TTCT - Ông Đặng Vĩnh Thọ, chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, khẳng định không chỉ Bảo Lộc mà những xứ trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa khác ở Việt Nam đều không chủ động được nguồn giống tằm. Để sản xuất kén ươm tơ, đa số các cơ sở nuôi tằm đều phải nhập giống qua đường tiểu ngạch. Trong ảnh: rút tơ từ kén tại một cơ sở ươm tơ. Ảnh: Mai Vinh Nhập tiểu ngạch gần 100% Ông Thọ khẳng định gần 100% giống tằm mà người dân đang dùng hiện nay đều nhập tiểu ngạch, nguồn gốc không rõ ràng. “Đó là hậu quả một giai đoạn đi xuống kéo dài gần 20 năm”. Hiện cả nước có 3 trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống tằm, công suất thiết kế đạt khoảng 200.000 hộp trứng tằm/năm. Nhưng theo ông Thọ, những nghiên cứu về giống chưa đạt độ chín về ứng dụng trong thực tế nên người dân vẫn tiếp tục dùng hàng nhập tiểu ngạch và chấp nhận những rủi ro. Bà Nguyễn Minh Huệ (xã Dam B’ri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã nuôi tằm hơn 20 năm nhưng chưa từng được biết những trứng tằm mà gia đình bà mua lấy từ đâu, chỉ “chắc chắn không phải là Việt Nam, không có hướng dẫn nào bằng tiếng Việt cả”. Bà từng thử nuôi giống tằm do các trung tâm ở Việt Nam sản xuất nhưng chất lượng kén không đều, hay bị chủ các xưởng ươm tơ chê sợi tơ ngắn, khó kéo. Những người nuôi tằm chuyên nghiệp như bà có muốn chọn những giống tằm mới được các trung tâm trong nước quảng cáo cũng không dám. “Không có gì bảo đảm kén sẽ tốt hơn, cũng không có ai đứng ra thử trên chính những dàn máy ươm tơ lớn trong vùng này rồi nói cho chúng tôi có nên ứng dụng hay không. Chúng tôi tự lo hết nên quen cái gì làm cái đó thôi. Kén phải cung cấp đều cho nhà ươm, lỡ thử mà không ra cái gì không chỉ mất tiền mà còn mang tiếng phá nhà ươm” - bà giãi bày. Ở Bảo Lộc nói riêng và Lâm Đồng nói chung, mỗi năm có thể nuôi gối đầu được 18 lứa tằm, khác với Trung Quốc chỉ nuôi được tối đa 6 vụ. Nhưng dù đầu tư 18 vụ, dân nuôi tằm chỉ thu về được 12 vụ, 6 vụ thất bát, tằm hư hoặc kén mỏng tơ. Ông Thọ lý giải: “Trung Quốc là quốc gia cung cấp giống tằm lớn cho Việt Nam. Trứng tằm tốt nhất là trứng đen, loại trứng đã ngủ đông đủ sâu. Loại kém nhất là trứng trắng. Trứng đen sau khi bán cho các vùng nuôi tằm lớn của Trung Quốc còn dư mới sang Việt Nam vào thời điểm mùa thu. Đây là lúc Việt Nam có được nguồn trứng tốt. Nhưng mùa đông, Trung Quốc không có đủ trứng đen cho Việt Nam. Lúc này những cơ sở trứng tằm Trung Quốc sẽ lấy trứng trắng xử lý axit xuất bán. Đối với loại trứng này, chất lượng kén, tơ giảm hẳn. Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam tổng kết rồi, dùng loại trứng này, nông dân chắc chắn có 6 vụ tằm kén không đạt yêu cầu”. Những than phiền Ông Nguyễn Đức Dũng, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, nhìn nhận thực trạng giống tằm nhập vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch, không qua kiểm dịch, các cơ sở cung ứng không được trang bị hệ thống kho lạnh bảo quản trứng nên chất lượng trứng không ổn định. “Phải thừa nhận ngành tơ tằm đang lệ thuộc rất sâu thì mới có thể áp dụng giải pháp đúng. Về ngắn hạn, Nhà nước phải tìm hiểu bộ gen giống tằm nông dân đang dùng đại trà, tổ chức nhập chính ngạch có kế hoạch và giám sát kỹ chất lượng để đảm bảo sản xuất. Về lâu dài, phải hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để sản xuất giống gốc, giống cấp 1 và tổ chức khảo nghiệm để chọn ra giống tằm phù hợp, cho chất lượng kén và tơ tốt” - ông đề nghị. “Ở Việt Nam có hai trung tâm tại Hà Nội và Lâm Đồng được giao chức năng phát triển giống tằm. Hai trung tâm này có 40 giống gốc. Giống gốc là giống để lai tạo thành giống cấp 1, từ đó tạo ra giống thương phẩm cấp 2 mà nông dân dùng để sản xuất kén tằm. Đến nay Nhà nước không cấp kinh phí cho các cơ sở để phát triển giống nên bộ giống do Việt Nam nhập nội và nghiên cứu thoái hóa và có nguy cơ hư hại” - ông Thọ cho biết. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tằm tơ than phiền về việc Nhà nước đang thả nổi quản lý giống tằm, không có những động tác can thiệp để giám sát chất lượng giống tằm và nguồn gen. Điều nguy hiểm nhất là nguồn giống được nhập từ chính một đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường tằm tơ thế giới - Trung Quốc. ■ Có thể dựa vào một nước khác về nhiều thứ để phát triển sản phẩm trong nước nhưng không được lệ thuộc nguồn giống, đặc biệt là lệ thuộc đối thủ. Nguồn giống tằm kém chất lượng đổ vào Việt Nam chỉ trong vòng một tháng hoặc lâu hơn chút ít, hậu quả xấu sẽ xảy ra ngay. Kén tằm sẽ khan hiếm, giá kén đội cao, giá sản phẩm tơ lụa đội cao hơn mức đối tác mong muốn, quốc gia lệ thuộc sẽ thua cuộc, mất hợp đồng, mất thị trường và mất cả một ngành nghề. Nếu nơi xuất giống ngưng cấp giống kén tằm trong thời gian ngắn, sự hỗn loạn trong sản xuất tơ tằm sẽ xảy ra ngay tức khắc. Ông Fei Jiangming (tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới) Tags: Lụa ViệtCon tằmTằm tơĐiểm yếu con tằm
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro BÔNG MAI 25/11/2024 Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có rủi ro tiềm ẩn mà khách hàng cần cẩn trọng.