Sự kiện diễn ra ngày 3-7 trong khuôn khổ DANAFF II ở Đà Nẵng (diễn ra tới hết 6-7).
Duyên nợ
Đạo diễn Đặng Nhật Minh gửi lời "cảm ơn" tới điện ảnh Pháp. "Không chỉ bởi sự ảnh hưởng của điện ảnh Pháp với điện ảnh Việt Nam mà còn vì tất cả những thành tựu mà tôi có được, trong đó có sự đóng góp, hỗ trợ của điện ảnh Pháp rất nhiều", ông nói.
Ông Minh kể, khi ông làm xong phim Bao giờ cho đến tháng 10, chính Bộ Văn hóa và Bộ Ngoại giao Pháp đã tạo điều kiện chiếu tại Paris.
Sau đó ông nhận được một học bổng của Chính phủ Pháp sang Pháp học về điện ảnh. "Tới bây giờ, trường phái điện ảnh Làn sóng mới của Pháp vẫn còn ở trong tôi tới hôm nay", ông nói.
Bộ Văn hóa Pháp còn tài trợ ông làm bộ phim Mùa ổi, chiếu suốt hai tháng tại hệ thống rạp chiếu ở Pháp.
Từng được tham gia làm phim ở thời kỳ có tới ba phim Pháp quay tại Việt Nam (Người tình, Điện Biên Phủ và Đông Dương) hơn 30 năm trước, đạo diễn Đặng Tất Bình chia sẻ ông ghen tị với các bạn trẻ làm phim hôm nay.
Ngày đó điều kiện làm phim ở Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Những thành tựu của điện ảnh cách mạng Việt Nam khiến ta tự hào bởi sự cẩn thận, chỉn chu, tỉ mỉ hết sức có thể; nhưng so với sự cẩn thận, tỉ mỉ của các đoàn phim Pháp ngày đó thì chúng ta vẫn phải đi xa lắm.
Không chỉ chủ đề, phong cách, sáng tạo, ảnh hưởng của điện ảnh Pháp thể hiện trong cả việc sản xuất. Họ khiến những nhà làm phim Việt Nam nhận ra làm cái gì cũng phải tới nơi tới chốn, biết nguồn gốc cụ thể…
Ông Bình ví dụ một cảnh quay ở Hạ Long trong phim Đông Dương, các bạn Pháp yêu cầu những cộng sự ở Việt Nam tìm hiểu giúp họ những thông số về thủy triều từng ngày, từng tuần, từng tháng nhưng đi tìm ở Thư viện Quốc gia, hỏi bên ngành thủy lợi… đều không ra.
Các nhà làm phim Pháp bảo họ sẽ tìm hiểu thông số đó bên Pháp. Cuối cùng, họ tìm được để rồi đúng ngày đó, giờ đó, mực nước sẽ lên. Khi tiến hành cảnh quay, nó diễn ra đúng như vậy.
"Điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Pháp có một mối quan hệ rất sâu sắc từ những câu chuyện nhỏ như thế", đạo diễn nói.
Từng có những phim Pháp quan trọng quay ở Việt Nam
Bà Ngô Phương Lan chia sẻ, đầu những năm 1990, cùng một lúc có ba phim lớn của Pháp đều đến quay tại Việt Nam là Đông Dương, Điện Biên Phủ và Người tình.
Sau đó, đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng cũng làm những bộ phim được nhiều người biết đến, quay ở Việt Nam như Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng…
Bà Lan đánh giá chủ đề Việt Nam được biết đến nhiều hơn trên thế giới và toàn diện hơn qua những bộ phim. Điện ảnh Pháp ít nhiều đem lại sự nổi tiếng cho điện ảnh Việt Nam với những bộ phim Pháp bằng đề tài Việt Nam.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết Việt Nam và Pháp có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác, trong đó có hợp tác trong điện ảnh. Ông mong muốn sẽ có nhiều hơn phim Pháp được công chúng Việt Nam yêu mến.
Thời gian qua Viện Pháp tại Việt Nam đã cộng tác với hệ thống phòng chiếu ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM để tăng cường kết nối, mỗi năm chiếu khoảng 50 phim Pháp tại Việt Nam.
Đại sứ Olivier Brochet ví von: "Việt Nam - Pháp - điện ảnh là mối tình tay ba nhưng vô cùng rất hạnh phúc".
Ông khẳng định: "Việt Nam có nhiều nhà làm phim trẻ tài năng, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ họ tiếp cận các liên hoan phim lớn, các giải thưởng điện ảnh giá trị".
Tùy viên nghe nhìn Đại sứ quán Pháp Jeremy Segay cho rằng Việt Nam là một đất nước năng động. Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam và tìm kiếm những nhà làm phim trẻ người Việt Nam để giới thiệu ra thế giới.
Song "để phối hợp tốt, chúng ta phải có sự ký kết hợp tác phát triển văn hóa giữa hai nước", ông phát biểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận