14/07/2018 09:56 GMT+7

Điểm thi thấp, chất lượng tuyển sinh 2018 ra sao?

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Nhiều người lo điểm thi năm nay thấp, kéo theo điểm chuẩn dự kiến cũng sẽ giảm, ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh.

Điểm thi thấp, chất lượng tuyển sinh 2018 ra sao? - Ảnh 1.

Thí sinh thoải mái ra về sau kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018. Theo thống kê, trung bình của tổng điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống không thấp hơn so với năm 2017 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước băn khoăn này, PGS.TS Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết: 

- Căn cứ vào phổ điểm của các thí sinh đăng ký xét tuyển đại học thì thấy tổng điểm theo các khối thi năm nay có độ phân hóa tốt hơn so với năm 2017. 

Số lượng điểm 9, 10 có giảm nhưng điểm trung bình của tổng điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống không thấp hơn so với năm 2017.

Ví dụ điểm trung bình của các tổ hợp truyền thống (A00: toán - lý - hóa, B00: toán - hóa - sinh, C00: ngữ văn - lịch sử - địa lý, D01: toán - văn - ngoại ngữ...) đều cao hơn 15 điểm.

Nguyên tắc xét tuyển đại học là xét tuyển từ thí sinh có điểm cao xuống dưới cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì vậy, các trường yên tâm về nguồn tuyển và khả năng lựa chọn được các thí sinh có chất lượng tốt nhất trong số các em đã đăng ký nguyện vọng (NV) vào trường.

* Nhiều trường đang lo biến động sau khi có kết quả thi, ảnh hưởng đến nguồn tuyển. Nhìn lại mùa tuyển sinh năm 2017, diễn biến này như thế nào, thưa ông?

- Việc nhiều trường dù có số lượng NV đăng ký cao nhưng cũng rất lo lắng biến động NV sau khi có kết quả thi, ảnh hưởng đến nguồn tuyển là có cơ sở vì thí sinh có quyền thay đổi thứ tự và số lượng NV.

Mặt khác, số lượng NV xét tuyển chưa phản ánh được đầy đủ thông tin về nguồn tuyển vì còn phụ thuộc vào số lượng NV cao (NV1, NV2) đăng ký nhiều hay ít. Theo thống kê đã nêu ở trên, số lượng thí sinh trúng tuyển ngay ở NV1, NV2 là rất lớn.

Vì vậy, quan trọng là các trường phải có những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm ngay sau khi ra trường, minh bạch các thông tin tuyển sinh và đào tạo trong đề án tuyển sinh, tăng cường công tác truyền thông để thí sinh có đầy đủ thông tin, yên tâm với lựa chọn của mình ngay từ khi thí sinh đăng ký xét tuyển.

Tính đến nay, thí sinh có số lượng NV đăng ký nhiều nhất là 50. Thí sinh đăng ký từ 10 NV trở lên là 31.433 (chiếm 4,57%), thí sinh đăng ký từ 20 NV trở lên là 932 (0,14%). Bình quân một thí sinh đăng ký khoảng 4 NV xét tuyển, tương tự như năm 2017. Thực tế việc đăng ký nhiều NV không phải giải pháp tối ưu"

PGS.TS Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học

* Năm nay nhiều thí sinh đăng ký 10-20, thậm chí 50 NV. Theo ông, việc đăng ký quá nhiều NV có lợi hay không?

- Từ thống kê năm 2017 cho thấy có đến 39,13% thí sinh trúng tuyển ngay NV1, 80,4% trúng tuyển trong NV1-3, 0,5% thí sinh trúng tuyển từ NV thứ 10 trở đi. Chỉ có 2 thí sinh trúng tuyển ở NV thứ 21.

Việc xác định số lượng NV đăng ký xét tuyển tùy thuộc vào năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp của các thí sinh. Tuy nhiên, nếu đăng ký quá nhiều NV cũng không phải là phương án tối ưu. 

pgs tran anh tuan

PGS.TS Trần Anh Tuấn - Ảnh: Nam Trần

Nên chăng, thí sinh đăng ký NV thành 3 nhóm: nhóm NV cao hơn năng lực của mình, nhóm NV ngang bằng với thực lực và nhóm NV thấp hơn.

* Ông có lời khuyên gì dành cho thí sinh khi thực hiện việc thay đổi NV để đạt hiệu quả nhất?

- Quyền điều chỉnh thứ tự và số lượng NV sau khi biết kết quả thi là một lợi thế rất lớn giúp thí sinh đạt được NV của mình. Tuy nhiên có một số lưu ý:

+ Căn cứ vào điểm chuẩn những năm gần đây của các ngành học để làm căn cứ đăng ký xét tuyển số NV phù hợp với sở trường, yêu thích của thí sinh.

+ Lựa chọn các ngành học của cơ sở đào tạo có tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm cao.

+ Lựa chọn các trường có uy tín phù hợp với năng lực để đăng ký xét tuyển.

+ Một số yếu tố khác như vị trí của cơ sở đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... cũng là những thông tin cần thiết.

* Bộ GD-ĐT từng tuyên bố có thể sẽ lập danh sách điểm sàn của các trường như một cách đơn giản xếp hạng chất lượng đầu vào. Kế hoạch này liệu có được thực hiện không?

- Bộ GD-ĐT sẽ công bố công khai danh sách những trường có điểm sàn quá thấp, chất lượng đào tạo không tương xứng với những thông tin đã công bố. Việc công khai danh sách này hoàn toàn không can thiệp gì vào quyền tự chủ của các trường, nhưng giúp thí sinh có thêm kênh thông tin tin cậy, đầy đủ để nhận diện thương hiệu các trường.

Ngoài ra, với các trường này, bộ sẽ tiến hành cảnh báo, thanh tra, kiểm tra tổng thể và toàn diện công tác tuyển sinh và cả quá trình đào tạo của trường. Như vậy, đối với các trường hạ thấp điểm sàn sẽ chịu tác động trực tiếp ngay tại mùa tuyển sinh năm 2018 và ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, chất lượng của nhà trường về lâu dài.

Những nguyên tắc

TTO - Ngày 19-7, thí sinh sẽ chính thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Với điểm thi của mình, nhiều thí sinh lo lắng khả năng trúng tuyển, phân vân chưa biết điều chỉnh thế nào.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên