* Xem nhanh điểm thi, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 tại đây
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 6/9 môn thi có điểm trung bình tăng nhẹ. Các môn còn lại giảm không đáng kể.
Bất ngờ ở một số môn
Môn toán vốn được nhiều thầy cô giáo nhận xét là khó hơn năm trước, thậm chí có những câu hỏi rất khó, mang tính "đánh đố" nếu không luyện thi ở ngoài nhà trường, thí sinh khó làm được. Điều này cũng thể hiện ở việc số điểm giỏi ít, không có điểm 10 môn toán nào. Tuy nhiên, điểm trung bình vẫn cao hơn năm trước, điểm thí sinh đạt nhiều nhất là 7, 6 cũng tương đương năm trước.
Môn văn được nhiều thí sinh nhận định là "dễ thở" nên điểm thi cũng tăng rõ rệt hơn. Số điểm thí sinh đạt nhiều nhất là 8 - tăng 1 điểm so với năm trước. Tuy chỉ có hai bài điểm 10, nhưng số điểm 9 trở lên khá nhiều.
Môn vật lý, tương tự môn toán, tuy được đánh giá là nhóm câu hỏi phân hóa khó hơn năm trước nhưng điểm trung bình cao hơn, số điểm thí sinh đạt được nhiều nhất là 8 - tăng 0,5 so với năm trước. Tuy vậy, số điểm 9-10 giảm rõ rệt, chỉ có 55 bài điểm 10 trong khi năm trước là 70.
Môn hóa là môn đáng chú ý năm nay khi là một trong ba môn thi có điểm trung bình giảm so với năm trước, nhưng điểm 10 lại tăng đột biến với 1.278 bài. Trong nhóm môn khoa học tự nhiên, môn sinh học là môn giảm đều ở cả mức điểm trung bình và số bài điểm giỏi.
Nhóm các môn xã hội thể hiện sự lạc quan rõ rệt. Môn lịch sử không còn "đội sổ" như các năm trước về số lượng bài thi dưới điểm trung bình với trên 92.000 bài thi, xếp sau môn ngoại ngữ (trên 386.800 bài) và toán (gần 183.000 bài).
Số điểm 10 ở môn lịch sử, giáo dục công dân tuy giảm hơn năm 2023 nhưng vẫn cao với 789 bài lịch sử và 3.661 bài giáo dục công dân. Địa lý là môn thi tăng đột biến số điểm 10 với 3.175 bài (năm 2023 chỉ có 35 bài).
Môn ngoại ngữ vẫn là môn có phổ điểm xấu trong số các môn thi năm nay, thể hiện rõ hiện trạng năng lực ngoại ngữ ở các nhóm khác nhau. Tuy mức điểm trung bình có cải thiện, nhưng đây vẫn là môn có điểm trung bình thấp nhất và là môn có số học sinh đạt điểm dưới trung bình cao nhất.
Nhận xét về điểm thi năm nay, ông Phạm Hồng Quang, chủ tịch hội đồng Đại học Thái Nguyên, cho rằng phổ điểm đã có độ chụm về học vấn phổ thông thể hiện ở các môn, độ chênh lệch vùng miền không còn nhiều như trước. Ông Nguyễn Đức Sơn, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá phổ điểm môn lịch sử có sự phân bố rất tốt.
Ông Nguyễn Đình Đức, chủ tịch hội đồng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng về cơ bản, nhìn từ kết quả thi có thể thấy ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 giữ ổn định. Đặc biệt số thí sinh có điểm dưới mức trung bình đã được cải thiện rõ rệt.
Điểm chuẩn tăng không đáng kể
Theo dữ liệu của Bộ GD-ĐT, ở các tổ hợp xét tuyển truyền thống, mức xê dịch của điểm trung bình tăng không nhiều. Duy chỉ có tổ hợp C00 có biến động rõ rệt hơn khi mức điểm trung bình tăng 1,98 điểm. Các tổ hợp khác tăng từ 0,2 - 0,6 điểm.
Trong khi đó, mức điểm cao nhất của các tổ hợp truyền thống đều giảm nhẹ và không có tổ hợp nào có mức điểm tuyệt đối là 30 điểm.
Với dữ liệu phân tích này, các chuyên gia nhận định điểm chuẩn xét tuyển đại học có thể chỉ tăng rõ rệt với tổ hợp C00. Ngoài ra, các tổ hợp có môn văn, theo một số chuyên gia, có thể cũng sẽ tăng rõ rệt. Theo đánh giá của một số giáo viên của hệ thống HOCMAI thì ngoài tổ hợp C00, các tổ hợp D01 (toán, văn, ngoại ngữ) hay C03 (toán, văn, sử) có thể điểm chuẩn sẽ nhích lên.
Theo ông Nguyễn Phong Điền, phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, ở nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, điểm chuẩn sẽ ổn định. "Trong các tổ hợp xét tuyển thì có môn tăng, có môn giảm nên về căn bản sẽ ổn định như năm 2023", ông Điền nhận định.
Tuy nhiên trên thực tế, điểm chuẩn còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố và tùy theo các nhóm ngành khác nhau. Năm 2023, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có năm lĩnh vực đào tạo ghi nhận có tỉ lệ thí sinh chọn nhiều nhất là kinh doanh và quản lý, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, nhân văn và sức khỏe.
Ở nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin vẫn được xem là nhóm ngành đứng đầu về điểm chuẩn. Các ngành thuộc nhóm kinh tế, luật, sư phạm, y dược, báo chí - truyền thông, tâm lý học của nhóm xã hội - nhân văn sẽ vẫn là các ngành có sức hút. Vì thế, điểm chuẩn những ngành này sẽ luôn có cách biệt so với các ngành khác cùng lĩnh vực.
Bà Đặng Thị Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho hay điểm thi các môn thuộc các tổ hợp xét tuyển vào lĩnh vực nhân văn nhích cao hơn (trừ môn giáo dục công dân). Điều này khiến nhiều người hình dung điểm chuẩn nhóm nhân văn sẽ cao.
Nhưng với Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, tổng chỉ tiêu năm nay tăng 115% so với năm 2023. Trong đó, các ngành đang có sức hút như báo chí, tâm lý học và quốc tế học, trường dành chỉ tiêu vượt tới 130%.
Trong sáu phương thức xét tuyển, trường dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, điểm chuẩn cơ bản giữ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ so với năm 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y Dược TP.HCM, nhận định phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay không chênh lệch nhiều so với năm 2023. "Đa phần các ngành trường chúng tôi năm nay xét tuyển hai khối A00 và B01, trong đó có ba ngành chỉ tuyển khối B00 là y khoa, răng hàm mặt và y học cổ truyền. Nhìn vào tổng thể các ngành xét tuyển, cả hai khối điểm không chênh lệch nhiều nên điểm chuẩn dự kiến sẽ biến động không đáng kể", ông Khôi dự đoán.
Theo ông Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tuy số điểm 10 ở các môn thi ít hơn năm 2023 nhưng số thí sinh có điểm cao (trên 8 điểm) năm nay nhiều hơn năm ngoái. Đặc biệt là môn hóa và địa lý, số điểm 10 nhiều hơn so với những năm trước. Do đó, dự báo điểm chuẩn ở các tổ hợp A00, A01, B00, C00, D01, D07 nhiều khả năng sẽ nhích nhẹ so với năm 2023.
"Năm 2024, Trường đại học Kinh tế - Luật xét tuyển bốn tổ hợp A00, A01, D01, D07 cho 15 ngành, 2.600 chỉ tiêu. Dự kiến điểm chuẩn sẽ tương đương năm 2023, tăng nhẹ một ít ở các ngành "hot" như kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, kinh tế quốc tế, marketing. Dự kiến mức điểm sàn nhận hồ sơ vào trường sẽ từ 20 - 21 điểm", ông Tiến chia sẻ.
Vĩnh Phúc tiếp tục đứng đầu, TP.HCM thứ 20
Thống kê trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy học sinh tỉnh Vĩnh Phúc đứng đầu với 7,46 điểm. Đây là năm thứ hai liên tiếp Vĩnh Phúc có điểm thi trung bình cao nhất nước. Nam Định xếp thứ hai với 7,37 điểm, Ninh Bình xếp thứ ba, đẩy Bình Dương xuống vị trí thứ tư năm nay (Bình Dương xếp vị trí thứ hai năm 2023).
Các tỉnh thành còn lại trong top 10 là Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Phú Thọ và Hà Nam. An Giang là tỉnh phía Nam duy nhất lọt vào top 10. Đáng chú ý là TP.HCM từ vị trí 11 năm trước đã rớt đến 9 bậc, xếp thứ 20 năm nay. Trong khi đó, Nghệ An tăng 8 bậc.
Mời tham dự ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học 2024
Trước 10 ngày thí sinh phải chốt nguyện vọng xét tuyển đại học, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học.
Ngày hội diễn ra vào ngày 20-7 (thứ bảy), đồng thời tại TP.HCM (Trường đại học Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, quận 10) và Hà Nội (Đại học Bách khoa Hà Nội, quận Hai Bà Trưng).
Đây sẽ là cơ hội để các chuyên gia từ Vụ Giáo dục đại học và các chuyên gia tuyển sinh tư vấn cặn kẽ, trực tiếp cho thí sinh cách lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng tối ưu vào trường, ngành phù hợp trước khi chốt nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Tại mỗi ngày hội còn có hơn 150 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các đơn vị giáo dục sẵn sàng trực tiếp gỡ rối cho phụ huynh, học sinh trong việc chọn ngành, chọn trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận