, dự giờ ở một số trường thì thấy, vẫn là chương trình như nhau nhưng có nơi giáo viên tổ chức dạy học hợp lý, học sinh học hiệu quả mà không bị căng thẳng. Nhưng cũng có nơi, cách tổ chức dạy học chưa hợp lý.
Ví dụ như giáo viên tổ chức quá nhiều hoạt động, áp dụng nhiều phương pháp dạy học trong một tiết học. Giáo viên giao nhiều nhiệm vụ cho học sinh, trong khi không bố trí đủ thời gian để học sinh có thể thực hiện.
Trường hợp giáo viên không căn cứ vào chương trình, yêu cầu cần đạt với học sinh mà bám sát sách giáo khoa một cách cứng nhắc.
Vì áp lực mong muốn học sinh có điểm số tốt các bài kiểm tra định kỳ nên giáo viên tăng tốc ôn tập, ra quá nhiều bài tập không cần thiết khiến học sinh phải "chịu tải" nặng hơn trong một khoảng thời gian nhất định ở nhiều môn học khác nhau.
Với những trường hợp như trên, sự quá tải của học sinh rõ ràng là do cách tổ chức dạy học, luyện tập của giáo viên chưa hợp lý và các trường cần chỉ đạo tổ chuyên môn trao đổi, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.
Bộ GD-ĐT đang trong giai đoạn chuyển tiếp sang chương trình mới. Việc song song vừa dạy chương trình Giáo dục năm 2006 (chương trình cũ) và chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với cách tiếp cận khác nhau là một khó khăn của ngành giáo dục.
Nhưng với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong đó khuyến khích các trường phát huy tính tự chủ, linh hoạt cao hơn phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương và đối tượng học sinh khác nhau là cách để khắc phục những vấn đề bất cập.
* Ông có ý kiến gì về hướng dẫn của TP.HCM yêu cầu các nhà trường không giao học sinh làm đề cương, đề mẫu trong khi ôn thi cuối kỳ? Quan điểm của ông về việc ra đề kiểm tra, đề thi không nằm trong ngữ liệu có ở sách giáo khoa?
- Ngữ liệu, bài tập có trong sách giáo khoa đóng vai trò là nguyên liệu, phương tiện để giáo viên dạy học sinh cách làm, cách ứng dụng qua đó nắm vững kiến thức, phát triển năng lực thông qua vận dụng kiến thức.
Kiến thức là quan trọng, không thể thiếu để phát triển năng lực nhưng nếu dạy học chỉ truyền đạt kiến thức thuần túy để học sinh học thuộc, học sinh sẽ quá tải, không đạt mục tiêu phát triển năng lực.
Nên cách dạy học sinh bây giờ là dạy để học sinh hiểu, biết cách làm, biết vận dụng, biết nhận diện kiến thức trong đời sống và giải quyết vấn đề.
Nếu giáo viên làm được đúng yêu cầu này dạy cho học sinh cách làm, cách ứng dụng thì với ngữ liệu, bài tập nào các em cũng sẽ làm được. Nhưng nếu cứ bó buộc việc ra đề với ngữ liệu trong sách, học sinh sẽ học thuộc, sao chép.
Việc học thuộc văn mẫu, ngữ liệu có sẵn sẽ hạn chế trong việc rèn luyện tư duy, sáng tạo, hình thành năng lực, kỹ năng của học sinh.
Thay đổi thói quen cũ ở các cấp học, trong quá trình dạy học, từ việc kiểm tra thường xuyên, định kỳ đến các kỳ thi là quá trình cần được quan tâm và có thời gian để thay đổi.
Sáng tạo những hình thức dạy học
Các trường cũng cần khuyến khích các tổ chuyên môn, giáo viên sáng tạo những hình thức dạy học, rèn luyện và linh hoạt hình thức kiểm tra đánh giá như quy định trong các văn bản đã được Bộ GD-ĐT ban hành.
Ví dụ dạy học theo các chủ đề, kết hợp dạy lý thuyết với việc cho học sinh trải nghiệm, thực hành, học qua các dự án, gắn kiến thức với tình huống thực tiễn. Những hình thức dạy học tạo hứng thú, hiệu quả sẽ không khiến học sinh mệt mỏi, chán nản, áp lực.
Tính đến 15h ngày 5-1, Diễn đàn "Để không còn khổ vì học" nhận được bài viết của các tác giả Nguyệt Anh (Hà Nội), Hoàng Phước, Thanh Nguyễn, Nguyễn Ngọc (Huế), Nguyễn Thị Thu, Phan Thế Hoài, Lê Minh Tiến, Lê Phương Trí, Thanh Bình, Trần Văn Tám, Thái Hoàng, Nguyễn Đước (TP.HCM), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Phan Tuyết (Bình Thuận), Nguyễn Văn Lâm (Khánh Hòa), Thành Phú (Bình Phước), Trần Lê Minh Anh, Thùy Dương, Lê Hà, Quỳnh Hạ...
Chân thành cảm ơn sự hưởng ứng của các tác giả. Bài viết tham gia diễn đàn gửi về [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận