Sân Thống Nhất mấy chục năm nay vẫn thế, chưa xứng tầm với vị trí kinh tế đầu tàu của TP.HCM - Ảnh: ĐỨC KHUÊ
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết này của bạn đọc Chí Dũng tham gia diễn đàn vực dậy bóng đá TP.HCM.
Thời gian vừa qua trên các diễn đàn bàn luận nhiều về bóng đá TP.HCM. Tại sao bóng đá TPHCM sa sút? Điều gì làm bóng đá ở thành phố lớn nhất cả nước (về mọi mặt) lại đi xuống như vậy? Chúng ta (nhà quản lý, HLV, cầu thủ và người hâm mộ…) cần phải làm gì và làm như thế nào để bóng đá TP.HCM phát triển xứng tầm?
Là một người theo dõi bóng đá Việt Nam trong nhiều năm, từ thời bao cấp đến thời lên chuyên nghiệp, tôi xin có mấy ý kiến:
1 - Đổi mới quản lý
Đây là lý do đầu tiên để chấn hưng bóng đá TP.HCM. Những ai không làm được xin ngồi sang một bên cho người khác làm. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn, có chiến lược và mục tiêu cụ thể: trung tâm đào tạo trẻ, mời gọi hợp tác kinh tế, liên kết chuyên môn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất… tất cả phải có lộ trình khi nào xong và quyết tâm làm cho bằng được.
Tuyệt đối không cục bộ địa phương chủ nghĩa, bóng đá Hà Nội có bầu Hiển, tại sao bóng đá TP.HCM không có bầu Hiển thứ 2, thứ 3…
Nên mời gọi những nhà chuyên môn của cả nước về giúp sức cho bóng đá thành phố, tổ chức hội thảo, bàn luận… tìm ra hướng đi xuyên suốt mang tính dài hạn cho bóng đá TP.HCM.
2 - Về con người
Đây là thời kỳ bóng đá chuyên nghiệp, cầu thủ nào hay, cầu thủ nào phù hợp với chiến thuật của HLV thì mời về ký hợp đồng thi đấu, không nên phân biệt cầu thủ TP.HCM với cầu thủ nơi khác.
Tôi dám chắc chừng nào các nhà làm chuyên môn còn có suy nghĩ, phải là cầu thủ địa phương thi đấu thì mới có bản sắc của địa phương đó thì chừng đó bóng đá còn không thể phát triển được.
Nhìn sang Hà Nội đâu phải các cầu thủ toàn là người Hà Nội đâu, gồm Hải Dương, Thái Bình, Tuyên Quang…
Bài học Đồng Tháp và Nghệ An cho thấy rõ thời kỳ đầu tuyến trẻ tốt, bóng đá chưa lên chuyên nghiệp thì vô địch, khi bóng đá chuyên nghiệp hơn thì tư duy (hoặc là không có tiền) chỉ dùng cầu thủ địa phương dẫn đến trồi sụt ngay.
Ngay cả đào tạo tuyến trẻ, chúng ta cũng phải tuyển sinh cả nước để tìm kiếm tài năng, chứ đâu phải chỉ tìm người Sài Gòn - TP.HCM.
Bài học của Chelsea Bình Dương 3 lần vô địch quốc gia cũng đáng để các nhà làm bóng đá TP.HCM suy ngẫm. Bóng đá Bình Định đang đi theo hướng Bình Dương những năm trước.
3 - Về lối chơi
Trước đây Cảng Sài Gòn là đội chơi nhỏ nhuyễn, tạm gọi là hào hoa là vì người của Cảng thấp bé phù hợp với lối chơi đó, nhưng giờ hình thể lứa trẻ khác trước. Mỗi một trung tâm đào tạo có một phong cách đào tạo khác nhau, không thể cứ nói bóng đá Sài Gòn là nhỏ nhuyễn, tấn công hào hoa mãi được.
Bóng đá hiện đại luôn luôn thay đổi. Triết lý là bất biến nhưng lối chơi là thiên biến. Trung phong Nguyễn Văn Thòn của Cảng ngày xưa cao to, ghi bàn bằng đầu nhiều hơn bằng chân, đá càn lướt chứ đâu có nhỏ nhuyễn hào hoa.
Hoàng Anh Gia Lai thời HLV Guillaume Graechen đá tấn công đẹp mắt, thời đầu người hâm mộ còn yêu thích cổ vũ, nhưng đá đâu thua đó, dành cả thanh xuân lứa trẻ để trụ hạng. Lập tức người hâm mộ căng biển yêu cầu thay đổi, nếu không thì họ không đến sân nữa.
Guillaume Graechen và hàng loạt HLV sau đó đều ra đi. Giờ tới ZiCo Thái, Hoàng Anh Gia Lai nhiều trận đá tử thủ nhường sân cho đội bạn, đâu còn hào hoa đẹp mắt, vậy mà lại thành công.
4 - Về kinh tế
Bóng đá chuyên nghiệp là phải có tiền. TP.HCM lớn như thế, mạnh như thế mà sân bãi như thế thì hỏi sao bóng đá phát triển được. Các đại gia, các ông chủ kinh doanh trên đất này đâu hết rồi, họ không yêu bóng đá hay họ không kiếm được tiền từ bóng đá nên họ không quan tâm?
Đây là câu chuyện về con gà và quả trứng. Đầu tư cho bóng đá để kiếm tiền hay kiếm được tiền mới đầu tư.
Tôi tự hỏi tại sao Đà Nẵng xây được sân Hòa Xuân, Gia Lai cải tạo lại toàn bộ sân Gia Lai…, mà TP.HCM mấy chục năm nay vẫn chỉ sân Thống Nhất xập xệ. Do các đại gia không thích bóng đá hay do lãnh đạo không nhiệt huyết?
Mời bạn tham gia diễn đàn cùng hiến kế để vực dậy bóng đá TP.HCM
Suốt nhiều vòng đấu, cả hai CLB TP.HCM và Sài Gòn cùng chìm sâu dưới đáy bảng xếp hạng V-League. Làm gì để vực dậy hai đội bóng này trong tình hình hiện tại?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận