Những điểm sáng gần đây xuất hiện như vậy cho thấy một thế hệ nhà làm phim mới đã trưởng thành, hứa hẹn trở thành một làn sóng mới của điện ảnh Việt.
Nhưng điều tôi cứ hay suy nghĩ là phim tiếp theo của họ sẽ được hỗ trợ như thế nào bởi chính những nguồn lực trong nước để điện ảnh Việt tiếp tục có thêm những điểm sáng như vậy?
Đầu tư lâu dài và hỗ trợ từ bước đầu
Những bộ phim không thể ra đời nếu không có kinh phí và sự trưởng thành về nghề nghiệp của những nhà làm phim.
Các nhà làm phim cũng không thể đi đúng trên chặng đường dài nhiều khó khăn nếu thiếu những lần được va chạm và cọ xát với đồng nghiệp, những lần được gặp gỡ và học tập từ các bậc thầy.
Tôi nhớ lại những cột mốc đầu tiên để trở thành một nhà làm phim.
Ngày đó, khi còn là một học sinh cấp ba, Internet dần phổ biến dù còn nhiều hạn chế về công nghệ và giá thành.
Tôi xin mẹ được lên Internet mỗi ngày mười phút để tham gia các diễn đàn điện ảnh.
Nhờ những diễn đàn điện ảnh thời kỳ đầu mà tôi đã bắt đầu học để trở thành đạo diễn điện ảnh.
Cũng từ buổi sơ khai đó, tôi bắt đầu mày mò tìm kiếm thông tin để tham gia các trại sáng tác điện ảnh quốc tế.
Sau này, khi đã là một đạo diễn và một người giảng dạy về điện ảnh, tôi có cơ hội quan sát và tham gia tổ chức các trại sáng tác và đào tạo trong nước, được đọc hồ sơ và tư vấn về quyết định hỗ trợ kinh phí cho các nhà làm phim trẻ.
Tôi nhận thấy nếu không có sự đầu tư lâu dài ngay từ những bước đầu và một sự hỗ trợ kịp thời ở những thời điểm chuẩn bị làm phim đầu tay, các tài năng điện ảnh sẽ khó có cơ hội đột phá và tỏa sáng.
Điện ảnh trẻ cần được đào tạo, chia sẻ và cả chi phí nữa
Trần Thanh Huy, Hà Lệ Diễm, Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân mang về những dấu ấn cho điện ảnh Việt Nam bằng những giải thưởng danh giá. Điểm chung của họ là ở giai đoạn chập chững tìm lối đi, họ đã tham gia các diễn đàn điện ảnh và được hỗ trợ về đào tạo hoặc kinh phí.
Sự ra đời của tiệc phim ngắn yXineff đã giúp nhiều nhà làm phim trẻ được cọ xát và được biết đến. Ngay sau đó, những nỗ lực của các nhà làm phim giàu kinh nghiệm như Phan Đăng Di, Trần Thị Bích Ngọc đã tạo ra Gặp gỡ mùa thu.
Nơi đây cho các nhà làm phim trẻ được trò chuyện với đạo diễn tài hoa Trần Anh Hùng, được ăn, ngủ, thở cùng nhau và cùng điện ảnh.
Với Hà Lệ Diễm, cô đã tìm được cách tiếp cận điện ảnh tài liệu, tìm được nhà sản xuất đồng hành cùng mình thông qua trại sáng tác Varan 2016.
Đó là những bước tiến vững chắc để Những đứa trẻ trong sương ra đời.
Đào tạo và chia sẻ thông tin là điều kiện tiên quyết, nhưng hỗ trợ kinh phí sản xuất là một điều kiện không thể thiếu.
Sự ra đời của Dự án phim ngắn CJ năm 2018 đã kịp thời hỗ trợ kinh phí sản xuất cho Phạm Thiên Ân và Phạm Ngọc Lân để hoàn thành Hãy tỉnh thức và sẵn sàng và Một khu đất tốt - hai bộ phim ngắn đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp của họ.
Từ việc chu du và đạt giải tại các liên hoan phim hàng đầu, hai bộ phim đã trở thành bàn đạp để cả hai tìm kiếm nguồn quỹ hỗ trợ điện ảnh quốc tế cho Bên trong vỏ kén vàng và Cu li không bao giờ khóc với kỳ tích giải thưởng phim đầu tay tại Cannes 2023 và Berlinale 2024.
Điều may mắn là các hoạt động điện ảnh trên diễn ra nối tiếp nhau một cách ăn khớp trong một khoảng thời gian đủ dài và đúng thời điểm.
Nếu không thiếu vắng những hoạt động này, chưa chắc chúng ta có những bộ phim để lại dấu ấn, những quả ngọt từ các nhà làm phim mới.
Hiện tại, các workshop điện ảnh, tiệc phim ngắn, các quỹ hỗ trợ vẫn đang được vận hành tự nguyện bởi các nhà làm phim nhiều tâm huyết hoặc bởi các công ty tư nhân.
Các hỗ trợ đến từ phía Nhà nước vẫn còn hạn chế và khó tiếp cận với đa số các nhà làm phim trẻ.
Chúng ta sẽ không thể thu được quả ngọt nếu những nỗ lực vẫn chỉ đến từ sự hào phóng, tâm huyết của các nhà làm phim đi trước và những nỗ lực cá nhân của các nhà làm phim trẻ.
Đừng để điện ảnh Việt Nam chỉ mãi là một điểm sáng mang tính triển vọng! Đây có lẽ là thời điểm quan trọng nhất để những chính sách đầu tư vào các nhà làm phim trẻ được thực thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận