Hồng Phúc thường xuyên tham gia các dự án, các hoạt động hỗ trợ trẻ em - Ảnh: NVCC
Tiếp cận 10 em, có 2-3 em thay đổi là mừng lắm rồi. Giúp được em nào hay em đó. Nhiều đứa đã ở con đường cùng, gia đình chối bỏ, giấy tờ không có, không có ai giúp đỡ các em sẽ về đâu?
NGUYỄN HỒNG PHÚC
Giờ này nhiều đứa đã đứng tha thẩn các lối đi dọc công viên tìm khách, vài đứa tranh thủ xì xụp ăn tô hủ tiếu từ cái xe đẩy quen thuộc ở một lối vào, vài đứa khác ngồi "bắn cá" chéo chéo trong tiệm game.
Bạn của những đứa trẻ lang bạt
Phúc là nhân viên xã hội của một tổ chức phi lợi nhuận, chuyên hỗ trợ trẻ vị thành niên sống trên đường phố.
Anh vẫy tay với vài đứa, vỗ vai vài đứa khác. Đứa nào cũng toét miệng cười đáp lại. Những gương mặt đen nhẻm với những bộ đồ nhàu nhĩ, xộc xệch. Đám trẻ có vẻ đã quá quen thuộc với Phúc. Vài đứa đứng từ xa trông thấy đã réo gọi: "Anh Phúc, anh Phúc..." .
Phúc bước vào tiệm game, nơi Giang và My đang ngồi dựa vào nhau cạnh một bàn bắn cá. "Ra công viên ăn hủ tiếu anh nói chuyện chút" - Phúc vẫy hai đứa. Cả hai lững thững theo anh băng qua đường, đứa nào cũng ho sù sụ.
My kể mấy bữa nay hai đứa mới bắt đầu uống thuốc ARV (điều trị HIV) nhờ được anh Phúc dẫn đi xét nghiệm và làm thủ tục nhận thuốc, chưa quen thuốc nên trong người rất mệt. My nhìn sang Giang đang như con mèo ốm chẳng còn hơi sức, khó khăn nuốt từng cọng bánh canh: "Nó yếu lắm, có bữa em tưởng mang nó đi chôn rồi chứ".
Hai đứa nhận là vợ chồng dù chẳng có hôn thú. "Nhỏ lớn tới giờ em sống ở đây, đâu có giấy tờ gì đâu. Xưa em cũng ở với mẹ với cha dượng. Rồi ổng đuổi mẹ con em đi, hộ khẩu thì ổng đốt hết" - My kể chuyện không đầu, không cuối.
Rất khó để biết câu chuyện thực sự của đám trẻ này. Giang trả lời câu hỏi "đang làm gì để sống" của tôi là "em đi bán nước đá". Giang và My kể chuyện một đứa trẻ nào đó mới bị "hốt đi trường" như thể chuyện thường ngày. Ở đây nhiều đứa không ít lần "vào trường ra trại" rồi lại quay về cuộc sống đường phố.
Bản thân My trước đó cũng từng vào một trại cải tạo. Cuối buổi gặp, Phúc hỏi Giang có muốn về quê thì anh sẽ giúp nhưng Giang lắc đầu. My bảo: "Bữa nó dẫn em về quê mà má nó không chịu, kêu em đi. Thế là nó đi theo em". Phúc động viên: "Bây giờ lo uống thuốc, ăn uống cho khỏe lại trước đã. Khỏe rồi anh tìm việc cho làm".
Hồng Phúc trò chuyện với những đứa trẻ đường phố ở công viên - Ảnh: VŨ THỦY
13 tuổi vào lớp 1
My, Giang chính là hình ảnh của Phúc mười mấy năm trước. Anh cũng từng là một hạt bụi như chúng, nhỏ bé chẳng ai quan tâm. Giống như Giang và My, hồi nhỏ nhà của Phúc có tên là "công viên", cậu lang bạt từ công viên 23-9 đến công viên Tao Đàn...
Mẹ Phúc mang thai nhưng không được cha và gia đình nhà nội thừa nhận nên bỏ đi sống lang thang. Cậu sinh ra mà không một mảnh giấy tờ tùy thân, không có giấy khai sinh. Phúc được 4 tháng tuổi, còn ẵm ngửa thì mẹ mất, cậu tiếp tục cuộc mưu sinh trên đường phố với bà ngoại, làm đủ nghề từ đánh giày đến bán vé số...
Phúc không nhớ lần đầu đã gặp các tình nguyện viên, các thầy cô của mái ấm Thảo Đàn, một tổ chức xã hội giúp đỡ, bảo vệ trẻ đường phố, từ bao giờ. Chỉ nhớ là có nhiều anh chị đã đến nói chuyện, hỏi han, muốn cậu đi học. Nhưng Phúc cứ mải miết di chuyển khắp trung tâm TP, nay ngủ chỗ này, mai ngủ chỗ khác.
Các anh chị vẫn cố gắng "theo dấu" Phúc. 13 tuổi Phúc mới vào lớp 1 sau một thời gian rất dài các anh chị ở Thảo Đàn tìm gặp, trò chuyện. "Thảo Đàn chia làm nhiều nhà, khu trung chuyển, nhà An toàn dành cho trẻ học văn hóa, nhà Hi vọng dành cho trẻ nhiễm HIV, học nghề.
Lúc đó các thầy cô đưa tôi về ở nhà Hi vọng nuôi ăn học" - Phúc kể. Một đứa trẻ quá tuổi, không giấy tờ như Phúc không thể vào học ở các ngôi trường bình thường, các anh chị đưa Phúc vào học lớp tình thương.
"Trầy vi tróc vảy rồi tôi cũng học hết tiểu học, được các thầy cô, các anh chị trong Thảo Đàn làm giấy khai sinh để thi tốt nghiệp và chuyển tiếp lên học cấp II, được bảo lãnh vào học cấp III hệ giáo dục thường xuyên" - Phúc kể.
Ngày đó ở cái tuổi nổi loạn, Phúc cũng không ít lần đánh lộn, bỏ học, bỏ nhà An toàn quay lại công viên để "thầy cô phải xách xe đi tìm". Tìm được Phúc đang ngủ ở góc công viên, thầy cô hết khuyên nhủ lại dỗ dành để Phúc về lại nhà.
Lúc Phúc học cấp II, các anh chị cho Phúc đi học thêm nghề điện, để đến khi 18 tuổi phải rời khỏi Thảo Đàn tự lập thì Phúc có một cái nghề lận lưng. Phúc cũng nỗ lực, kiên trì lắm. Học hết cấp III, rời khỏi Thảo Đàn anh thi vào trung cấp ĐH Nông nghiệp, vừa học vừa đi phụ làm điện kiếm tiền học và trang trải cuộc sống.
Hồng Phúc hòa mình với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: NVCC
Dang tay yêu thương
Giờ Phúc là nhân viên công tác xã hội, nơi chốn anh đến nhiều nhất vẫn là công viên để giúp đỡ những "hạt bụi" như anh ngày trước.
"Nhiều hoàn cảnh lắm. Đứa thì nhà nghèo, từ quê lên kiếm việc làm bị trung tâm môi giới lừa lọc, bị chỗ làm không trả lương, giấy tờ thì cò giữ, đứa thì cha mẹ mắc nợ, gia đình không quan tâm, đứa bị cha dượng lạm dụng tình dục không dám quay về, đứa là trẻ mồ côi, lang thang..." - Phúc kể về những đứa trẻ trong các dự án xã hội của mình như kể về chính Phúc.
Sinh ra và lớn lên trên đường phố, cũng trầy trật mưu sinh với bao nhiêu cạm bẫy, nguy hiểm rình rập dưới ánh nhìn đầy dè chừng, e sợ của mọi người, Phúc đã thay đổi cuộc đời nhờ các anh chị ở Thảo Đàn dang đôi tay giúp đỡ.
Tâm huyết với hoạt động xã hội
Nhận thấy mình có tâm huyết với các hoạt động xã hội, Phúc quyết tâm vừa đi làm vừa đăng ký học bốn năm hệ đào tạo từ xa ngành công tác xã hội ĐH Mở. Đến giờ anh đã có bốn năm tham gia các dự án trẻ em đường phố, đang phụ trách một dự án liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái hành nghề mại dâm và một dự án dành cho thanh thiếu niên sử dụng ma túy đá, vận động chính sách cho thanh thiếu niên đường phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận