Dù vậy, mục tiêu này cũng bị giội một “ca nước lạnh” khi hầu hết ý kiến tham dự hội nghị góp ý Dự thảo chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (do Cục Điện ảnh tổ chức, diễn ra ngày 25-6 tại Hà Nội) cho rằng điều này hoàn toàn viển vông.
Còn mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành một trong những nền điện ảnh mạnh của châu Á cũng được dành nhiều ánh mắt nghi hoặc. Ngoài mục tiêu này, chiến lược phát triển điện ảnh cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều từ người làm điện ảnh.
Các ý kiến khẳng định mục tiêu này thực chất chỉ có tác dụng khuyến khích các nhà làm phim chứ hoàn toàn không khả thi. N
hà biên kịch Hồng Ngát - phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - chia sẻ: "Nên chăng mình kiêm nhường hơn. Tôi nghĩ cái “hàng đầu” này phần lớn không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chúng ta, mà phụ thuộc vào rất nhiều sự xuất hiện hay không xuất hiện các tài năng điện ảnh lớn hay sự phát triển cụ thể của điện ảnh các nước láng giềng.
Thế cho nên mình nên sửa là: “Đến năm 2020, điện ảnh Việt Nam xây dựng được một nền điện ảnh dân tộc, hiện đại có vị thế được thừa nhận tại châu Á”. Tôi nghĩ trong thời gian bảy năm mà được thừa nhận đã phải rất cố gắng”.
Một ví dụ nhỏ cũng đủ khiến hai chữ “hàng đầu” này xa cách vời vợi như thế nào. Trong triển lãm phim và công nghệ truyền hình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã hỏi hai nhà sản xuất phim đến từ Singapore và Malaysia: “Các nhà làm phim quốc tế nghĩ gì về phim lồng tiếng?
Vì hiện tại ở Việt Nam để thu tiếng trực tiếp cần công nghệ và chi phí tốn kém”. Sau phút ngỡ ngàng, hai đại diện của điện ảnh Singapore và Malaysia trả lời: “Chúng tôi đã thu tiếng trực tiếp từ lâu rồi”.
Riêng Malaysia, chính phủ dành 1,6% GDP để khuyến khích và hỗ trợ việc sản xuất phim. Một trung tâm điện ảnh với mức đầu tư 145 triệu USD cũng được xây dựng với tham vọng biến Malaysia thành một trung tâm điện ảnh đạt tầm quốc tế.
Bên cạnh đó, với mong muốn bắt kịp xu hướng điện ảnh thế giới, chiến lược phát triển điện ảnh cũng đề xuất chuyển đổi mô hình sản xuất phim từ lấy đạo diễn làm trung tâm sang lấy nhà sản xuất phim làm trung tâm.
Bày tỏ băn khoăn về điều này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: "Mô hình “nhà sản xuất là trung tâm” có nghĩa là đề cao phim thương mại, lúc đó sẽ không có phim nghệ thuật. Trong khi đó những nền điện ảnh tiên tiến như Pháp vẫn có vai trò rất quan trọng của đạo diễn như dòng phim độc lập. Nhiều đạo diễn tự huy động vốn cho phim của mình và vai trò của đạo diễn trong dòng phim nghệ thuật, thương mại vẫn là trung tâm. Phải nói rằng khi chuyển sang sản xuất là trung tâm thì ta chẳng cần cố gắng gì, chỉ cần xây dựng thị trường là đủ”.
Còn rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh bản dự thảo chiến lược phát triển điện ảnh hiện nay. Các nhà làm phim cũng đề xuất việc Nhà nước cần phải đầu tư hơn nữa cho dòng phim độc lập, thể nghiệm; đào tạo nhân lực điện ảnh đi đôi với việc nhập công nghệ mới, nếu không sẽ lâm vào tình trạng nhập máy móc công nghệ về đắp chiếu mà không có người làm...
Một khía cạnh khá nhạy cảm được các nhà làm phim đề cập là thay đổi cách thức kiểm duyệt phim bằng hình thức phân loại khán giả. “Đó là điều sống còn để tạo ra môi trường sáng tạo tự do cho nghệ sĩ” - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận