Bộ phim tài liệu độc lập Finding Phong ra mắt tại TP.HCM trong sự nỗ lực của các nhà sản xuất, phát hành tư nhân vào tháng 10-2018 - Ảnh: Blue Productions
Tôi mong giới làm phim Việt thành lập một hiệp hội riêng để nâng cao chất lượng và bảo vệ sản phẩm tốt hơn. Hiệp hội sẽ trao đổi và hỗ trợ để phim Việt được thẩm định giá trị căn bản và không bị ép suất chiếu, được bảo vệ và có tiếng nói chung khi phim ra rạp.
Diễn viên Hứa Vĩ Văn
Chưa có chính sách ưu đãi cho kinh doanh văn hóa
Từ trước đến nay, các chính sách Nhà nước quản lý điện ảnh chỉ là quản lý kiểm duyệt nội dung và giấy phép như một loại hình văn hóa, mà không xem đó như một ngành công nghiệp với những chính sách hỗ trợ công nghiệp văn hóa, trong khi thị trường mở cửa hoàn toàn.
Thế nên điều tôi băn khoăn là mục tiêu xây dựng nền công nghiệp văn hóa với tỉ lệ GDP cao liệu có khả thi không khi chính chúng ta chưa coi văn hóa là một ngành công nghiệp thực thụ với những chính sách hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là cho chính phim Việt?
Bà Ngô Thị Bích Hiền
Tôi lấy ví dụ: phim Hollywood một mặt không phải đóng thuế nhập khẩu cao, một mặt lại được hưởng tỉ lệ cao hơn so với các phim sản xuất tại Việt Nam từ tổng doanh thu bán vé.
Các ngành công nghiệp khác như ôtô, xe máy... đều có thuế nhập khẩu rất cao cho các sản phẩm nhập khẩu và không có thuế, hoặc thuế rất thấp cho sản phẩm trong nước; riêng với phim điện ảnh, thuế là ngang nhau.
Chưa kể với phim Việt không có chính sách hỗ trợ, các rạp có thể chèn ép suất chiếu, nên mới có tình trạng phim tốt chưa chắc đã bán được vé, trong khi phim "thảm họa" thì có thể!
Việc mở rộng các cụm rạp chiếu phim cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh điện ảnh hiện nay cũng gặp khó khăn vì địa điểm thuê rạp chưa có chính sách ưu đãi, nên giá thuê quá cao để có thể kinh doanh văn hóa.
Trong khi đó, chính sách cho vay vốn làm văn hóa với lãi suất ưu đãi của Nhà nước giống như cho vay vốn phát triển… nông nghiệp vậy, mà văn hóa bản thân nó đã là một ngành rất đặc thù và nhạy cảm. (Bà Ngô Thị Bích Hiền - đại diện nhà sản xuất - phát hành BHD)
Cần có quỹ phát triển tài năng điện ảnh
Để hỗ trợ việc phát triển của điện ảnh thành phố, đồng thời nâng cao hình ảnh của thành phố thì không nên tập trung vào những việc mà các doanh nghiệp hiện đang làm và đang có năng lực để làm như xây dựng trường quay, trung tâm kỹ thuật tiền kỳ - hậu kỳ, vì như vậy thực chất là quay lại cơ chế bao cấp, Nhà nước cạnh tranh với doanh nghiệp.
Thành phố hiện để hỗ trợ tốt nhất nên tập trung vào những vấn đề đang là thách thức lớn cho ngành điện ảnh mà các doanh nghiệp chưa muốn làm, hoặc chưa đủ điều kiện để làm.
Đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh
Thứ nhất, đó là đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao cho ngành thông qua các học bổng đào tạo từ các khâu biên kịch, đạo diễn, quay phim, kỹ thuật viên hậu kỳ... tại những nơi đang là cái nôi của điện ảnh mới như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Hoa Kỳ, Úc... Cần lắm một quỹ phát triển tài năng điện ảnh.
Thứ hai, tạo điều kiện cho các nhà làm phim độc lập, các khán giả yêu điện ảnh thành phố có một nơi hoạt động thường kỳ đều đặn, nơi có thể chia sẻ các thông tin, cập nhật các xu hướng điện ảnh mới, giao lưu trình chiếu các bộ phim nghệ thuật (dòng phim art-house), phim thể nghiệm, tài liệu, khoa học, môi trường...
Tóm lại, thành phố làm vai trò cầu nối xúc tiến giao lưu trao đổi văn hóa, thương mại với các tổ chức nghệ thuật và phát triển điện ảnh của khu vực lẫn thế giới.
Thứ ba, tạo điều kiện để giảm bớt các thủ tục hành chính đối với các đoàn phim khi chọn bối cảnh quay tại thành phố, như một cách để quảng bá hình ảnh thành phố thông qua điện ảnh. (Đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh)
Doanh thu phim ngoại gấp 3 phim Việt
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, nhiều số liệu để đánh giá thực trạng các ngành công nghiệp văn hóa ở TP.HCM cần phải có thời gian để làm lại từ đầu, nhất là các số liệu cụ thể về doanh thu, lợi nhuận hằng năm của các đơn vị. Ngoài ra, cũng cần rà soát giữa thực tế và con số được báo cáo...
Về ngành điện ảnh, một nguồn tin cho biết doanh thu phim nội địa trong tháng 1 và 2 của năm 2019 đã tăng trưởng đến 158% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy vậy, tỉ lệ doanh thu giữa phim Việt và phim ngoại vẫn còn một khoảng cách rất xa, khi trong ba năm liền (từ 2016 đến 2018) tỉ lệ doanh thu phim nước ngoài tại rạp Việt vẫn chiếm 75% tỉ trọng, trong khi đó phim Việt Nam chỉ chiếm 25%.
Nhà đầu tư nản lòng vì vướng thủ tục
Ngày 12-3, khi duyệt kế hoạch công tác năm 2019 của Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong đã lưu ý sở về việc sớm xây dựng, hoàn thiện đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn TP (Tuổi Trẻ ngày 11, 12-3).
Ông Huỳnh Thanh Nhân, giám đốc sở, cho hay cái khó khăn vướng mắc hiện nay là sự phối hợp khảo sát các chỉ số phát triển ngành văn hóa, việc thống kê các số liệu chưa đầy đủ.
Ông Nguyễn Thành Phong nhận định tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của TP rất lớn, "nhưng chúng ta chưa có quy hoạch phát triển ngành văn hóa. Khi không có tầm nhìn về vấn đề gì thì thường xử lý tình huống và đầu tư không đồng bộ".
Theo người đứng đầu chính quyền TP, công nghiệp văn hóa không cần Nhà nước đầu tư nhiều, chỉ cần có quy hoạch, chiến lược phát triển và cơ chế phù hợp thì rất nhiều người muốn đầu tư vào đây.
Nhưng đề cập vấn đề này, ông Phong nêu lại câu chuyện "làm nản lòng nhà đầu tư": một nhà đầu tư Hàn Quốc mang trong mình một nửa dòng máu Việt, rất tâm huyết đầu tư một khu đua xe đạp lòng chảo ở TP, nhưng thời gian rất lâu rồi mà vẫn chưa làm được chỉ vì vướng thủ tục!
Ông cũng nhận xét thêm nhiều công trình văn hóa trọng điểm đã nói từ nhiệm kỳ trước đến nay chưa đầy 2 năm nữa là hết nhiệm kỳ, vậy mà vẫn chưa làm được, thậm chí có công trình còn chưa khởi động được gì.
Nhiều nhà thiết kế, nhà làm phim nổi tiếng của cả nước có xuất thân và trưởng thành từ TP, nhưng hiện nay môi trường để họ giới thiệu những sáng tạo của họ thì mình chưa đầu tư được, để họ tự "bơi" hoàn toàn.
MAI HOA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận