Công bố điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ 2013
Phóng to |
Các thí sinh xem kết quả điểm thi ĐH tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Với điểm sàn này, số thí sinh đạt điểm trên sàn ở khối A đạt khoảng 150% so với chỉ tiêu tuyển sinh, số thí sinh trên sàn khối A1 là hơn 170% chỉ tiêu. Tỉ lệ này ở khối B là 310%, khối C là gần 130%, khối D là 150%.
Với bậc CĐ, điểm sàn ở tất cả các khối đều thấp hơn điểm sàn ĐH 3 điểm, riêng khối D thấp hơn 3,5 điểm.
Đề thi cứu bộ không hạ sàn?
“Không phải cứ trên sàn là vào đại học” “Điểm sàn năm nay xác định trên phổ điểm của thí sinh chứ không xác định trên chỉ tiêu như mọi năm. Do vậy thí sinh có thể dư với chỉ tiêu hoặc có thể thấp hơn chỉ tiêu, tùy thuộc chất lượng thí sinh hằng năm. Theo đó, các trường có thể tuyển đủ hoặc không đủ thí sinh theo chỉ tiêu đăng ký. Như vậy, không phải tất cả thí sinh trên điểm sàn là đều được vào học, các trường sẽ tuyển từ trên xuống dưới. Điểm sàn là 13 nhưng các trường có thể tuyển thí sinh từ 18- 19 điểm vào học vì còn dư tới hơn 238.000 thí sinh không có chỗ học” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga. |
Tổng cộng chỉ tiêu ĐH là hơn 323.000 mà số thí sinh đạt điểm sàn trở lên, đủ điều kiện theo học ĐH lên đến hơn 562.000 thí sinh. So với năm 2012, số thí sinh đạt trên điểm sàn ĐH, có đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào các trường ĐH tăng thêm đến hơn 100.000 thí sinh.
Tuy nhiên, điểm sàn cũng không phải quá bất ngờ khi trước đó, Bộ GD-ĐT đã nhắc đến việc xem xét cách tính điểm sàn mới theo đỉnh phổ điểm và tính theo tổng điểm trung bình các môn thi tương ứng với từng khối thi.
Với những cách tính này, điểm sàn sẽ thấp hơn 2-4 điểm so với cách tính dựa vào chỉ tiêu trước đây. Song với kết quả điểm thi cao hơn hẳn của năm nay thì việc hạ sàn như một phương án đã được tính đến đã không xảy ra.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy điểm thi trung bình ở các khối đều tăng: điểm tăng cao nhất ở khối B và A với mức tăng thêm gần 3 điểm, khối C, khối A1 tăng khoảng 1,5 điểm, khối D tăng 0,8 điểm...
Tại cuộc họp báo công bố điểm sàn sáng 8-8, nhiều câu hỏi đặt ra với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc có hay không đề quá dễ để thí sinh đạt điểm cao, rồi sau đó bộ tiếp tục chọn lựa phương án điểm sàn bất ngờ không tăng để tương ứng với sự gia tăng điểm số thực tế, nhằm vớt vát tuyển sinh cho các trường ngoài công lập.
Điểm sàn thấp, bộ lọc cho thí sinh vào ĐH không cao có kéo chất lượng đào tạo xuống thấp hay chính là bước mở đường để tiến tới xét tuyển, bỏ thi ĐH sau này, hay đại loại đây là phương án giúp phổ cập ĐH, cứu các trường yếu tuyển đủ chỉ tiêu?
Đáp lại câu hỏi này, ông Bùi Anh Tuấn- vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, thành viên hội đồng điểm sàn - cho rằng “không nên đặt vấn đề điểm thi, điểm sàn cao hay thấp”, mà cần quan tâm đến “cách tiếp cận điểm sàn mới” vì “cứ suy diễn như vậy thì rất phức tạp”.
“Bộ tạo sân chơi chung cho các trường. Bộ không có trách nhiệm lo chỉ tiêu cụ thể cho từng trường, đấy là vấn đề của từng trường trong hành trình tạo thương hiệu cho chính mình”- ông Tuấn chia sẻ.
Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga giải đáp ngắn gọn: “Nói đề thi dễ hay khó chỉ có tính tương đối. Đề thi bao lâu nay vẫn nằm trong chương trình phổ thông, có điều đề thi năm nay mang tính ứng dụng nhiều hơn, thí sinh không nhất thiết phải học thuộc lòng quá nhiều như trước”.
Tuy nhiên, chính các giáo viên chấm thi năm nay thừa nhận hiếm khi nào đề thi toán lại có những câu hỏi rất dễ, thí sinh dưới trung bình cũng có thể làm được dễ dàng.
Không chỉ các trường tốp trên tăng điểm chuẩn, nhiều trường tốp giữa cũng bỏ lại mức điểm chuẩn 15-16 duy trì bấy lâu để tuyên bố mức đột phá mới: 18-20 điểm.
“Có vẻ như kết quả thi này được nâng lên trên nền tảng của một thứ đường hóa học ngọt ngào không thực chất. Chất lượng giáo dục không nằm trong tay ngành giáo dục, nhưng điểm thi hoàn toàn nằm ở ý chí của ngành là vì thế”- lãnh đạo một trường ĐH lớn chia sẻ.
Biểu đồ điểm sàn ĐH 2013. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại buổi họp báo công bố điểm sànẢ - nh: Nguyễn Khánh - Đồ họa: N.Khanh |
Thí sinh ảo quá nhiều
Thực tế, chủ trương cứu trường tư không phải là không dễ minh chứng. Một thành viên hội đồng điểm sàn cho biết trong cuộc họp hội đồng điểm sàn, lãnh đạo Bộ GD-ĐT không dưới ba lần nhắc các trường ĐH phải gọi đúng chỉ tiêu.
“Song làm sao gọi đúng chỉ tiêu được khi số lượng thí sinh ảo quá nhiều. Với khối B, trường tôi có khi phải gọi đến 400% chỉ tiêu, nhiều ngành ở nhiều khối thi khác, có thể thường xuyên phải gọi mức 200% để khi nhập học hao hụt vừa đủ yêu cầu” - thành viên này cho biết.
Những chuyên gia giáo dục trước đây vốn cho rằng đề thi ĐH mắc lỗi kỹ thuật lớn khi tổng điểm ba môn mà nhiều thí sinh đạt được nhất ở khối thi nhiều người dự thi nhất là khối A thường xuyên ở mức 5-7 điểm nay cũng dịu lòng trước phổ điểm đẹp bộ công bố.
“Phổ điểm hình chuông đã kéo đỉnh phổ về bên tay phải, thí sinh đạt điểm cao nhiều hơn, phù hợp với sức học thực tế của các em hơn”- TS Lê Viết Khuyến, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, chia sẻ.
Điều đáng nói phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố và các thông số biểu thị cho số dư, số đạt điểm trên sàn với phương án điểm sàn xác định cũng không hoàn toàn dựa vào tổng số thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm nay. Theo nguồn tin từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, phổ điểm mà bộ công bố hoàn toàn không có thí sinh đạt điểm 0, điểm liệt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề phiên họp điểm sàn, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng đúng là điểm cao, nhưng nếu để điểm sàn thấp hơn thì dựa trên số liệu bộ công bố sẽ thấy rõ nhiều trường sẽ chật vật về nguồn tuyển hơn cả các năm trước.
“Phải thấy rõ nhiều thí sinh trên sàn không chuyển sang trường khác để xét tuyển, nên số ảo trên sàn là không nhỏ. Chưa kể điểm thi cao lại càng ảo nhiều hơn khi các thí sinh giỏi tham gia cả 2-3 đợt thi đều đạt điểm cao, nhưng rốt cục các em cũng chỉ có một lựa chọn” - ông Nghĩa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận