TTO - Những câu chuyện không bao giờ cũ được kể ở Đồi A1, 65 năm sau những trận chiến đấu giằng co tốn đạn hao người giữa bộ đội Việt Minh và quân đội viễn chinh Pháp, những cuộc đấu trí cam go giữa tướng Giáp và tướng De Castries.
"Điều gì đang xảy ra ở Điện Biên Phủ ?" - Wilfred Burchett, một trong những nhà báo nước ngoài được gặp Hồ Chí Minh tại Việt Bắc trước thời điểm diễn ra trận quyết chiến lịch sử "chấn động địa cầu", đặt câu hỏi.
Và Burchett kể lại: "Bác Hồ lật ngửa chiếc mũ lưỡi trai che nắng của Người xuống bàn, đưa mấy ngón tay mảnh khảnh vòng quanh vành mũ:
- Đây là rừng núi, nơi có các lực lượng của chúng tôi. Dưới này là thung lũng Điện Biên Phủ, ở đó là người Pháp và những đội quân tinh nhuệ nhất. Họ sẽ không bao giờ ra được, tuy có thể mất một ít thời gian...
- Một Stalingrad ở Đông Dương?
- Trên một phạm vi khiêm tốn, vâng, hơi giống Stalingrad!".
Burchett vô cùng ấn tượng với lãnh tụ Hồ Chí Minh, bởi lần nào cũng vậy, Cụ Hồ thường mô tả những vấn đề rất phức tạp bằng một vài hình ảnh, sự so sánh rất dễ hiểu.
Trong trường hợp này, đội quân viễn chinh hùng mạnh của nước Pháp, cộng với vũ khí chi viện từ người Mỹ, dưới sự chỉ huy của những viên tướng lão luyện trận mạc, hình thành một trận địa phòng ngự "không thể công phá", ai ngờ lại bị "nhốt trong chiếc mũ lưỡi trai đặt ngửa của Cụ Hồ".
"Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" - nơi ghi dấu của một trong những chiến trận "mặt giáp mặt" đẫm máu nhất thế giới thế kỷ 20 - nơi mà quân đội của một dân tộc thuộc địa đã giáng một đòn chí mạng vào tinh thần của chủ nghĩa thực dân.
Đồi A1. Nơi diễn ra những trận chiến đấu giằng co tốn đạn hao người nhất giữa bộ đội ta và quân đội viễn chinh Pháp 65 năm trước. Một chiều tháng Tư năm 2019, khi vừa xin phép lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên để được bay flycam, giúp bạn đọc hình dung toàn cảnh vị trí đặc biệt này, chúng tôi đã may mắn gặp lại một nhân chứng sống.
"Đồi A1 là trận địa khốc liệt nhất, nơi chúng ta phải đánh công kiên dài ngày nhất - 38 ngày, ta hy sinh và thương vong lớn nhất - khoảng 2.000 chiến sỹ" - chúng tôi lặng nghe một cụ già đang chống gậy giới thiệu với khách thập phương đến thăm di tích. Đứng lại hồi lâu để làm quen, thì được biết cụ là Mai Văn Sinh, 86 tuổi, lính của Đại đoàn 316, một trong những đại đoàn chủ lực trực tiếp tham gia chiến dịch.
Cụ Sinh quê Phú Thọ, là lính bộ binh, tham gia những trận đánh mặt giáp mặt ác liệt nhất, sau chiến thắng thuộc bộ phận thu dọn chiến trường, rồi ở lại Điện Biên, công tác trong lực lượng bộ đội biên phòng, nhiều năm tham gia cuộc chiến tiễu phỉ khu vực biên giới Việt - Lào.
Ông còn minh mẫn, nhưng khi chúng tôi hỏi kỷ niệm về cuộc chiến đấu 65 năm trước, ông nghẹn ngào.
Cạnh Đồi A1 là Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ - Đồi A1, một trong những nghĩa trang được đầu tư lát đá hoa cương, uy nghi nhất, chúng tôi lại một lần nữa may mắn gặp được người đồng đội cũ của anh hùng Tô Vĩnh Diện.
Trong bộ quần áo cũ màu, gắn đầy huân huy chương trên ngực, cựu binh Phạm Đức Cư năm nay tròn 90 tuổi, vừa đến thắp nhang viếng đồng đội. Năm 1953, ở tuổi 24, anh lính Phạm Đức Cư, quê Thái Bình, nhận lệnh tham gia chiến trường Điện Biên Phủ, được biên chế vào đơn vị pháo cao xạ 37mm.
"Nơi chúng ta đang đứng đây, mỗi một mét vuông là một chiến sỹ hy sinh, máu thịt đã trộn vào đất. Tô Vĩnh Diện nằm trong kia, đã 65 năm rồi, tôi may mắn sống cho đến bây giờ, nhưng cũng đã đến tuổi chuẩn bị được đi gặp lại đồng đội cũ" - cụ Cư nói, rồi đọc những vần thơ ông vừa viếng bạn.
Mỗi buổi chiều hàng ngày, nếu thời tiết cho phép, cụ Sinh đều chống gậy lên đồi A1 tập thể dục, đi vòng quanh "chiếc phễu" trên đỉnh đồi, rồi ngồi nghỉ ngơi bên bệ xi măng kê chiếc xe tăng chiến lợi phẩm.
"Chiếc phễu" ấy chính là dấu tích của khối bộc phá gần 1.000 kg thuốc nổ, các chiến sỹ công binh đào xuyên ngầm vào giữa quả đồi đặt ngay dưới căn hầm phòng ngự kiên cố của địch, được tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch giật nụ xoè kích nổ lúc 20h30 ngày 6-5-1954.
Tối hôm ấy, chia tay hai đồng đội dưới chân đồi, tiểu đội trưởng Bạch ôm theo 3kg thuốc nổ, xung phong, anh nép mình cách cửa hầm chỉ vài chục mét, trường hợp giật nụ xoè không nổ thì sẽ trườn vào tận nơi đặt khối bộc phá, chấp nhận hy sinh.
"Có dặn dò gì không?" - các đồng đội hỏi Bạch trước lúc thực hiện nhiệm vụ. "Không" - anh trả lời.
Các chiến sỹ tham gia trận đánh kể lại, tiếng nổ không được giòn như hình dung ban đầu, mà nó là tiếng nổ trầm, khói trùm lên, rung chuyển đồi A1, gần một đại đội lính Pháp bị chôn vùi. Tiếng nổ ấy mang hiệu lệnh xung phong của đợt tổng công kích cuối cùng, báo hiệu ngày tàn của đội quân viễn chinh Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Đồi A1 là một cao điểm có vị trí rất đặc biệt, được ví như "chiếc chìa khoá" mở cánh cửa vào trung tâm đề kháng Điện Biên Phủ, khống chế toàn bộ khu vực đóng đại bản doanh Sở Chỉ huy của De Castries.
Kể từ khi mở màn chiến dịch (ngày 13-3), bộ đội ta đã "giải quyết" khá nhanh phân khu phía bắc Điện Biên Phủ, với các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo… Nhưng càng tiến công vào trung tâm, cuộc chiến đấu càng khó khăn.
Thời điểm được lựa chọn để tấn công Đồi A1 là ngày 31-3. Trách nhiệm này thuộc về Trung đoàn 174 của Nguyễn Hữu An (khi ấy mới 28 tuổi, một trong những chỉ huy trẻ nhất tại chiến trường, nhưng đã dày dạn trận mạc tại các chiến dịch biên giới, thu đông trước đó).
Trước giờ vào trận đánh, Nguyễn Hữu An xin tướng Giáp cho thêm số lượng pháo 105 chi viện, bởi "A1 là vị trí rất cứng mà trên chi viện cho có 100 viên đạn pháo 105 thì ít quá". Tướng Giáp đồng ý, nhưng cũng chỉ "cho cậu thêm 5 viên nữa".
Thời gian dự kiến 2 tiếng mà Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An hứa với Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp để "giải quyết Đồi A1" đã không thành hiện thực. Lúc đầu, ta không hình dung hết được sự khó khăn do không nắm rõ địa bàn và mức độ bố phòng của địch.
Cuộc chiến đấu cam go ngay từ tiếng súng đầu tiên, chiến sỹ ta phải chiến đấu thời gian dài, giành giật từng ụ pháo, từng mét chiến hào, giữa nắng gắt, mưa dầm, đêm đen, trong mùi hôi thối nồng nặc của vô số tử thi giữa chiến địa, cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Trận chiến tại Đồi A1 là một "lát cắt" để hình dung ra cuộc chiến đấu khổng lồ của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Để đập tan một "pháo đài không thể công phá" (cách các tướng lĩnh Pháp, Mỹ đã tự tin gọi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ), việc đào khoảng 200km chiến hào để tạo nên một trận địa chiến hào kỳ vỹ, bao vây quân địch, giữa mưa bom bão đạn, với sự chênh lệch về vũ khí, khí tài, là một huyền thoại trong nghệ thuật chiến tranh.
Ở tuổi 90, người cựu binh Phạm Đức Cư vẫn còn rất minh mẫn, ông có thể mô tả cho chúng tôi tường tận những con đường kéo pháo, từng trận địa, các trận đánh cách đây đã 65 năm.
Ông kể lại, thời điểm cuối năm 1953, pháo cao xạ 37 ly và lựu pháo 105 ly là "hàng sang", vừa nhận viện trợ từ Trung Quốc, lần đầu tiên được biên chế trong quân đội của tướng Giáp. Tổng Chỉ huy yêu cầu phải đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối loại vũ khí này, để quân thù hoàn toàn bất ngờ trước giờ nổ súng. Ta đã quyết định "tặng" cho địch 2.000 trái đạn pháo 105 trong màn "khai cuộc".
Nhưng đó là những cỗ pháo nặng khoảng 2 tấn. Nếu ai đã đến Tây Bắc, đến Điện Biên, đi qua những đèo cao, dốc dài, vực thẳm, thì mới hình dung được sự gian nan của việc đưa pháo vào trận địa, ở những lưng chừng núi, để hướng các nòng pháo vào "lòng chảo" Mường Thanh đợi giờ nhả đạn.
Bộ chỉ huy chiến dịch đã phải thành lập bộ chỉ huy kéo pháo, tư lệnh Lê Trọng
Tấn. Sau hơn 1 một tuần gian nan kéo pháo vào, đến ngày 24-1, các khẩu pháo đã
được đặt tại trận địa. Nhưng khi trực tiếp đi quan sát, tướng Giáp nhận thấy
rằng cuộc chiến đấu
chưa thể bắt đầu, do công tác tiếp tế đạn dược sẽ gặp nhiều khó khăn nếu nổ súng
ngay, các trận địa pháo chưa đảm bảo bí mật, chắc chắn. Trong khi đó, giờ nổ
súng lại bị lộ.
Trong đầu tướng Giáp đã nghĩ đến phương án chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "tiến chắc, thắng chắc", bởi ông mang theo lời dặn dò của Bác Hồ: "Chỉ được thắng không được bại, vì bại là hết vốn".
Ngày 26-1, gặp trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh tại sở chỉ huy, khi được hỏi tình hình, tướng Giáp đã trả lời: "Nếu đánh là thất bại".
Khó khăn đầu tiên của tướng Giáp là giải thích thế nào với các thành viên bộ chỉ huy chiến dịch, nhất là với những người lính đã trải qua bao ngày vất vả, gian nan vượt rừng lội suối để tiến sát sào huyệt kẻ thù, đang háo hức chờ giờ nổ súng.
Trong cuốn hồi ký "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử", đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại băn khoăn của đồng đội: "Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?"- Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Lê Liêm nói. "Hậu cần chuyển bị tới bây giờ đã khó khăn. Nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được" - Chủ nhiệm cung cấp Đặng Kim Giang lo lắng.
Vào thời điểm ấy, tướng Giáp lại nhớ lời Bác Hồ hôm chia tay ở bản Khuôn Tát (Thái Nguyên): "Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại, trao cho chú quyền quyết định". Và ông đã quyết định dứt dạt: kéo pháo ra, chuẩn bị kỹ lưỡng lại, mệnh lệnh kéo pháo ra coi như mệnh lệnh chiến đấu.
Người lính pháo binh Phạm Đức Cư kể rằng, kéo pháo vào đã gian nan, kéo pháo ra còn khó khăn, nguy hiểm gấp bội phần, bởi các con đường kéo pháo đều ở lưng chừng núi, vừa được mở, có nhiều khúc quanh, vực sâu khắc nghiệt. Mỗi cỗ pháo nặng 2 tấn, bộ đội kéo pháo bằng tay.
"Anh Tô Vĩnh Diện hy sinh trên đường kéo pháo ra. Trong tình huống cỗ pháo có nguy cơ tuột xuống vực, anh đã lấy toàn bộ sức lực và thân mình cản lại, bị cỗ pháo nặng đè lên người. Hôm ấy, chỉ còn hai ngày nữa là Tết Giáp ngọ.
"Pháo có việc gì không?" - Diện thều thào hỏi đồng đội, trước khi anh trút hơi thở cuối cùng" - cụ Cư kể.
Bộ đội kéo pháo ra giữa những ngày Tết, cheo reo trên những lưng núi Tây Bắc cao vòi vọi, chuẩn bị trận địa chắc chắn xong, lại kéo pháo vào. Đến ngày 8-3, khi trọng pháo 105 ly của quân đội tướng Giáp đã chiếm lĩnh trận địa, chỉ cách Him Lam 3-4km, địch vẫn chưa hề hay biết, chúng còn "chưa thật tin về sự có mặt của lựu pháo ta trên chiến trường Tây Bắc".
Trong nhiều cuộc trò chuyện sau này, đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định quyết định "kéo pháo ra", thay đổi phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "tiến chắc, thắng chắc" trong chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Trung tuần tháng 11-1953, đại đoàn 316 nhận lệnh từ Thanh Hoá tiến quân lên Tây Bắc. Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương, tướng Navarre, đã lập tức cho quân nhảy dù xuống Điện Biên phủ, nhằm ngăn chặn bộ đội chủ lực của ta giải phóng Lai Châu, tiến sang Thượng Lào.
Điện Biên Phủ là nơi có cánh đồng rộng nhất miền Tây Bắc, giáp với biên giới Lào, thực dân Pháp đã đặt chân đến đây từ cuối thế kỷ 19. Vào thời điểm ấy, khi quân Pháp bị tấn công trên toàn Đông Dương, tướng Navarre cho rằng nếu để quân chủ lực của Việt Minh giải phóng Lai Châu, thì toàn bộ khu vực bắc Lào, nơi có kinh đô Luong Phrabang, sớm muộn cũng thất thủ.
Chọn lòng chảo Mường Thanh để xây dựng tập đoàn cứ điểm, Navarre và các phụ tá cho rằng quân đội Việt Nam với trang bị cơ giới nghèo nàn, không thể đáp ứng được các điều kiện vật chất, hậu cần cho những trận đánh lớn ở miền núi cao Tây Bắc. Trong khi đó, Pháp dễ dàng vận chuyển mọi thứ đến nơi này với đội máy bay hùng hậu. Và như vậy, xây dựng tập đoàn cứ điểm hùng mạnh này có thể chiếm lĩnh được miền Tây Bắc Việt Nam và khống chế bắc Lào.
Kể từ khi quay trở lại xâm lược Việt Nam, ngày 23-9-1945, quân Pháp nhiều lần dùng sức mạnh của hoả lực vượt trội để lùng sục bộ đội chủ lực của ta trên nhiều chiến trường.
Nhưng những người lính Cụ Hồ, đứng đầu là tướng Giáp, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, huấn luyện, vừa trang bị thêm vũ khí, không ngừng lớn mạnh, hình thành nên các đại đoàn chủ lực, đánh nhau với địch trên khắp các chiến trường, từ Cao - Bắc - Lạng, xuống trung du, về đồng bằng Bắc Bộ, đến Liên Khu 3, Liên Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ…
Quân Pháp càng chiến đấu càng đuối sức, phải chia quân đi đối phó ở khắp các chiến trường. Nhưng vào thời điểm này, sau khi hai miền Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến, người Mỹ rảnh tay và bắt đầu can dự ngày càng sâu vào Đông Dương, muốn chi viện cho Pháp để rồi hất cẳng Pháp.
Ngày 24-7-1953, Thủ tướng bù nhìn Nguyễn Văn Tâm được Tổng thống Mỹ Eisenhower mời sang Hoa Kỳ. Mỹ quyết định dành 400 triệu USD để "tổ chức một quân đội Việt Nam thực sự". Mỹ cũng trang bị bổ sung cho Pháp nhiều vũ khí, trong đó có 123 máy bay và nhiều tàu chiến.
Sau một thời gian mỏi mệt vì chiến tranh, dư luận trong nước hoài nghi, Pháp cũng muốn xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để sẵn sàng cho một trận quyết chiến chiến lược, giành phần thắng để tạo lợi thế trên bàn đàm phán Geneve. Nhưng rốt cuộc, họ đã nhận lấy kết cục thảm bại.
17h30 ngày 7-5-1954, tướng Giáp nhận được báo cáo của đại đoàn 312: "Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng De Castries".
Trước đó, vào trung tuần tháng 4, khi hệ thống hào chiến đấu của tướng Giáp đang dần thọc sâu vào khu trung tâm, trở thành chiếc thòng lọng khổng lồ bao vây Điện Biên Phủ, quân Pháp nơi đây rơi vào đúng tình cảnh như Cụ Hồ đã tiên đoán với nhà báo người Úc Burchett: "Họ sẽ không bao giờ ra được", thì Mỹ đã định "tặng" Pháp 2 hoặc 3 quả bom nguyên tử để giải quyết vấn đề.
Nhưng tại Paris, khi ngoại trưởng Mỹ Dulles gợi ý vấn đề này, người đồng cấp phía Pháp Bidault đã khước từ: "Nếu ném bom A xuống vùng Điện Biên Phủ, người phòng ngự cũng như người tiến công đều hứng chịu hậu quả như nhau. Nếu đánh vào tuyến giao thông bắt nguồn từ Trung Hoa, sẽ có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn bộ".
Người Pháp không đời nào dám biến đội quân viễn chinh của họ thành tro bụi bằng vũ khí huỷ diệt của Mỹ.
Điện Biên Phủ thất thủ, De Castries và toàn bộ quân của ông ta bị bắt sống. Tổng số 21 tiểu đoàn bị tiêu diệt, trong đó có 7 tiểu đoàn dù (lực lượng khét tiếng của quân đội viễn chinh). Tính chung, địch bị tiêu diệt và bắt sống 16.200 quân. Lực lượng của tướng Giáp không có máy bay, nhưng đã đã bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay Pháp.
Đến Điện Biên lần này, chúng tôi hẹn cựu Bí thư Tỉnh Đoàn Vừ A Bằng (hiện là Bí thư Huyện uỷ Điện Biên Đông) thăm lại Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Nơi đây có một góc rất đặc biệt dành "trưng bày đá quần đảo Trường Sa".
Khi còn là thủ lĩnh thanh niên, trong dịp hưởng ứng cuộc vận động "góp đá xây Trường Sa", anh Bằng đã cùng với đoàn thanh niên tham mưu ý tưởng xin đá Trường Sa về Điện Biên Phủ. Ý tưởng đó được ủng hộ, 21 hòn đá từ 21 điểm đảo Trường Sa giữa trùng khơi được gửi về Tây Bắc núi non hùng vĩ.
Sau giờ phút thất trận, nhiều chính khách, tướng lĩnh Pháp bần thần, suy sụp, họ không hiểu tại sao một đội quân viễn chinh hùng mạnh, một tập đoàn cứ điểm được xây dựng bởi những bộ não dày dạn trận mạc, hoả lực rất mạnh, lại có thể thua quân đội chân đất vai trần của một đất nước từng là thuộc địa bị bóc lột đến kiệt quệ.
Có lẽ vào thời điểm ấy, nếu đủ dữ liệu để hiểu hết nội hàm của khái niệm "chiến tranh nhân dân", thì các tướng lĩnh Pháp không đến mức hoảng hốt như vậy. Thậm chí, có những viên chỉ huy như Piroth, đứng đầu lực lượng pháo binh Điện Biên Phủ (từng chiến đấu can trường, mất một tay trong Thế chiến 2 tại chiến trường Ý), hốt hoảng ngay từ ngày đầu tiên của trận chiến.
Piroth đã giật chốt quả lựu đạn, tự kết liễu đời mình ngày 15-3, sau khi chứng kiến uy lực kinh hoàng từ trọng pháo của đối phương mà không biết chúng từ đâu bắn tới.
Giữa Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, A Bằng kéo chúng tôi ngồi xuống, chỉ vào chiếc bánh gỗ của một xe cút kít: "Các bạn có nhìn thấy hoa văn trên một phần của bánh xe này không, đây là hoa văn của bàn thờ ngày xưa".
Đó là chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, một dân công tỉnh Thanh Hoá, tham gia chở lương thực phục vụ chiến dịch. Để phụng sự Tổ quốc, khi cần, người dân đã phải dỡ cả bàn thờ gia tiên của mình.
Tỉnh Thanh Hoá (một địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, nhưng có một dải miền núi gối đầu vào Tây Bắc) là nơi cung cấp nhân lực, vật lực và cũng là địa phương có nhiều chiến sỹ hy sinh nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Có tổng cộng 27 triệu ngày công, hơn 3.500 xe đạp thồ, hơn 1.100 thuyền, các anh chị dân công Thanh Hoá đã vận chuyển ra mặt trận 9.000 nghìn tấn gạo (hơn 50% gạo cung cấp cho mặt trận sử dụng), 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm…, đảm bảo cho bộ đội ăn no, đánh thắng.
Các tướng lĩnh Pháp làm sao có thể biết được, cũng chiếc xe đạp họ đem sang nước Việt Nam thuộc địa làm phương tiện cá nhân đi lại, có lúc được anh dân công Trịnh Ngọc hoán cải để chở tới 345,5kg lương thực, ngược dốc ngược đèo ra tiền tuyến.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, để nhường lương thực cho trận tuyến, người dân tỉnh Thanh Hoá đã phải ăn ngô non, khoai lang, các loại rau… đến kiệt sức. Vậy nên, ngay sau kết thúc thắng lợi chiến dịch, Trung ương phải tổ chức thúc đẩy sản xuất, cứu đói cho đồng bào nơi đây.
Có hơn 20.000 xe đạp thồ phục vụ chiến dịch. "Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn với quân địch, làm đảo lộn những tính toán của chúng trước đây" - đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ký.
Cùng với xe đạp, hàng chục ngàn thuyền, bè, mảng, ngựa thồ, gánh bộ…, được huy động. Hơn 26 vạn dân công từ Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, Tây Bắc đã tham gia làm đường, vận chuyển tiếp tế lương thực thực phẩm, đạn dược, trang bị, cứu chữa thương bệnh binh… phục vụ chiến dịch.
Gian khổ là vậy, mà đọc lại hồi ký của tướng Giáp, hình dung con đường ra mặt trận đẹp như thiên anh hùng ca lãng mạn: "Đến ngã ba Cò Nòi, tôi bắt đầu chứng kiến hình ảnh cả nước ra trận. Người đi như trẩy hội. Từng đoàn xe ôtô vận tải, xe kéo pháo chậm chạp qua suối, máy rú từng hồi khi lên dốc. Trên những chiếc cầu tre mảnh khảnh, hoặc những cầu gỗ ghép bằng thân cây của công binh mới bắc qua suối, những chị dân công đòn gánh cong vút vì gạo, đạn, cười nói vui vẻ vượt qua…"
Quanh lòng chảo Điện Biên, rộng ra là khu vực Tây Bắc, từ Lai Châu xuống, Sơn La lên, đồng bào Thái, Mông, Dao…, đã tận tâm tận lực, huy động hàng ngàn tấn lương thực, hàng ngàn con trâu, ngựa, tham gia cả vạn ngày công, phục vụ chiến dịch. Quân đội của tướng Giáp được đồng bào che chở, dẫn đường, phục vụ, yên tâm mà đánh giặc.
Sở chỉ huy chiến dịch đặt ngay tại Mường Phăng, cách không xa tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của De Castries, vào những ngày thời tiết tốt, tướng Giáp trèo lên đỉnh núi, với chiến ống nhòm, ông có thể quan sát toàn bộ chiến trường. Tướng Giáp và bộ não chỉ huy chiến dịch, cùng với đoàn cố vấn Trung Quốc, đã hoàn toàn yên tâm ở trong những chiếc lán trên sườn núi, bên một bản Thái yên bình, ngay cạnh nanh vuốt kẻ thù.
Ngày đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, anh Vừ A Bằng xin phép lãnh đạo tỉnh Điện Biên cho đoàn thanh niên vào Mường Phăng lập bàn thờ Đại tướng, để nhân dân nơi đây được tưởng nhớ người. Cũng bữa đó, chúng tôi gặp cụ Lù Thị Đôi, người con gái năm xưa đã địu con lên rừng tiếp lương thực, mang cơm cho tướng Giáp.
Cụ Đôi khi ấy cũng đã gần trăm tuổi, vừa khóc thương Đại tướng, vừa kể cho chúng tôi về phút giây gặp gỡ ngày 19-4-2004, chiếc trực thăng đáp xuống cánh đồng Mường Phăng, đưa người chỉ huy Võ Nguyên Giáp thăm lại nơi này sau đúng 50 năm.
"Tôi đứng trong đám đông ra đón, Đại tướng nhận ra ngay, vẫy tôi và và em gái Ún lại gần rồi bảo: tôi và các bà đều già rồi, hôm nay gặp đây, tôi chắc không có dịp trở lại Điện Biên, không có dịp trở lại Mường Phăng nữa. Bà và tôi chắc cũng không còn cơ hội gặp nhau nữa, tôi và bà sẽ cùng chụp ảnh làm kỷ niệm lần gặp gỡ này…" - cụ Đôi kể.
Lần này về lại Mường Phăng, chúng tôi nhận được tin cụ bà Lù Thị Đôi, cách đây ít lâu, đã đi theo tướng Giáp.
Chúng tôi từ cửa khẩu Ma Lù Thàng, về Phong Thổ (Lai Châu), xuôi theo dòng Nậm Na, để cảm nhận một trong những tuyến đường tiếp viện quan trọng chở vũ khí, lương thực từ Trung Quốc phục vụ chiến dịch. Góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đồng thời với việc cử đoàn cố vấn, lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định cung cấp số lượng lớn vũ khí, đạn dược và một phần lương thực cho quân đội Việt Nam.
Dòng Nậm Na xưa kia hùng vĩ, lắm thác ghềnh nguy hiểm, nhưng từ 66 năm trước đã "ngoan hiền" hơn bởi những chiếc búa dưới bàn tay công binh ta khuất phục. Nay dòng sông rộng rãi hơn, đổ về thị xã Mường Lay (từng là trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu cũ), bắt đầu tuyến lòng hồ của Thủy điện Sơn La - thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Cũng những ngày tháng Tư 9 năm trước, chúng tôi có mặt tại thị xã Mường Lay để chứng kiến cuộc vận động những hộ dân cuối cùng di dời tái định cư trước ngày Thủy điện Sơn La chặn dòng.
Hơn 4.300 hộ dân, 13.000 nhân khẩu (84% dân số của Mường Lay) đã phải nhường nơi cắt rốn chôn rau, nhường đất đai của tổ tiên để lại, làm lòng hồ thủy điện. Ngày nay, thị xã Mường Lay trở thành một trong những khu vực sinh sống tập trung của đồng bào Thái đẹp nhất miền Tây Bắc.
Cũng trên con đường từ Lai Châu xuống Điện Biên, dừng lại ở Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ), chúng tôi thắp nhang tưởng nhớ các bậc tiền nhân tại một trong những nghĩa trang liệt sỹ rất đặc biệt – Nghĩa trang Liệt sỹ Thanh niên xung phong. Các anh nằm đó, mãi mãi tuổi đôi mươi, có những hài cốt sẽ mãi không xác định được danh tính, hòa vào đất mẹ.
Bữa đó về đến Điện Biên Phủ, chúng tôi gặp chị Trương Thị Mai (Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương) vừa từ vùng sâu Mường Nhé đi ra. Chị Mai dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác dân tộc, miền núi.
"Điện Biên còn khó khăn lắm em ơi. Tỉnh có hơn 440km đường biên giới, 110/130 xã đặc biệt khó khăn, 5 huyện 30A; tỷ lệ hộ nghèo còn đến 37,08%, là một trong hai tỉnh tỷ lệ nghèo cao nhất vùng Tây Bắc" - Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu cho vài con số.
"Điện Biên cần quan tâm hơn đến giảm nghèo đa chiều chứ không chỉ là tập trung nâng cao thu nhập, bởi nếu đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục thì có thể có một thế hệ thoát nghèo bền vững. Học không chỉ là để về làm cán bộ, công chức, mà học để thay đổi nhận thức, để hướng nghiệp" - Uỷ viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai phát biểu khi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh uỷ Điện Biên.
Chị Mai khiến chúng tôi nhớ lại hôm vào thăm căn cứ địa cách mạng Pú Nhung (Tuần Giáo), thắp hương cho người thiếu niên anh hùng, liệt sỹ Vừ A Dính. Trắc ẩn trước khung cảnh một vùng quê cách mạng, đất đá khô cằn, không có ao hồ, không có sông suối, không có mạch nước ngầm, toàn bộ sinh hoạt và sản xuất của người dân (đa số là đồng bào Mông) đều nhờ những giọt mưa từ trên trời.
"Xã Pú Nhung còn 2/8 bản chưa có điện đâu nhà báo ơi" - phó bí thư xã, anh Vừ A Lềnh, trăn trở. Nhưng Pú Nhung lại là địa phương có nhiều con em học hành thành đạt, công tác ở nhiều địa bàn.
Duyên kỳ ngộ, hôm ghé Điện Biên Đông, chúng tôi được gặp lão võ sư Nguyễn Văn Dũng (năm nay đã hơn 80 tuổi) và các môn sinh võ đường Nghĩa Dũng. Lão võ sư nổi tiếng ở xứ Huế, đây là lần thứ 2 ông đến nơi đầu nguồn sông Mã để tài trợ xây trường học cho các cháu mầm non.
"Như là tôi được sinh ra tại nơi này, như là tôi đã mắc nợ vùng đất lịch sử thương yêu này. Những mái trường xinh xắn dành cho các em chỉ là món quà nhỏ mà chúng tôi cố gắng góp tặng. Tôi sẽ gửi thêm sách cho các em. Mong rằng các em sẽ học tốt cái chữ, để sau này có những em thành đạt, vượt qua những ngọn núi xa kia, hoặc là các em ở lại xây dựng quê hương mình tươi đẹp hơn…" - lão võ sư xúc động tâm sự với các em nhỏ bản Pó Sinh, xã Phì Nhừ.
"Nhớ giữ liên lạc nhé, bọn mình còn nợ Tây Bắc" - GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (một trong những môn sinh của võ sư Nguyễn Văn Dũng), người mà trong ba thập kỷ qua đã vài chục lần đến các trường đại học danh tiếng ở Paris để thỉnh giảng, nhưng mới lần đầu tiên về Điện Biên, nhắn tin cho chúng tôi trên đường trở lại Thủ đô Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho biết, tại nước Pháp, không chỉ những người già, mà các sinh viên trẻ khi gặp ông, họ vẫn đặt những câu hỏi về Điện Biên Phủ. "Tôi hiểu rằng với người Pháp và lịch sử nước Pháp, Điện Biên Phủ là một vết thương".
Tướng De Castries đầu hàng lúc xế chiều 7-5-1954 tại Điện Biên Phủ. Thời điểm ấy Paris đang là buổi trưa, tin tức nhanh chóng được loang đi khiến người Pháp suy sụp, có người còn nghĩ nó là tin đồn nhảm.
Quốc hội Pháp họp vào buổi chiều, Thủ tướng Lanien thông báo: "Khu trung tâm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ kịch chiến liên tục". Tối hôm đó và những ngày sau, một không khí buồn thảm bao trùm nước Pháp, tivi phát các ca khúc tưởng niệm, người dân vào cầu nguyện ở nhà thờ.
De Castries, một chiến binh trong gia tộc dòng dõi anh hào nhiều đời cầm quân, người từng là tù binh của phát xít Đức (năm 1940, đánh nhau với quân Đức, De Castries chỉ đầu hàng khi súng hết đạn và bị thương), đã viết như sau: "Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp".
Cách đây nửa năm, chiều ngày 3-11-2018, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã đến Điện Biên Phủ. Ông đi thăm các di tích chiến tranh và làm một điều đặc biệt: đến đặt vòng hoa, thắp hương viếng các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Điện Biên Phủ - Đồi A1.
Trả lời Tuổi Trẻ, Edouard Philippe nói: "Trận chiến cuối cùng ở Điện Biên Phủ là một trong những trận chiến khó khăn nhất và mang tính biểu tượng nhất của cuộc chiến. Nó đã đánh dấu việc Việt Nam giành được nền độc lập hoàn toàn.
Pháp đặc biệt chú trọng đến việc chia sẻ hồi ức. Cuộc xung đột ở Đông Dương từ 1946 - 1954 đã khiến gần 80.000 binh sĩ Pháp thiệt mạng… Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, tôi cũng muốn nói rằng vì đã hòa giải được với quá khứ của mình, hai nước chúng ta mạnh mẽ tiến đến tương lai chung".
Chính khách Pháp dũng cảm nhất khi đặt chân lên chiến địa Điện Biên Phủ, có lẽ là
cố Tổng thống Francois Mitterrand. Ông từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp
năm 1946. Khi Điện Biên Phủ thất phủ, Mitterrand đang là nghị sỹ Quốc hội, đã
chất vấn gay
gắt Chính phủ Lanien.
Tháng 2-1993, ông trở thành nguyên thủ phương tây đầu tiên thăm Việt Nam kể từ năm 1975. Trong chuyến thăm này, cảm nhận về hai cuộc chiến tranh tàn khốc, Mitterrand đã lên tiếng đòi hỏi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam.
Cũng thêm một điều đặc biệt, thành phần đoàn của Tổng thống Pháp năm ấy có hai người Việt Nam, đó là GS.TS Trần Văn Khê và nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận.
"Điện Biên Phủ là một phần lịch sử nước Pháp", tôi không nhớ ai đã viết câu này, nhưng sự bại trận của đoàn quân viễn chinh tại nơi đây còn là một dấu tích lịch sử vượt ra ngoài nước Pháp, "chấn động địa cầu". Tham vọng biến Đông Dương thành "xứ thuộc địa", kể từ khi chiến hạm Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Đà Nẵng năm 1858, đến đây phải dừng lại.
Điện Biên Phủ còn là niềm cảm hứng khích lệ các dân tộc Á - Phi vùng lên giành độc lập, đập tan xiềng xích thực dân.
Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vấn đề Đông Dương được đặt lên bàn đàm phán Geneve. Sau nhiều giằng co, Hiệp định Geneve được ký kết, thiết lập hoà bình ở Đông Dương, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm gianh giới quân sự tạm thời, tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước trong vòng 2 năm.
Người Mỹ tuyên bố tạo điều kiện để thực thi hiệp định, nhưng không đặt bút ký vào đó; chính quyền Bảo Đại tuyên bố không thể công nhận sự hợp thức của hiệp định.
Lịch sử mở ra chương mới, những kẻ không nhận thức được "bài học Điện Biên Phủ" đã phá bĩnh Hiệp định Geneve, sau đó đều bại trận trước quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền của một dân tộc anh hùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận