Ông Nguyễn Văn Thành bám trụ tại Đồng Tháp Mười hơn 30 năm mới có hơn 60ha đất trồng lúa nhưng quá nhiều sổ đỏ - Ảnh: V.TR. |
“Cha con tui đã bỏ ra 20 năm đi khai hoang vùng Đồng Tháp Mười. Trải qua biết bao nhiêu đắng cay, làm ăn dành dụm mua thêm giờ được hơn 100ha, nhưng chỉ đứng tên được vài chục mẫu. Còn lại phải nhờ bà con dòng họ, người làm công đứng tên giùm. Tui mong muốn Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho nông dân tụi tui được quyền đứng tên sổ đỏ đất của mình để yên tâm làm ăn |
Ông Nguyễn Văn Thưởng (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) |
Khát khao lớn nhất của họ chính là được đứng tên làm chủ đất đai mà họ khai phá, tích tụ hợp pháp để góp phần cùng Nhà nước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Vướng hạn điền, phải “lách” luật
* Ông Võ Quang Huy (Út Huy, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An):
- Từ hồi tôi đi khai hoang đến giờ đã xấp xỉ 40 năm rồi. Tôi kiến nghị Nhà nước sửa đổi chính sách hạn điền cũng đã rất nhiều năm rồi, nhưng có thay đổi được gì đâu. Theo quy định của Luật đất đai 2013, mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất chỉ được giao 3ha đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản ở vùng đồng bằng Đông Nam bộ và ĐBSCL. Còn với đất trồng cây lâu năm thì không quá 10ha.
Tôi đang có khoảng 400ha đất do khai hoang và sang nhượng của người khác, nhưng chỉ đứng tên mười mấy hecta gì đó. Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu người đang đứng tên sổ đỏ giùm tôi nữa. Tôi không dám nghĩ đến chuyện sổ đỏ vì nghĩ tới là lo lắng không làm ăn gì được. Nói một cách nào đó tôi đang vi phạm luật nhưng biết làm sao bây giờ. Đất của mình thì cứ sản xuất thôi.
Tôi thiết tha đề nghị Nhà nước tiếp tục sửa đổi Luật đất đai, cho phép những người trực canh như tôi được sở hữu nhiều đất đai chứ không chỉ 3ha hay 10ha. Những người nào trực canh 20 năm trên đất đó thì được công nhận quyền sở hữu chứ không nên vì sợ một số người giàu tích tụ ruộng đất rồi cho thuê “phát canh thu tô” mà không cho người dân có nhiều đất.
Hơn 20 năm qua tôi đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để khai hoang vùng đất Mỹ Bình, Đức Huệ. Tính sơ sơ mỗi hecta đất ở đây đã ngốn 2 tỉ đồng mới được như ngày hôm nay. Trong khi giá đất ở đây chỉ 300 triệu đồng/ha là cao.
* Ông Phạm Phương Nam (Hai Tự, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An):
- Tôi đến vùng biên giới này khai hoang lập nghiệp hơn 20 năm nay. Hồi đó đây là vùng đất “chết”, không có sự sống. Nhiều người được Nhà nước giao đất khai hoang nhưng làm không nổi đã bỏ của chạy lấy người.
Tôi kiên trì đào từng mét đất để làm kênh, làm đường xả phèn, dẫn ngọt nên bây giờ mới có trang trại này. Nhưng bi kịch là vợ chồng, con cái tôi chỉ đứng tên sổ đỏ một phần thôi. Số còn lại phải nhờ anh chị em, cô bác, chú dì... đứng tên giùm.
Tôi cũng mong muốn Nhà nước công nhận thành quả lao động của tôi mấy chục năm qua và cho phép đứng tên sổ đỏ hết số đất mà tôi có. Như vậy tôi mới yên tâm đầu tư sản xuất lớn được.
Chuối thu hoạch xong được chuyển bằng ròng rọc vào khu sơ chế, đóng gói trước khi xuất khẩu - Ảnh: V.TR. |
Chủ trương Nhà nước và luật “tréo ngoe”
* GS.TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp):
- Tôi rất đồng tình với những tâm sự “gan ruột” của những nông dân nhiều đất như Út Huy. Tôi đã phân tích rất kỹ, phản ảnh và đề xuất rất nhiều với trung ương vấn đề hạn điền không còn phù hợp với tình hình hiện tại, cần phải tiếp tục sửa. Vấn đề cốt lõi ở đây là chủ trương của Đảng và Nhà nước đang mâu thuẫn với Luật đất đai.
Chủ trương thì nói đầu tư, khuyến khích xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, có nhiều trang trại, nông trại kỹ thuật cao. Tuy nhiên Luật đất đai 2013 thì quy định mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giao không quá 3ha. Thực tế đã chứng minh với 3ha đất thì không ai giàu được và càng không thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất hiện đại.
Trước đây chúng ta nói nông dân nghèo vì không có đất hoặc ít đất nên Nhà nước chủ trương giao đất tới 3ha. Nhưng có đất rồi thì họ vẫn nghèo vì không biết sử dụng đất sao cho hợp lý, hiệu quả. Rồi Nhà nước ban hành nhiều chính sách cho nông nghiệp, có khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân luôn nhưng họ vẫn nghèo.
Tìm hiểu lý do thì phát hiện họ thiếu vốn đầu tư sản xuất. Ngân hàng vào cuộc cho vay ưu đãi để sản xuất nông nghiệp, nhưng rốt cuộc không có mấy người khá lên. Bây giờ chúng ta phát hiện vì nông dân tự sản xuất theo ý mình, không theo nhu cầu của thị trường. Họ tự trồng, tự bán nên bị thương lái ép giá hoặc không có đầu ra nên thua lỗ và tiếp tục nghèo.
Điều đó có thể thấy cho dù có 3ha đất mà làm ăn nhỏ lẻ, tự phát thì chẳng những không thể làm cho nền nông nghiệp hiện đại được mà nông dân cũng không thể giàu. Hà Lan có chưa tới 3% nông dân nhưng lo được nông sản cho cả đất nước và ai cũng giàu.
VN mình có 80-90% dân số là nông dân nhưng nhiều loại nông sản vẫn phải nhập khẩu (bắp, đậu nành...) và đại đa số không được gọi là khá giả. Tôi đề nghị Nhà nước hãy cho những người nông dân trực canh như Út Huy được làm chủ đất đai thì họ mới mạnh dạn đầu tư sản xuất lớn, hiện đại, tạo ra của cải xã hội và việc làm, thu nhập cho rất nhiều người khác.
* Ông Nguyễn Thành Tài (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp):
- Anh Nguyễn Văn Khanh trồng 120ha lúa Nhật ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp mà báo Tuổi Trẻ có đề cập đã được tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn san phẳng mặt ruộng bằng laser nhằm tiết kiệm nước tưới, phân bón, tăng năng suất.
Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ nhiều mô hình tích tụ ruộng đất khác để tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại. Chẳng hạn tại HTX Đức Huệ, huyện Tháp Mười nông dân giao đất cho HTX tự sản xuất, cuối vụ được chia lợi nhuận nhiều hơn tự canh tác.
Mô hình này rất hiệu quả, nông dân không còn “một nắng hai sương” mà thu nhập cao, ổn định. Tỉnh nhìn thấy hiệu quả của các mô hình sản xuất lớn nên tìm mọi cách hỗ trợ, trong khi chờ những chính sách mới về tích tụ ruộng đất.
Cần điều chỉnh lại Luật đất đai Tôi biết rõ những nông dân đi khai hoang và có nhiều đất mà báo Tuổi Trẻ vừa đề cập. Hồi tôi còn làm chủ tịch tỉnh Long An, tôi đã đến trang trại của Út Huy, Hai Tự, Ba Tráng... và ký tặng bằng khen cho họ vì những đóng góp xuất sắc cho địa phương. Tôi đã nhiều lần nghe được tâm tư của họ và cũng đã nhiều lần góp ý sửa đổi quy định hạn điền. Những người đã chịu đựng biết bao gian khổ để có đất thì xứng đáng được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đất đai mà họ tích tụ được. Tôi cho rằng để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) thì cần xem xét điều chỉnh, bổ sung Luật đất đai. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận