15/11/2018 17:46 GMT+7

Diễn đàn “Đã uống rượu bia thì không lái xe”: Muốn an toàn, đừng hô khẩu hiệu

ĐỖ NGÔ TRẦN
ĐỖ NGÔ TRẦN

TTO - “Đã uống rượu bia thì không lái xe” không là khẩu hiệu suông nếu có chế tài đủ mạnh, xử lý thật nghiêm và có giải pháp ngăn chặn vi phạm, tai nạn giao thông trong cơn say.

Diễn đàn “Đã uống rượu bia thì không lái xe”: Muốn an toàn, đừng hô khẩu hiệu - Ảnh 1.

CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên đường Điện Biên Phủ, Q.1, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Một sơ suất hoặc hành vi bất chấp luật pháp khi tham gia giao thông có thể gây tai nạn cho mình và người khác. Lái xe trong cơn say nguy cơ gây hiểm họa cao hơn. Đây không còn là chuyện của riêng ai, mà ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng, gây bất an trên đường phố.

Một lần đi đám cưới, tôi hỏi anh Việt kiều Úc: "Sao không uống bia?", anh ấy nói: "Lái xe nên không thể uống bia". Anh ồ lên ngạc nhiên khi nghe nói ở đây nhiều người vẫn lái xe sau khi uống bia. "Ở Úc, lái xe lúc nồng độ cồn vượt mức cho phép ngoài bị phạt nặng có thể bị tịch thu phương tiện, bị bắt giữ. Dù người dân có ý thức nghiêm túc chấp hành nhưng trên xa lộ, đường phố vẫn thấy những hình nộm cảnh sát để nhắc nhở, răn đe tài xế" - anh nói.

Ở nước ta, tình trạng uống rượu bia tới mức say xỉn vẫn nhan nhản từ lâu nay. Sau các dịp nghỉ lễ, tết, lại thêm những con số, thông tin thương vong vì tai nạn giao thông có liên quan đến say xỉn. Những cuộc gặp gỡ, sum vầy lắm khi không thể thiếu rượu bia. Nhưng uống rượu bia tới say xỉn vẫn lái xe ra đường là điều không thể chấp nhận.

Tính mạng con người là trên hết. Uống rượu bia lái xe rất dễ gây tai nạn cho những người vô can, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, những mất mát không gì bù đắp. Quyết liệt xử lý vi phạm giao thông trong trạng thái say là việc quan trọng, cơ quan chức năng cần làm mạnh hơn để giảm thương vong. Nhiều người vẫn lý giải: vì ý thức còn kém mới vi phạm luật giao thông. Lý giải vậy có lẽ chưa đủ, bởi ngoài ý thức cá nhân thì bản thân định chế giao thông vô cùng quan trọng. Đó là bộ máy quản lý, thực thi pháp luật xử lý vi phạm đã đủ nghiêm chưa? Không ít người say lái xe trên đường gặp cảnh sát giao thông cũng không bị sao, không hề bị xử phạt.

Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tại nghị định 46/2016, tài xế có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền với mức 16-18 triệu đồng. Mức cao nhất trong khung hình phạt bằng tiền là 20 triệu. Tuyên truyền luật giao thông, ý thức lái xe trên đường là cần thiết và phải làm, nhưng khó trở thành hiện thực nếu thiếu biện pháp cứng rắn.

Nên chăng lái xe trong trạng thái say, dù chưa gây tai nạn, nhưng ngoài phạt nặng có thể áp dụng thêm biện pháp tịch thu phương tiện và bằng lái. Việc tịch thu xe của "ma men" trước đây từng được bàn thảo và dư luận phản đối rất dữ. Tuy nhiên, những biện pháp mạnh như vậy cần nghiên cứu đưa vào luật và thực hiện nghiêm. Cảnh sát giao thông làm đúng chức năng theo quy định, khi phát hiện người lái xe đã say cần có biện pháp ngăn chặn, không để tiếp tục lái xe, chặn nguy cơ gây tai nạn. Việc xử lý người say lái xe cần thông tin về địa phương, nơi người vi phạm sinh sống, để nhắc nhở và có tính răn đe cộng đồng.

Không một cơ quan chức năng nào có đủ người để đi khắp nơi, kịp xử lý và ngăn chặn từng trường hợp vi phạm. Trên xa lộ, đường phố có thể lắp đặt những hình nộm cảnh sát, những lời cảnh báo đủ ấn tượng để nhắc nhở, răn đe cộng đồng.

"Đi nhậu": nên đi taxi, xe ôm

nồng độ cồn

Quán nhậu lề đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM tối nào cũng đông khách - Ảnh: Q.ĐỊNH

Chúng tôi chơi với một nhóm bạn bè là nghệ sĩ, ca sĩ. Họ vẫn thường hẹn hò uống rượu vang hay bia khi thuận tiện. Hầu hết mọi người đều có ôtô tự lái. Nhưng lần nào cũng vậy, ca sĩ L.P. luôn đề nghị mọi người đi taxi, không nên tự lái xe. Một hôm, tôi đi xe máy ra gặp mọi người, L.P. dặn: "Khi về anh gửi xe máy rồi về taxi với em" (vì chúng tôi gần nhà nhau).

L.P. thường nói: lâu lâu cùng bạn bè uống tí men cho vui vẻ, xả stress, nhưng phải tuân thủ pháp luật và đặc biệt phải gìn giữ thân thể, bảo vệ nhan sắc, sự lành lặn tay chân và hình dáng bên ngoài để phục vụ công chúng.

Câu chuyện từ nhóm nghệ sĩ này khiến tôi luôn ghi nhớ, cẩn trọng hơn. Dù mình không phải là người thường xuất hiện trên sân khấu, màn ảnh như nghệ sĩ, công việc không bắt tôi phải luôn đẹp, nhưng ai cũng cần sự an toàn. An toàn cho mình, cho người thân, cho người khác nữa. Vậy nên tôi luôn đồng tình chuyện: đi nhậu, biết sẽ say thì không nên tự lái xe, nếu lỡ say nên gửi xe, chọn phương tiện khác để về an toàn.

TIẾN LINH

Tọa đàm "Đã uống rượu bia thì không lái xe"

Diễn đàn "Đã uống rượu bia thì không lái xe" do báo Tuổi Trẻ và Ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức với sự đồng hành của HEINEKEN Việt Nam khởi đăng trên Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online từ hôm 23-10-2018, đến nay đã nhận được hơn 50 ý kiến, bài viết của bạn đọc.

Sáng nay (15-11), tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ diễn ra buổi tọa đàm sơ kết diễn đàn. Tọa đàm sẽ ghi nhận nhiều ý kiến, chia sẻ về thực trạng và giải pháp ngăn chặn hiểm họa khi tham gia giao thông sau khi dùng đồ uống có cồn. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phòng cảnh sát giao thông Công an TP.HCM, đại diện hiệp hội bia rượu; bác sĩ, chuyên gia tâm lý, các doanh nghiệp và đại diện bạn đọc có bài viết tham gia diễn đàn.

HỒNG PHƯƠNG

* Ông Matt Wilson (giám đốc ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam):

mr heineken 3(read-only)

Ông Matt Wilson (giám đốc ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam)

Hãy về nhà an toàn mỗi ngày

Kết quả nghiên cứu toàn cầu của chúng tôi cho thấy: Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia cao nhất. 37% số người được khảo sát tại Việt Nam cho rằng: lái xe sau khi sử dụng rượu bia có thể chấp nhận được theo văn hóa tại Việt Nam (so với thế giới là 28%).

Chúng tôi hiểu rõ vai trò cũng như cơ hội của mình trong việc góp phần thay đổi hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Chúng tôi rất vui được kết nối với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong chương trình "Đã uống rượu bia thì không lái xe" và các cơ quan truyền thông như báo Tuổi Trẻ để lan tỏa hơn nữa thông điệp đầy ý nghĩa này đến cộng đồng.

Trong khuôn khổ chương trình này, năm ngoái chúng tôi tặng 130.000 phiếu đi taxi miễn phí, truyền thông điệp "Đã uống rượu bia thì không lái xe" tới hơn 8 triệu người tiêu dùng. Năm nay, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của chương trình.

Chúng tôi sẽ có các điểm bán kiểu mẫu ở Hà Nội và TP.HCM, thiết kế lại không gian thưởng thức rượu bia tại các điểm bán. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức những buổi hội thảo đào tạo dành cho các cán bộ quản lý truyền thông, tuyên truyền viên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các trường đại học để tổ chức tập huấn sinh viên, những người tiên phong về "uống có trách nhiệm".

Thông điệp của chúng tôi với nhân viên công ty là "Hãy về nhà an toàn mỗi ngày". Năm 2017, chúng tôi có gần 3.000 giờ đào tạo cho nhân viên, trong đó nội dung an toàn đường bộ được tập trung đẩy mạnh. Chúng tôi cũng đào tạo cho nhân viên về kỹ năng lái xe an toàn. Chúng tôi kỳ vọng đưa gần 3.500 thành viên trong công ty trở thành đại sứ truyền tải thông điệp "Đã uống rượu bia thì không lái xe", luôn tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.

LÊ SƠN ghi

ĐỖ NGÔ TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên