Trẻ không chỉ có học và học mà cần cân bằng giữa học tập và các hoạt động giải trí, tập luyện thể thao - Ảnh: N.HUY
Nếu nói rằng đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường là một ngày vui thì trên thực tế, nhiều học sinh của chúng ta rất sợ đến trường, rất sợ đi học và nếu có một nghiên cứu thực nghiệm thì chắc chắn quá trình học phổ thông là một trong những ký ức không thể nào quên của nhiều em học sinh. Và theo thiển ý của chúng tôi, đó là một ký ức không mấy tốt đẹp.
Nghịch lý
Vì sao con em học sinh của chúng ta còn mãi khổ vì học? Có một điều hết sức nghịch lý ở đất nước chúng ta là trong thời kỳ còn nhiều khó khăn trước đây, nền giáo dục nói chung, phương tiện học tập, điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu nhưng những thế hệ học sinh lúc đó không gặp nhiều áp lực và nhiều nỗi khổ khi đến trường như học sinh ngày nay.
Nghịch lý là ở đó, lẽ ra khi điều kiện kinh tế, điều kiện học tập, tri thức giáo dục, phương tiện giáo dục ngày càng hiện đại và tiên tiến thì học sinh phải được học nhẹ nhàng hơn, thuận lợi hơn nhưng thực tế là ngược lại vì càng cải cách, càng đổi mới thì học sinh lại càng chịu nhiều áp lực hơn và đây là một điều vô cùng phi lý.
Lý giải cho điều này thì tất cả các phân tích lâu nay đều quy về hai yếu tố chính, đó là chương trình giáo dục nặng, đòi hỏi nhiều kiến thức hàn lâm, chuyên sâu vốn chưa cần thiết ở bậc giáo dục phổ thông. Hệ quả là các em phải học thêm gấp đôi, gấp ba thời lượng học tập bình thường thì mới có thể tiêu hóa hết những yêu cầu từ chương trình học.
Một lý giải khác là quy trách nhiệm cho phụ huynh học sinh khi nhiều phụ huynh luôn đòi hỏi con cái mình phải có điểm số cao trong các kỳ thi. Từ đó, nhiều phụ huynh buộc con cái phải học thêm rất nhiều và điều này đặt lên vai học sinh một gánh nặng rất lớn.
Không thể chỉ có học và... học
Những lối lý giải trên đều chính xác nhưng chưa phải là tất cả. Theo chúng tôi, một trong những điều bất thường là hình như chúng ta đang bỏ quên vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Cảm giác của chúng tôi là chương trình giáo dục và những đòi hỏi của phụ huynh hoàn toàn không đoái hoài đến tâm lý, nhận thức của các em.
Nếu quan tâm thì chúng ta hãy thử xem với độ tuổi các em, các em có thể chịu đựng được những áp lực, những đòi hỏi quá mức đó hay không? Làm sao những đứa trẻ có thể phát triển bình thường khi cuộc sống trong một ngày của các em chỉ có học ở trường và học ở nơi học thêm và chỉ giải trí bằng chiếc điện thoại?
Vì vậy chúng tôi đề nghị ngành giáo dục, nhà trường và phụ huynh học sinh cần phải thiết kế kiểu giáo dục có tính đến những yếu tố tâm sinh lý của học sinh. Và đặc biệt là cần trả lời được câu hỏi then chốt nhất: chúng ta muốn con cái mình, thế hệ tương lai trở thành một con người như thế nào? Chúng ta chỉ muốn các em là những người có điểm 10 các môn toán, lý, hóa rồi thôi và chẳng quan tâm gì đến sự phát triển kỹ năng, phẩm chất, nhân cách và tinh thần bình thường của các em chăng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận