06/11/2018 12:30 GMT+7

Điện ảnh Trung Quốc 2018 liệu có ảm đạm chợ chiều?

QUẾ VIÊN - THỤC NGHI
QUẾ VIÊN - THỤC NGHI

TTO - Điện ảnh Trung Quốc 2018 không tạo được tiếng vang lớn, nhưng liệu có ảm đạm như chợ chiều không?

cho dù trong năm có những phim đạt doanh thu phòng vé "khủng" như Thám tử phố người Hoa, Tôi không phải dược thần, Một vỡ kịch hay, Vô song… nhưng khá giả lại chứng kiến sự sa sút của các tên tuổi lớn, như Trương Nghệ Mưu đưa nghệ thuật tranh thủy mặc vào bộ phim võ thuật sử thi Ảnh, nhưng vẫn bị giới phê bình đánh giá là thiếu cái "thần"; Phùng Tiểu Cương vướng vào sự kiện xi, tiếp tay cho Phạm Băng Băng trốn thuế khi quay bộ phim Điện thoại di động 2.

Điện ảnh Trung Quốc 2018 liệu có ảm đạm chợ chiều? - Ảnh 1.

Bộ phim Ảnh của đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã không tạo được tiếng vang lớn như mong đợi - Ảnh: Sina

Những con số ấn tượng

hiện có khoảng 40.000 rạp chiếu phim trên cả nước. Theo Tân Hoa xã thì trong năm 2017 đã có gần một ngàn đầu phim, gồm phim truyện, hoạt hình, phim tài liệu được sản xuất.

Theo South China Morning Post thì trong năm 2017, tổng doanh thu phòng vé đạt 55,9 tỉ CNY (khoảng 8,6 tỉ USD) tăng 13,45% so với 2016, trong khi theo Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPAA) thì hai thị trường Mỹ và Canada gộp lại chỉ có 11,1 tỉ USD, giảm 2%.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, phòng vé Trung Quốc đã thu được 32,03 tỉ CNY (4,84 tỉ USD), tăng 17,82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đây, thị trường 1,4 tỉ dân này là nơi Hollywood gỡ vốn cho những bộ phim "bom tấn" không thành công tại quê nhà, nay thì các nhà đầu tư Trung Quốc quyết tâm cạnh tranh với Hollywood.

Điện ảnh Trung Quốc 2018 liệu có ảm đạm chợ chiều? - Ảnh 2.

Tỉ phú Jack Ma đã không bỏ lỡ kênh đầu tư sản xuất phim - Ảnh: Ifeng

Tỉ phí Mã Vân (Jack Ma) đã lập Alibaba Pictures, Vương Kiện Lâm (Wang Jian Lin) lập Wanda Film và mua lại Legendary Studio của Hollywood, điển hình là 10 phim có doanh thu cao nhất trong 6 tháng đầu năm nay thì phim Trung Quốc đã chiếm 6.

Thị trường cạnh tranh và những quy định mới

Tuy các con số ấn tượng như vậy, nhưng khán giả lại phàn nàn về chất lượng phim ảnh, khi các hãng phim đua nhau mọc lên khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Để thu hút khán giả, các nhà sản xuất đua nhau sử dụng các diễn viên "lưu lượng" (được nhiều người biết đến) có ngoại hình đẹp, nhiều fans, kể cả khi họ không hợp vai hay diễn kém.

Thậm chí, còn có tình trạng các nhà làm phim tận dụng thể loại phim vượt thời gian để tùy tiện bóp méo lịch sử.

Cuối năm 2016, Cục điện ảnh Trung Quốc đã thông qua Luật thúc đẩy Công nghiệp Điện ảnh để chấn chỉnh tình trạng bát nháo, ngăn chặn việc gian lận doanh thu phòng vé, giảm số đầu phim kém chất lượng, giảm quota phim ngoại nhập, đặt định mức cho các thể loại phim sản xuất trong nước nhằm tăng số đầu phim chính kịch, có đề tài xã hội, hướng nghiệp, lịch sử… giảm thiểu thể loại phim vượt thời gian, cung đấu, tiên hiệp.

Điện ảnh Trung Quốc 2018 liệu có ảm đạm chợ chiều? - Ảnh 3.

Thể loại phim vượt thời gian bóp méo lịch sử đã bị cấm dàn dựng và phát sóng tại Trung Quốc - Ảnh: Sina

Tháng 6-2018, Cục điện ảnh Trung Quốc đưa ra quy định thù lao của các diễn viên không được vượt quá 40% chi phí sản xuất, nhưng các biện pháp này có hiệu quả tới đâu thì chưa biết.

Một sự kiện đáng ghi nhận trong năm 2018 là các diễn viên "lưu lượng" không còn là yếu tố bảo chứng doanh thu phòng vé như trước.

Nhiều khán giả bắt đầu thấy chán các "bình hoa di động" không biết diễn nhưng vẫn được tham gia các bộ phim lớn nhờ có ngoại hình đẹp và sự hỗ trợ của các nhà đầu tư.

Cú lội ngược dòng của phim kinh phí thấp

Điểm sáng trong năm là sự thành công ngoài dự kiến của một số phim điện ảnh kinh phí thấp, được dàn dựng cẩn thận và có ý nghĩa nhân văn, điển hình là bộ phim Tôi không phải dược thần (Dying to survive) của đạo diễn Văn Mục Dã, do Từ Tranh đóng vai chính kiêm điều hành sản xuất.

Với kinh phí sản xuất 10,9 triệu USD, không có trai xinh gái đẹp tham gia, nhưng bộ phim vẫn thu về 453 triệu USD, thậm chí còn là bộ phim Trung Quốc đầu tiên trong 10 năm được chấm 9/10 điểm trên chuyên trang đánh giá phim ảnh Douban

Điện ảnh Trung Quốc 2018 liệu có ảm đạm chợ chiều? - Ảnh 4.

Tôi không phải dược thần là bộ phim có kinh phí thấp, nhưng đã lập kỷ lục doanh thu phòng vé - Ảnh: Sina

Bộ phim Tôi không phải dược thần được dựa trên câu chuyện có thật xảy ra vào năm 2014 về một bệnh nhân mắc bệnh máu trắng nhập lậu thuốc chữa bệnh nhái Novartis từ Ấn độ về dùng và bán lại cho các bệnh nhân khác nên bị vào tù.

Trước khi Bắc Kinh ban hành chính sách miễn thuế cho các loại thuốc đặc trị và trợ giá cho một số thuốc vào tháng 5-2018 thì mỗi năm có khoảng 3 triệu bệnh nhân ung thư nghèo chết vì không đủ tiền mua thuốc.

Tuy bộ phim Tôi không phải dược thần ngụ ý khen ngợi chính sách mới này, nhưng mặt khác cũng phản ảnh những yếu kém của hệ thống y tế và những mặt trái của xã hội.

Điện ảnh Trung Quốc bước vào thời kỳ tĩnh lặng

Từ các phương diện cho thấy, có một thực tế không thể phủ nhận là điện ảnh Trung Quốc những năm gần đây phát triển thần tốc, nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện nguy cơ.

Năm nay, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực điện ảnh tụt giảm, đây là yếu tố chính làm giảm chất lượng và nội dung cho các tác phẩm.

Trải qua 3 năm không ngừng phát triển, năm nay thị trường điện ảnh Trung Quốc rơi vào thời kỳ tĩnh lặng, các nhà đầu tư bắt đầu tỏ thái độ thận trọng với các hạng mục đầu tư.

Có thể nói, các hãng phim lớn đã sớm nhận thức được điện ảnh Trung Quốc đang bước đến ngã rẽ khác, từ nội bộ bắt đầu có sự bảo thủ và chỉnh đốn, họ đầu tư làm phim một cách lý trí và kén chọn hơn là xông pha mạo hiểm như những năm trước.

Trung Quốc chỉ trích ngành giải trí

TTO - Trong một động thái xiết chặt quản lý, chính quyền Trung Quốc mới đây chỉ trích ngành công nghiệp giải trí của nước này khuyến khích con người "tôn thờ đồng tiền" và 'bóp méo các giá trị xã hội'.

QUẾ VIÊN - THỤC NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên