10/09/2023 09:31 GMT+7

Diễn đàn 'Chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục': Tạo môi trường cho giáo viên sáng tạo

Đổi mới giáo dục lần thứ ba đang bước vào năm thứ tư. Lần cải cách giáo dục thứ nhất, mục tiêu giáo dục là đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa.

Cô trò Trường tiểu học Phù Đổng (Đà Nẵng) trong ngày khai giảng năm học mới  - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Cô trò Trường tiểu học Phù Đổng (Đà Nẵng) trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Lần đổi mới chương trình năm 2000 với mục tiêu là hội nhập, hiện đại hóa, lấy học sinh làm trung tâm theo sự phát triển giáo dục tiên tiến thế giới. Chương trình và phương pháp dạy học phải thích ứng với những bước phát triển khoa học và xã hội của nhân loại.

Bộ GD-ĐT ở tầm vĩ mô nên nhìn xa trông rộng trong việc giáo dục, đào tạo ra những công dân tương lai thích ứng thời đại công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang phát triển như vũ bão từng ngày.

Lần đổi mới căn bản, toàn diện

Lần ba giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện, trong đó sách giáo khoa không còn là pháp lệnh mà được xã hội hóa với nhiều bộ sách. Tất cả đều soạn đúng chương trình và mục tiêu giáo dục được Quốc hội ra nghị quyết.

Sách giáo khoa được hội đồng thẩm định kỹ lưỡng, được bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định cho xuất bản. Bộ hướng dẫn các địa phương thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa. 

Như khi triển khai lớp 1, trường tiểu học phải lập hội đồng gồm các giáo viên tiêu biểu và cả đại diện cha mẹ học sinh.

Sự cẩn trọng tối đa để đảm bảo bộ sách nào được địa phương chọn là ý kiến của toàn trường và xã hội dù chưa qua thực nghiệm, giáo viên chưa dạy một bài nào, còn phụ huynh thì chỉ đưa tay cho hợp lệ.

Những điều ấy kéo thêm nhiều hệ lụy như sách khổ to, dày, nặng, giá thành cao, mức chi phí phát hành hậu hỉ mà cha mẹ học sinh gánh chịu. Những điều này khiến Quốc hội lên tiếng là Bộ GD-ĐT cần phải biên soạn bộ sách giáo khoa. Các bộ sách quy tụ những nhà giáo dục, những nhà biên soạn đã công phu nghiên cứu, tìm tòi để hoàn thành những bộ sách cho từng cấp lớp.

Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý, kiểm tra, đánh giá có phải biên soạn sách để trở lại độc quyền sách giáo khoa như là pháp lệnh như trước không?

Thuộc lòng không còn thích hợp

Để đóng góp cho đổi mới giáo dục lần ba, tôi xin nêu mấy ý kiến như sau:

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT nên có chủ trương tập huấn giáo viên là giúp giáo viên nắm vững mục tiêu giáo dục và chương trình của từng cấp học, lớp học. Từ mục tiêu, chương trình giáo viên chọn tài liệu để soạn bài trong bất cứ bộ sách nào cho phù hợp, cho học sinh dễ hiểu, dễ học và học có kết quả.

Bài soạn của mỗi giáo viên là lao động nghề nghiệp của một quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm sư phạm; là sản phẩm học thuật của người thầy nhằm đạt mục tiêu chương trình giáo dục.

Thứ hai, giáo dục nên tôn trọng học thuật hơn sử dụng quyền lực của các cấp quản lý. Vì quản lý chuyên môn có nhiệm vụ cung cấp các phương tiện giảng dạy, hỗ trợ cho giáo viên tìm tòi, nghiên cứu để bài soạn đạt yêu cầu, mục tiêu chương trình của lớp học, cấp học. Mọi sự áp đặt theo bộ sách này, bộ sách kia sẽ làm triệt tiêu sức sáng tạo của người thầy.

Thứ ba, nếu Bộ GD-ĐT soạn sách giáo khoa thì thách thức một lần nữa đổi mới căn bản, toàn diện. Thế giới đang đi vào thời kỳ của trí tuệ nhân tạo, việc thuộc lòng kiến thức thầy dạy không còn thích hợp nữa. Bởi kiến thức không chỉ riêng người thầy mới có. Vấn đề của giáo dục là giáo học pháp. Vì vậy, sách giáo khoa và phương pháp dạy học phải mang đậm dấu ấn thời đại.

Thứ tư, trong hoàn cảnh các vùng miền khác nhau, phương pháp dạy học nên theo các cấp độ cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của địa phương.

"Mất ăn mất ngủ" với sổ sách

Giáo viên chia tay bục giảng dù có người gắn bó với nghề trên dưới 35 năm ngoài lý do thu nhập khiêm tốn còn do giáo viên hiện chịu rất nhiều áp lực. Đó là các cuộc thi hằng năm từ ngành giáo dục đến các ban ngành đoàn thể khác phát động.

Bên cạnh đó, giáo viên còn phải tự học tập bồi dưỡng các module, dự tập huấn các chuyên đề, tham dự thao giảng, dự giờ... Chưa hết, giáo viên cũng "mất ăn mất ngủ" với các loại sổ sách phải hoàn thành, nếu không cuối năm học sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

TRẦN VĂN TÁM (Củ Chi, TP.HCM)

Mời tham gia diễn đàn "Chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục"

Thông điệp của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kêu gọi giáo viên "chủ động", "sáng tạo" để đổi mới giáo dục (Tuổi Trẻ, ngày 5-9) thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là giáo giới.

Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục" để lắng nghe các ý kiến góp ý, gợi mở giải pháp khả thi cho giáo dục. Các ý kiến, phản hồi về chủ đề này, bạn đọc vui lòng email về [email protected].

Chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục: Quyền của trường tới đâu?Chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục: Quyền của trường tới đâu?

'Chủ động, sáng tạo đổi mới giáo dục tới đâu, điều quan trọng nhất là mục tiêu và động lực của các trường. Nếu thấy cần, luôn tìm được cách'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên