Là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng, song theo thông tin từ UBND huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), lượng khách đến Khu du lịch Minh Châu - Quan Lạn thời gian gần đây sụt giảm khoảng 35%, chỉ còn khoảng 12.700 lượt khách du lịch/tuần, so với thời điểm trước khi tiết giảm điện năng tiêu thụ.
Mất điện, du khách sụt giảm
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết vào cao điểm du lịch, các xã đảo trên địa bàn huyện Vân Đồn thường đón 19.000 - 19.500 lượt khách du lịch/tuần.
Việc nguồn cung điện chập chờn, thường xuyên bị cắt không chỉ làm giảm mạnh nguồn thu từ hoạt động dịch vụ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch của địa phương, kéo giảm lượng khách trong bối cảnh cao điểm mùa hè.
Một chủ nhà hàng tại xã đảo Minh Châu cho biết phải đầu tư thêm hàng chục triệu đồng để thuê máy phát điện công suất lớn, đề phòng những lúc bị cắt điện.
"Khách đi du lịch là để ăn chơi, nghỉ dưỡng nên điện chập chờn làm ảnh hưởng rất lớn việc kinh doanh, những cơ sở không đủ nguồn lực trang bị máy phát điện sẽ khó giữ chân khách. Nhưng nếu chạy máy phát liên tục, lợi nhuận thu về không được là bao", vị này than thở.
Trong văn bản vừa được gửi đến các cơ quan chức năng và Công ty Điện lực Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn đề nghị được ưu tiên cấp điện toàn thời gian cho khu du lịch Quan Lạn - Minh Châu.
UBND huyện Vân Đồn cũng cam kết sẽ tuyên truyền vận động thực hiện tiết kiệm điện trong sinh hoạt, thực hiện tốt việc tiết giảm điện sử dụng công cộng...
Theo Công ty Điện lực Quảng Ninh, để giảm thiểu ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị đã công bố công khai lịch tiết giảm điện trên toàn tỉnh với phương án tối ưu.
Trong đó, các khu vực du lịch trọng điểm của TP Hạ Long sẽ được ưu tiên nhằm phục vụ phát triển du lịch. Lịch cắt điện cũng sẽ cụ thể hơn và thời gian tiết giảm điện ngắn hơn so với trước.
Ông Nguyễn Đại Cương, giám đốc Công ty Điện lực Hạ Long, cho biết toàn TP Hạ Long có trên 110.000 khách hàng (lớn nhất toàn tỉnh), với sản lượng điện tiêu thụ năm tháng đầu năm trên 543 triệu kWh.
Trong những ngày nắng nóng, sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn thường tăng 30 - 35%. "Đặc biệt, khách hàng sinh hoạt có nơi tăng đến 50%, gây áp lực lớn trong bối cảnh nguồn cung điện thiếu hụt", ông Cương cho biết.
Thu hoạch vải gặp khó do mất điện
Trong khi đó, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), nhiều hộ trồng vải thiều cũng đau đầu với tình trạng mất điện thường xuyên, phải "câu điện" các gia đình khác để có điện sinh hoạt.
Tất bật cùng nhà đối diện kéo điện sang nhà, ông Nguyễn Văn Quyên, xã Hồng Giang, cho hay gia đình gặp cảnh mất điện luân phiên vào ban ngày và có điện vào cuối chiều. Để thích ứng, gia đình ông thu hoạch vải vào sáng sớm, mua thêm đồ tích điện để dùng.
Chị Đỗ Thị Mai, tiểu thương vận chuyển vải thiều, cho rằng ngành điện cần ưu tiên cung ứng điện đầy đủ để người dân làm đá lạnh, ngâm vải thiều và sử dụng được máy đóng gói.
Nếu mất điện kéo dài, giá đá lạnh sẽ cao hơn, lợi nhuận giảm. Với giá một cây đá 1,2m khoảng 30.000 - 35.000 đồng, nhiều tài xế container sợ cháy hàng nên mua đá tại Nghệ An, Thanh Hóa trước khi đến Lục Ngạn bốc hàng.
Theo chị Trần Thị Lịch - chủ cơ sở sơ chế và đóng gói vải thiều tại thị trấn Chũ, với khoảng 40 công nhân thời vụ, cơ sở này bị ảnh hưởng lớn nếu mất điện.
Chẳng hạn, nếu thiếu đá lạnh do máy phải dừng do mất điện, chị phải thuê thêm người đóng hàng, đẩy nhanh tốc độ sơ chế. "Mọi người đóng 20 - 30 tấn hàng/ngày, nếu mất điện, mất nước thì thiệt hại rất lớn", chị Lịch nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thế Thi, phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết hiện toàn huyện có hơn 17.000ha vải, sản lượng dự kiến trên 98.000 tấn nên việc đảm bảo điện, nước sản xuất rất quan trọng.
Theo ông Thi, địa phương đã đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng để đảm bảo điện cho bà con. Trước mắt, ngành điện ưu tiên cho các xưởng sản xuất đá cây, vùng đóng gói và bảo quản vải thiều lớn của Lục Ngạn.
"Chúng tôi cố gắng hạn chế thấp nhất việc cắt điện để bà con tiêu thụ vải thuận lợi", ông Thi nói.
Nguồn thủy điện huy động được rất thấp
Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), ngày 11-6 công suất đỉnh hệ thống là 34.555,9MW, trong khi sản lượng điện tiết giảm là 2.744MW. Nguồn nhiệt điện than vẫn được huy động với tỉ trọng lớn nhất, lên tới 449,8 triệu kWh, trong khi huy động nguồn thủy điện chỉ đạt khoảng 107,3 triệu kWh.
Dù nguồn nhiên liệu than cho sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhưng do được huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố. Trong khi đó, với lưu lượng nước về hồ có tăng song các hồ lớn vẫn xấp xỉ mực nước chết, các hồ lớn trên mực nước chết không nhiều nên tổng công suất không huy động được từ các hồ Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Tuyên Quang, Thác Bà, Hủa Na, Bản Vẽ... đạt khoảng 5.000MW.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận