09/10/2024 09:08 GMT+7

Điểm sáng ASEAN giữa bất ổn toàn cầu

Sáng 8-10, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến sân bay quốc tế Wattay của Lào để bắt đầu các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị liên quan.

Điểm sáng ASEAN giữa bất ổn toàn cầu - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN 2024 (ASEAN BIS) diễn ra ở Vientiane (Lào) vào chiều 8-10 - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Một trong những hoạt động điểm nhấn của ngày đầu tiên tại Lào là việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN 2024 (ASEAN BIS) với khoảng 800 đại biểu doanh nghiệp tham gia.

Doanh nghiệp cần "5 tiên phong"

Phát biểu tại ASEAN BIS 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dù tình hình thế giới đang rất khó khăn nhưng "chúng ta vẫn tự hào vì ASEAN vẫn độc lập, tự chủ, tự cường và là điểm sáng của tăng trưởng".

Nhận định tình hình vẫn còn rất nhiều thách thức, Thủ tướng kêu gọi giới doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN cùng thực hiện "5 tiên phong". Một là tiên phong về tự cường. Theo ông, một ASEAN tự cường không thể thiếu đội ngũ doanh nhân tự cường để chung tay giải quyết các vấn đề mà khu vực đang đối mặt như già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu.

Hai là tiên phong kết nối nền kinh tế, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, bao gồm kết nối mềm như xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm, chính sách và kết nối cứng về hạ tầng. Ba là doanh nghiệp phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nhất là áp dụng đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...

Bốn là tiên phong đột phá về các hạ tầng chiến lược, theo đó mỗi nước tiên phong trong phát triển hạ tầng từng quốc gia và kết nối với nhau. Năm là tiên phong trong hội nhập nội khối và thế giới.

Tại ASEAN BIS 2024, Thủ tướng cũng chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam: "Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Việt Nam vẫn kiên trì chính sách kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực chủ động hợp tác sâu rộng, hiệu quả trên thế giới".

Thủ tướng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tăng trưởng 6,82%. Ông kêu gọi các doanh nghiệp ASEAN hãy đến đầu tư ở Việt Nam vì chúng ta có môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm...

Điểm sáng ASEAN giữa bất ổn toàn cầu - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN 2024 tại Vientiane, Lào - Ảnh: ĐOÀn BẮC

Điểm sáng kinh tế toàn cầu

Trong một thế giới biến động khó lường như hiện nay, ASEAN với tổng dân số 675 triệu người vẫn được xem là điểm sáng kinh tế và cực tăng trưởng của toàn cầu. Hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với tổng GDP đạt 3.800 tỉ USD, ASEAN dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng và trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực đạt 4,6%, dự kiến sẽ vượt qua mức trung bình toàn cầu là 3,2%.

Tháng 8 vừa qua, báo Nikkei Asia dẫn một báo cáo do tổ chức tư vấn Angsana Council có trụ sở tại Singapore thực hiện cho thấy GDP của sáu nền kinh tế chủ chốt trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ tăng trung bình 5,1% mỗi năm cho đến năm 2034. Theo từng quốc gia, Việt Nam dự kiến dẫn đầu với 6,6%, tiếp theo là Philippines với 6,1%.

Để thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cho biết các quốc gia Đông Nam Á nên ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi phù hợp với các nhóm ngành công nghiệp hoặc lĩnh vực kinh tế đã hình thành và phát triển mạnh, phù hợp với lực lượng lao động và tài nguyên thiên nhiên của những nước này. Việc phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh và tăng cường các thị trường vốn là những lĩnh vực quan trọng để hỗ trợ các công ty mới và tài chính.

Trong số các lĩnh vực tăng trưởng mới hơn, Thái Lan và Indonesia đang nổi lên như những trung tâm khu vực về chuỗi cung ứng xe điện. Malaysia, Singapore và Việt Nam đang mở rộng sản xuất bán dẫn ở các phần khác nhau trong chuỗi giá trị, trong khi khu vực đang hưởng lợi chung từ sự bùng nổ đầu tư vào trung tâm dữ liệu - báo cáo cho biết thêm.

Nhân chuyến công tác tới Việt Nam vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Zafrul Abdul Aziz chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng thời gian qua các thách thức địa chính trị đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị điều chỉnh và thiết kế lại, hướng về ASEAN.

"Chúng ta có thể thấy rõ làn sóng đầu tư tràn vào Việt Nam, Malaysia, Singapore và nhiều nước ASEAN khác. Đây chính là lý do ASEAN cần được xem là một khu vực ổn định" - ông nêu.

Theo bộ trưởng Malaysia, ASEAN cũng cần được xem là khu vực có thể dễ dàng làm ăn thương mại. "Chúng ta có nhân tài, chúng ta có hạ tầng, chúng ta có năng lượng. Khi nhìn vào ASEAN, chúng ta thấy khu vực với dân số 675 triệu người mà trong đó một nửa chưa đến 30 tuổi. Tổng GDP khu vực lên đến 3.800 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng 4 - 5%. Những điều này cho thấy ASEAN là một khu vực rất hấp dẫn để làm ăn" - ông nhấn mạnh.

Thủ tướng gặp các lãnh đạo chủ chốt của Lào

Bên cạnh việc tham dự ASEAN BIS 2024, trong ngày 8-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp và hội kiến các lãnh đạo chủ chốt của Lào gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Sonexay Siphandone, Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane.

Cùng ngày, Thủ tướng cũng đến thăm và làm việc với Công ty Star Telecom (Unitel) - liên doanh của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông (Viettel) tại Vientiane, gặp Tổng thống Philippines Bongbong Marcos và làm việc với trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào.

Điểm sáng ASEAN giữa bất ổn toàn cầu - Ảnh 2.Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các doanh nghiệp ASEAN hãy đến Việt Nam đầu tư

Chiều 8-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên