Chương trình giao lưu nghệ thuật Điện Biên Phủ - Núi vọng sông rền, phát trên kênh Truyền hình Quốc phòng tối 23-4.
Thông qua các phóng sự, lời kể của nhân vật, câu chuyện chân thực được sản xuất tại châu Phi mang về, chương trình nêu bật tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhiều nước trên thế giới.
Bố nằm ở đâu bố ơi?
Bà Lương Thị Ngọc là con gái ruột của liệt sĩ Lương Bá Hiến. Ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và mãi mãi không về.
"Mẹ con sinh con ra được một tháng thì bố về. Bố về, chơi với con được đúng một ngày thì bố lại ra đi.
Bố đi, bố chẳng báo cho ai biết là bố đi, bố nằm ở đâu để chị em con tìm đón bố về", bà Ngọc vừa nói vừa khóc, ôm bằng Tổ quốc ghi công.
"Đến bây giờ, chị em con già rồi mà vẫn chẳng thấy bố đâu, bố nằm chỗ nào cũng không biết. Bố sống khôn thác thiêng, bố báo cho con biết".
Ước mơ, nguyện vọng của chị em bà Ngọc bao nhiêu năm nay là được một lần lên nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ để xem có tìm được bố không.
"Đây rồi, bố mình đây rồi. Chính xác rồi chị ơi. Chị nhìn thấy chưa?", bà nói to với chị gái trong mừng tủi.
Không được thỏa ước nguyện như hai chị em bà Lương Thị Ngọc, ông Ngô Trí Phúc đi khắp nghĩa trang mà không tìm thấy bố ông (liệt sĩ Ngô Trí Lan).
"Năm nay 84 tuổi, con thắp nén hương cho bố và đồng đội của bố, biết đâu bố đang ở bên cạnh nhìn thấy con trai của bố", ông tâm sự ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ.
Ông Phúc kể "bố nói khi nào độc lập thì bố về với con nhưng bố đã hy sinh rồi. Đó là lời hứa tôi nhớ mãi tới bây giờ".
Bố ông Phúc hy sinh khi ông 14 tuổi, sau đó ông được Đảng và Nhà nước nuôi ăn học thành người. Mỗi lần đi công tác nơi biên ải, ông lại đi tìm bố mình.
Ông nói: "Nỗi lòng tha thiết nhất của con là muốn biết bố ở đâu. Tuổi già của con ập đến rồi, con chỉ cầu mong sao tìm thấy bố".
Tâm sự của những người con của các liệt sĩ vọng vào ca khúc Tìm cha (nhạc Quỳnh Hợp, thơ Đoàn Hoài Trung) vang lên giữa đất trời Điện Biên. Có những câu nghe nhói lòng:
"Bao năm con đi tìm cha/ Đồi A1 dọc cánh đồng Mường Thanh/… Mênh mông nhức mắt không thấy tên cha/ Con chỉ biết cha là dũng sĩ Điện Biên".
Chương trình cũng ghi lại những tâm sự của những người chiến sĩ Điện Biên may mắn còn sóng sót, trở về với gia đình nhưng cả cuộc đời không sao quên được.
Ông Đỗ Ca Sơn, chiến sĩ Điện Biên, kể: "Chúng ta nói đi hậu cần trong chiến dịch phải dự trù bao nhiêu gạo, muối, thức ăn, thuốc men nhưng có một dự trù làm đau tim là vải liệm, dự trù cái chết...". Giơ hai bàn tay lên, ông nói "hai bàn tay này trong Điện Biên vùi hơn 100 đồng đội đã hy sinh".
Sức hấp dẫn của chiến thắng Điện Biên Phủ
Qua các phóng sự, những phân tích của chuyên gia nghiên cứu lịch sử, nhân chứng và các nhà sử học ở cả Việt Nam và nước ngoài, chương trình Điện Biên Phủ - Núi vọng sông rền giải mã sức hấp dẫn của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cựu binh Algeria Tahar El Hocine kể: "Cứ điểm Điện Biên Phủ sụp đổ, chúng tôi đã ăn mừng từ xa cùng nhân dân Việt Nam anh em. Và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là kỷ niệm 70 năm cách mạng Algeria bắt đầu".
Còn TS Mustapha El Ktiri, chủ tịch Cao ủy Những người kháng chiến và cựu binh Morocco, cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ đã truyền cảm hứng tích cực làm thức tỉnh và khơi dậy phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi và mở màn cho nhiều cuộc kháng chiến ở khu vực này.
Thất bại ở Điện Biên Phủ buộc Pháp phải có những chính sách thích đáng hơn với các nước thuộc địa, nửa thuộc địa còn lại.
Chớp thời cơ đó, nhiều nước cũng đã giành được độc lập. Năm 1960 được xem là năm của châu Phi khi 17 nước vùng lên giành độc lập.
Trong chương trình này, có những câu chuyện lần đầu được kể thông qua góc nhìn của những người nước ngoài.
Chẳng hạn ông Laid Rebiga, bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh và chính sách người có công Algeria.
Ông nói: "Nhiều người Algeria tham gia quân đội Pháp đã bị bắt trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng sau chiến dịch, được về nước rồi tham gia chiến đấu chống lại Pháp. Họ mang theo tinh thần chiến đấu và kinh nghiệm quân sự của các bạn để tăng hành động vũ lực vũ trang cho cuộc cách mạng Algeria".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận