20/07/2018 15:38 GMT+7

Điểm tựa đứng lên: Hành trình tới Mỹ của cô bé mồ côi

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Từ một cô bé mồ côi đang sống với bà nội già yếu ở miền quê nghèo, Lê Thị Vân Anh (22 tuổi, quê Nghệ An) đã trở thành sinh viên Đại học Houston (Texas, Mỹ).

Điểm tựa đứng lên: Hành trình tới Mỹ của cô bé mồ côi - Ảnh 1.

Vân Anh nhận bằng cao đẳng cộng đồng tại Mỹ - Ảnh: NVCC

Đó là nhờ sự cưu mang của thầy Nguyễn Thế Vinh - ông thầy nghiêm khắc của Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (thị xã Bến Cát, Bình Dương).

Đường đến đại học

Hành trình của Vân Anh bắt đầu từ một ngày hè năm lớp 12, cô bé được một người bác đưa từ Nghệ An vào Hướng Dương - nơi rất nhiều cô cậu học trò nghèo khác đang được nuôi dưỡng và tiếp tục con đường học hành.

Đến ngôi trường Hướng Dương vào một ngày tháng 6, tôi thấy thầy Vinh và một cậu học trò nhỏ đang lụi hụi sửa lại chiếc ôtô cũ mà thầy tự lái để lo công việc cho trường. 

Bao nhiêu năm nay người thầy khuyết tật vẫn đứng lớp dạy cho học trò nghèo, cùng học trò đóng bàn ghế, sửa chữa mọi hư hỏng trong trường chỉ với một cánh tay còn nguyên vẹn. 

Thầy bảo Vân Anh mới báo tin cô đã được nhận vào Trường đại học Houston với kết quả rất tốt. sau hai năm học ở Cao đẳng cộng đồng San Jacinto (bang Texas, Mỹ). "Em báo điểm GPA đạt 3.88/4, đang chuẩn bị thủ tục để nhập học vào tháng 8" - thầy Vinh kể.

Vân Anh là cô học trò mà thầy Vinh rất tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng, vì cô bé "vừa có sức học vừa biết quan tâm, giúp đỡ người khác". Thầy vẫn nhớ ngày đầu tiên đến nhà Vân Anh ở Nam Đàn, Nghệ An lúc em đang nhổ đậu phộng, quần áo lấm lem đất cát chạy về gặp thầy. 

"Tôi đã đọc một bài báo nói về hoàn cảnh của Vân Anh lúc em sắp vào lớp 10. Cha mẹ mất sớm vì bệnh ung thư, hai chị em ở với bà nội đã gần 80 tuổi và Vân Anh học rất giỏi. Lúc đó tôi viết thư kèm theo mấy mẫu hồ sơ để hướng dẫn em đến Hướng Dương nhưng không thấy hồi âm" - thầy Vinh kể.

Một năm sau có dịp ra Hà Nội, thầy tranh thủ ghé vào nhà em. "Vân Anh nhận ra tôi ngay. Em đã xem chương trình giao lưu với Nick Vujicic có tôi tham gia, nên cũng có chút tin tưởng. Nhưng lúc đó vì thương bà, thương em, ở nhà có thể làm lụng phụ giúp, Vân Anh chưa muốn đi xa. Mãi đến hè trước năm lớp 12, bác của Vân Anh mới gọi điện để xin cho em vào trường" - thầy Vinh nhớ lại.

Trong suy nghĩ của thầy Vinh, Vân Anh là cô bé mà nếu thành công,em có thể giúp đỡ được nhiều người hoàn cảnh giống mình sau này. Vậy nên thầy cố gắng gửi gắm em cho một gia đình họ hàng xa của thầy ở Houston. 

"Vân Anh có được chỗ ở, được một số mạnh thường quân biết đến mái ấm Hướng Dương hỗ trợ một phần chi phí, nhưng phải nỗ lực để mỗi năm giành được các học bổng ở trường để tự trang trải. Hai năm qua, Vân Anh đã làm rất tốt" - thầy Vinh nói.

Điểm tựa đứng lên: Hành trình tới Mỹ của cô bé mồ côi - Ảnh 2.

Vân Anh chuẩn bị vào ĐH Houston - Ảnh: NVCC

Vừa là thầy, vừa là cha

Những ngày này ở Mỹ, Vân Anh vừa kết thúc chuỗi ngày vừa học thi vừa làm công việc thiện nguyện ở các bệnh viện. Từ thứ hai đến thứ sáu, em đều đến bệnh viện làm từ sáng tới 8h-9h tối.

"Nhà có 3 bà cháu, bà nội em năm nay đã hơn 90 tuổi. Vì bà nội già yếu,  em đã tính nghỉ học đi làm để em trai được đi học. Thế nhưng cả hai chị em được đến Hướng Dương, được nuôi ăn học là may mắn lớn nhất cuộc đời em" - Vân Anh kể.

Lứa học cùng với Vân Anh ở Hướng Dương đều đậu đại học, đi Úc, đi Nhật. Vân Anh cũng rời Hướng Dương bắt đầu hành trình học tiếng Anh để sang Mỹ học ngành dược. 

Hồi mới vào Hướng Dương, Vân Anh là đứa trẻ quê mùa, nói giọng Nghệ An chẳng ai nghe được, đi học ở trường cũng rất tự ti. "Nhưng thầy Vinh luôn động viên em cứ tự tin, dần sẽ quen" - Vân Anh kể.

Điểm tựa đứng lên: Hành trình tới Mỹ của cô bé mồ côi - Ảnh 3.

Vân Anh (bìa trái) và thầy Nguyễn Thế Vinh (ôm đàn) trên sân khấu chương trình Góp lá mùa xuân gây quỹ cho mái ấm Hướng Dương tại Houston (Mỹ) tháng 4-2018 - Ảnh: NVCC

Vốn tiếng Anh trường làng khiến Vân Anh trầy trật. Tám tháng được thầy Vinh đưa đi "luyện" ở Sài Gòn, em học ngày học đêm, luyện nghe, luyện nói liên tục để đủ IELTS 6.0 đáp ứng điều kiện nhập học. 

Tuy nhiên, đến khi bước chân sang Mỹ, cô bé mới thực sự chịu áp lực kinh khủng khi "nghe người ta nói mà không hiểu gì cả". Mất hơn một năm em mới thực sự nhuần nhuyễn tiếng Anh, nhưng vẫn cố gắng lắm mới theo kịp chương trình học.

Năm học sau đó, Vân Anh thậm chí tham gia chương trình tutor program - kèm cặp cho các sinh viên khác trong trường. Phần lớn thời gian trống,em đều đăng ký tham gia các hoạt động thiện nguyện tại bệnh viện. Điều đó cũng giúp hồ sơ xét tuyển của em vào ngành hóa bậc đại học nhận được nhiều thiện cảm. 

"Ba mẹ em đều mất vì ung thư. Em muốn học ngành y để làm bác sĩ nhưng em thấy mình học môn hóa tốt hơn", Vân Anh nói.

Thời gian ở mái nhà Hướng Dương không lâu, nhưng là nơi Vân Anh học hỏi được nhiều điều từ thầy Vinh, không chỉ là chuyện học hành mà còn cả cách ăn uống, nói năng, suy nghĩ cho người khác và quyết tâm theo đuổi điều mình mong muốn. 

"Với em, thầy vừa là người thầy, vừa là người cha. Những lúc khó khăn, em tự nhủ thầy chỉ có một tay mà làm được rất nhiều điều cho mọi người, em có đủ đôi tay thì tại sao mình không làm được" - Vân Anh chia sẻ.

Cho các em một điểm tựa

Vân Anh ở Mỹ hay các bạn khác ở Úc, Nhật hầu như ngày nào cũng nhắn tin, gọi điện cho thầy Vinh. Trong máy của thầy, đầy ắp tin nhắn của học trò, của Vân Anh, Xuyên, Luận...

Các em nhắn: "Con đậu vào Toyota rồi thầy ơi", "Năm sau con đi làm ở Mazda. Chắc là con chuyển xuống Hiroshima. Con mới biết kết quả nên hôm nay mới báo thầy"...

Thầy Vinh chia sẻ: "Tất cả vẫn là nỗ lực của bản thân các em. Tôi chỉ cho các em một điểm tựa để các em vượt qua được những khó khăn ở tuổi mới lớn".

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên