Thí sinh làm bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại cụm thi tốt nghiệp do Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận tổ chức - Ảnh: Vũ Hồng |
Tại Bình Định, điểm thi cụm tốt nghiệp do Sở GD-ĐT chủ trì ở một vài môn, nhất là các môn tự luận, nhỉnh hơn so với cụm ĐH do Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì. Đặc biệt, ở cụm thi tốt nghiệp, số thí sinh bị điểm liệt rất ít, trong khi tại cụm ĐH, hàng trăm thí sinh bị điểm liệt ở các môn.
Ở môn toán, điểm bình quân của cụm ĐH là 4,92 và cụm tốt nghiệp là 3,6. Cụm ĐH có 118 thí sinh bị điểm liệt, cụm tốt nghiệp có 16 thí sinh.
Ở môn văn, điểm trung bình cụm ĐH là 5,2 và cụm tốt nghiệp là 4,8. Điểm bình quân môn lý ở cụm ĐH cao hơn, trong khi môn hóa lại thấp hơn cụm tốt nghiệp.
Ở môn sử, cụm tốt nghiệp có 386 thí sinh dự thi, có 316 thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, tức khoảng 82% thí sinh đạt điểm trung bình, không có thí sinh nào bị điểm liệt. Trong khi đó, ở cụm ĐH có 1.584 thí sinh nhưng chỉ có 331 thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, nghĩa là chỉ khoảng 20% thí sinh đạt điểm trung bình, và có đến 170 thí sinh bị điểm liệt. Điểm bình quân môn lịch sử ở cụm ĐH là 3,2, trong khi ở cụm tốt nghiệp là 5,6 điểm.
Một môn tự luận khác là địa lý, điểm thi ở cụm tốt nghiệp cũng cao hơn so với cụm ĐH. Điểm bình quân môn địa lý cụm ĐH chỉ là 4,8, trong khi ở cụm tốt nghiệp là 7,0. Môn địa cụm tốt nghiệp có 4.108 thí sinh dự thi và có đến 3.953 thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, chiếm hơn 96% số thí sinh, không có điểm liệt. Còn ở cụm ĐH có 3.018 thí sinh dự thi và kết quả chỉ có 1.414 thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên (chưa tới 50%) và có đến 12 thí sinh bị điểm liệt.
Tương tự, tại Sơn La, điểm cụm thi tốt nghiệp ở nhiều môn cao hơn cụm ĐH.
Ở môn toán, cụm ĐH có 2.272 thí sinh và có 6 thí sinh điểm liệt, điểm bình quân môn này là 3,5. Ở cụm tốt nghiệp, môn toán có 7.231 thí sinh dự thi, không có thí sinh nào bị điểm liệt và điểm trung bình là 4.
Với môn địa, cụm tốt nghiệp có điểm bình quân là 5,65 và cụm ĐH là 5,2.
Môn văn, lý, sinh cụm ĐH điểm cao hơn, trong khi điểm môn hóa lại thấp hơn cụm tốt nghiệp.
Ở môn hóa, cụm ĐH có 1.029 thí sinh dự thi, 415 thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên (chiếm 40%), trong khi ở cụm tốt nghiệp có 116 thí sinh dự thi và 93 thí sinh đạt điểm 5 trở lên (chiếm 80%).
Tại Quảng Ninh, điểm ở cụm tốt nghiệp cũng cao hơn hẳn cụm ĐH.
Ngoại trừ điểm toán, văn và ngoại ngữ cao hơn cụm tốt nghiệp, các môn còn lại của cụm ĐH đều có điểm trung bình thấp hơn cụm tốt nghiệp.
Ở môn vật lý, cụm tốt nghiệp có 304 thí sinh dự thi, 287 thí sinh đạt từ 5 điểm (chiếm 94%). Điểm bình quân môn này ở cụm tốt nghiệp là 6,3. Điểm bình quân môn lý ở cụm ĐH chỉ là 5,3. Cụm ĐH có 270 thí sinh dự thi môn này và chỉ có 179 thí sinh đạt 5 điểm trở lên.
Điểm bình quân môn hóa cụm tốt nghiệp là 5,9, cụm ĐH 5,2.
Ở môn sinh, điểm bình quân cụm ĐH là 4,45 trong khi điểm cụm tốt nghiệp là 5,7.
Ở môn địa, cụm ĐH có điểm trung bình 6,2, cụm tốt nghiệp là 6,4...
Tại tỉnh Quảng Nam, tình hình tương tự khi điểm một số môn tự luận ở cụm tốt nghiệp cao hơn hẳn cụm ĐH.
Ở môn lịch sử, cụm tốt nghiệp có 550 thí sinh dự thi, không có thí sinh bị điểm liệt và có 501 thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên, chiếm 91%. Cũng ở môn thi này, cụm ĐH có 1.857 thí sinh dự thi, có đến 42 thí sinh bị điểm liệt và chưa tới 30% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên.
Điểm bình quân môn sử cụm tốt nghiệp là 6,6 trong khi cụm ĐH chỉ có 3,5.
Tương tự, với môn địa lý, điểm trung bình ở cụm tốt nghiệp là 5,9 và ở cụm ĐH là 4,5.
Có cần 2 cụm thi? Năm nay, cụm thi ĐH được tổ chức ở tất cả các tỉnh thành thay vì chỉ tổ chức ở một số tỉnh, TP như năm 2015. Cũng chính từ thay đổi này, nhiều tỉnh tổ chức cụm thi địa phương năm 2015 đã quyết định chỉ tổ chức một loại cụm thi, cụm ĐH do trường ĐH chủ trì tại tỉnh, không tổ chức cụm tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Thí sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp sẽ dự thi chung với thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH. Nếu như kỳ thi THPT quốc gia 2015 chỉ có ba địa phương không tổ chức cụm địa phương là TP.HCM, Đà Nẵng và Bình Dương thì kỳ thi THPT quốc gia 2016, số địa phương không tổ chức cụm thi tốt nghiệp (do sở GD-ĐT chủ trì) tăng lên đáng kể, kể cả các tỉnh vùng sâu vùng xa. Năm 2016, các tỉnh thành chỉ tổ chức một loại cụm thi ĐH gồm: TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Phước, Bình Thuận, Tiền Giang, An Giang, Long An, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng không cần thiết phải tổ chức hai cụm thi song song như vậy. “Để đảm bảo khách quan và đánh giá đúng chất lượng thí sinh, chỉ nên tổ chức một loại cụm thi. Năm nay mỗi tỉnh đều có cụm thi, thí sinh thi đề thi chung như nhau, như vậy việc tổ chức hai loại cụm thi là không cần thiết, tránh sự nghi ngờ của xã hội về chất lượng thật sự của cụm thi tốt nghiệp. Đề thi giống nhau nhưng cách coi thi, chấm thi khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Tôi cho rằng không cần thiết phải tổ chức hai loại cụm thi. Tổ chức một cụm thi, thí sinh có thể bị thiệt, tỉ lệ rớt có thể sẽ cao hơn, thí sinh buồn, ngành giáo dục đau, nhưng qua đó mình thấy được chất lượng giáo dục của mình ở đâu, từ đó phấn đấu, thay đổi” - ông Dũng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận