Phóng to |
Không được cung cấp dịch vụ như mong muốn, đạo diễn Hàn Quốc Lee Jun Ik đã phải thực hiện bộ phim có bối cảnh Việt Nam năm 1971 (phim Sunny) tại Thái Lan - Ảnh: daum.net |
Nhân vật bốn năm trước đã phải từ bỏ dự án làm phim tại Việt Nam hóa ra lại là đạo diễn Lee Jun Ik. Ông là đạo diễn của King and the clown (Vua và chàng hề) - phim cổ trang có yếu tố đồng tính nam đã giữ kỷ lục ăn khách thứ hai trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc.
Máu Việt, bối cảnh... Thái
Say mê làm phim lịch sử, vào năm 2008 Lee Jun Ik mở kế hoạch làm phim Sunny về cuộc hành trình tìm chồng đang ở mặt trận Việt Nam năm 1971 của cô gái Soo Ni. “Và tôi từ bỏ mong muốn làm bộ phim này ở Việt Nam sau khi đi thực địa ở Sài Gòn, Củ Chi. Máu chảy là của người Việt, vậy mà bối cảnh phim phải sử dụng ở Thái Lan, và chi phí làm phim người Thái Lan được hưởng”, vị đạo diễn chua xót nhớ lại.
Những lý do ông Lee đưa ra sau đó có thể làm bất kỳ vị chủ nhà nào ngồi dưới cũng nóng mặt hoặc tự ái nhưng đó là sự thật ông đã gặp phải: lo sợ khâu kiểm soát kịch bản và thiếu nhân lực, trang thiết bị làm phim.
Dù cảm thấy rất hạnh phúc với điều kiện tại Thái Lan, ông Lee thấy đáng tiếc về những hạt sạn trong phim mình: diễn viên phát âm lạ lùng (thuê người Thái đóng người Việt), các biển quảng cáo sai chính tả, diễn viên không có tư vấn của cựu binh bản địa...
Nhưng “lý do mất cơ hội với Việt Nam thì tôi đã giải thích cho quý vị rồi”, ông cười cầu toàn. Đổi lại, ở Thái Lan, ông đạo diễn được làm một phim chiến tranh hoàn toàn nhẹ nhàng, cảnh quay tại chỗ, không phải di chuyển. Họ chịu trách nhiệm đến từng chiếc huy chương quân đội và chỉ với giá dưới 1 USD.
“Nếu chúng tôi được hỗ trợ về điều kiện thiết bị như thế, hoàn toàn có thể quay ở Việt Nam. Và các bạn đừng quên các bạn có một tài sản phong phú nhất: đó là các bối cảnh, địa danh lịch sử. Tôi khao khát được làm phim về Việt Nam bằng chính những bối cảnh ở đây. Nếu làm tốt việc cung cấp dịch vụ làm phim nước ngoài, nếu hình ảnh Việt Nam được sử dụng nhiều trên phim để đại diện cho mình hay mô phỏng lại một đất nước châu Á khác, tất cả sẽ giúp các bạn tăng tính tự tôn trong thế hệ trẻ!”.
Cuối cùng, ông đưa ra con số không thể không khiến nhiều người tiếc, tiếc và tiếc. Trong số 7,1 tỉ won kinh phí làm phim, Hàn Quốc đã chi 2,5 tỉ won (tương đương 2,5 triệu USD) trong tất cả các bối cảnh quay tại Thái Lan. “Trong khi tôi lại muốn tiêu số tiền đó tại Việt Nam cơ!”, đạo diễn nổi tiếng của Hàn Quốc hóm hỉnh kết luận.
Xắn tay làm ngay!
Cùng ngồi lại với lý do “một châu Á trong điện ảnh”, các vị khách nước ngoài đã không hề giấu đi sự nôn nóng và thẳng thắn của mình. Cùng chung những suy nghĩ với nhiều nhà làm phim Việt Nam sau khi dự hội thảo, ông Briccio Santos - chủ tịch Hiệp hội Phát triển phim Philippines, phó chủ tịch mạng lưới điện ảnh châu Á (AFCnet) - khẳng định: Việt Nam thật sự phải nghiên cứu quy trình thành lập một ủy ban điện ảnh để quy chuẩn hóa các chính sách, đưa ra các bước rõ ràng thúc đẩy nền điện ảnh du lịch!
Nhưng đâu đó trong phòng họp có tiếng nói, hình như các vị ấy chưa biết việc cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài được áp dụng hơn 20 năm nay ở ta! Bộ VH-TT&DL đã ban hành quy định về hợp tác và cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài theo quyết định số 1340/QĐ, 29-9-1992.
Tuy nhiên, nếu tính về khía cạnh sinh lời từ mô hình “điện ảnh du lịch”, hiểu rõ hơn ai hết về điện ảnh Việt, giám đốc LHP Busan Kim Ji Seok (Bước chuyển cho điện ảnh Việt, Tuổi Trẻ ngày 22-10-2010) nói, ông thấy Việt Nam ngủ êm trong thành tựu xưa. Ông dẫn ra trong 20 năm qua, Việt Nam mới chỉ cung cấp dịch vụ sản xuất vài chục phim truyện trở thành hiện tượng: Điện Biên Phủ, Đông Dương, Người tình, Người Mỹ trầm lặng, Xích lô. “Những phim đó đã quá lâu để tiếp tục quảng bá Việt Nam mạnh mẽ trong hiện tại!”, ông Kim nhận định.
Không phải không có lý do để các nhà làm phim nước ngoài có định kiến với Việt Nam, mà chính họ cũng không phủ nhận “có thể chúng tôi có những đánh giá không đúng do thiếu thông tin”. Nhiều vị khách cũng tỏ ra kỳ vọng phía Cục Điện ảnh sẽ có những phản ứng nhanh nhạy để thay đổi, sau một năm 2011 nhiều buồn hơn vui.
1 giờ ở Campuchia và 30 ngày ở Việt Nam Sự tự ái là cần thiết để vỡ lẽ trong các cuộc tranh luận. Đối đáp lại đạo diễn Lee Jun Ik hay nhiều ý kiến khác, ông Đỗ Duy Anh - người phụ trách chính mảng cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài của Cục Điện ảnh - khẳng định phía Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện nhân lực và một số cơ sở vật chất kỹ thuật. Đã có màn đối đáp ngoạn mục giữa hai ông: “Nếu chúng tôi cần 500 quân nhân?”. “Phía VN 5.000 người cũng cung cấp được”. “Nếu chúng tôi cần trực thăng, súng ống đạn dược?”. “Nên nhớ, chúng tôi từng giúp người Pháp làm phim Điện Biên Phủ, người Mỹ làm Người Mỹ trầm lặng”. Thế còn những nhiêu khê trong thủ tục giấy tờ, hiện nay vẫn phải chờ Bộ VH-TT&DL cấp giấy phép? Do VN chưa cấp phép trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài, những nơi này vẫn phải thông qua một hãng phim, công ty truyền thông để tiến hành các thủ tục. Ngay cả thời hạn 30 ngày cấp phép từ khi nộp hồ sơ yêu cầu, người Việt đều hiểu với nhau đây là khoảng thời gian có thể du di sớm hoặc muộn hơn. Trong khi giám đốc điều hành Ủy ban Điện ảnh Campuchia Cedric Eloy nói: thủ tục đăng ký làm dịch vụ tại đây chỉ mất...1 giờ! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận