30/05/2023 10:37 GMT+7

Điểm rèn luyện: Động lực hay gánh nặng sinh viên? - Nhờ điểm rèn luyện, học thêm kỹ năng

Khi lựa chọn đúng, phù hợp năng lực cá nhân, điểm rèn luyện trở thành cơ hội giúp nhiều bạn học hỏi kỹ năng, kể cả mở rộng mạng lưới kết nối của bản thân.

Hoạt động tình nguyện là môi trường phù hợp để sinh viên chọn tham gia tích lũy điểm rèn luyện - Ảnh: Q.L.

Hoạt động tình nguyện là môi trường phù hợp để sinh viên chọn tham gia tích lũy điểm rèn luyện - Ảnh: Q.L.

Nhiều sinh viên gặp khó khăn ở thời điểm mới vào đại học vì chưa quen việc đăng ký hoạt động và cách tính điểm rèn luyện. Song một khi hiểu rõ hơn, nhiều sinh viên tự đặt cho mình chiến lược, săn các hoạt động bổ ích, tránh mất thời gian mà lại được cộng điểm ngon lành.

Chủ đề "hot" hút sinh viên

Nhắc về những hoạt động tính điểm rèn luyện thu hút và ấn tượng, Trương Văn Hoài Khanh (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) kể ngay tên các chương trình có sự xuất hiện của những thần tượng giới trẻ như Khánh Vy, hoa hậu H'Hen Niê cùng các chủ đề về kinh tế số, kỹ năng học tập, quản lý thời gian, đa tác vụ...

Nhiều bạn có tiết học lúc 9h nhưng vẫn đến dự chương trình từ 7h30, dành một tiếng rưỡi ngồi nghe. Theo quan sát của Khanh, ấy là buổi khá hiếm nhiều sinh viên tham gia mà không quan tâm nhiều đến việc lấy điểm rèn luyện.

"Dù đang chuẩn bị thi học kỳ nhưng buổi trò chuyện ấy không chỉ có Khánh Vy đang được khá nhiều bạn trẻ yêu thích mà còn nói chuyện gen Z nên chọn kỹ năng đơn nhiệm hay đa nhiệm, mình thấy chủ đề rất đúng nhu cầu tụi mình lúc đó", Khanh kể.

Ngoài cơ hội học hỏi từ các diễn giả, sinh viên có thể nâng cao kỹ năng tìm kiếm thông tin, mở rộng mạng lưới kết nối. Cũng có khi hiểu thêm về truyền thống hay đơn giản là tìm thấy sân chơi để rèn luyện sức khỏe.

Trần Phạm Khánh Duy (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết chọn những hoạt động cộng đồng, công tác xã hội như nấu ăn cho người vô gia cư, trao tặng sách cũ hoặc các cuộc thi về môi trường.

Duy cho biết qua từng hoạt động đã thấy được lửa từ lớp anh chị đi trước. Như khi tham gia hội trại của khoa, bạn thấy được tâm huyết của các anh chị cán bộ Đoàn - Hội trong khoa, lại còn được gặp thêm nhiều người bạn mới khiến Duy thấy càng hứng thú với các hoạt động rèn luyện hơn.

"Điểm rèn luyện có nhiều hạng mục với mong muốn giúp sinh viên nâng cao kỹ năng từ nhiều góc độ. Nên sinh viên cần thái độ và cách tiếp cận trách nhiệm mới có thể học hỏi được", Duy nêu góc nhìn cá nhân.

Nhiều bạn tham gia hoạt động với tâm thế kiếm điểm rèn luyện chứ không phải để trau dồi kỹ năng hay học được gì từ đó nên chỉ đến, lo điểm danh xong rồi ra về liền.
TRẦN PHẠM KHÁNH DUY (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Chiến lược chọn hoạt động rèn luyện

Mới nhập học, chưa hiểu cách tính điểm rèn luyện thế nào nên bất cứ hoạt động nào Hoài Khanh cũng tham gia với suy nghĩ dự càng nhiều điểm càng cao. Khanh kể có những buổi nghe hết từ đầu đến cuối mà không đọng lại gì.

Từ trải nghiệm đó, cậu sinh viên năm nhất tự rút ra tiêu chí riêng cho mình khi chọn hoạt động để vừa đạt điểm rèn luyện, vừa thu về kết quả. Bạn cho biết trừ các hoạt động lớn đã không còn lấy điểm rèn luyện bằng cách chia sẻ, bình luận, trả lời các câu hỏi mini game, gắn thẻ tên bạn trên mạng xã hội nữa, nhất là đối với các chương trình chỉ muốn đẩy tương tác mà không có nội hàm hay hiệu quả.

Từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, kết quả học tập khá tốt, Khanh chọn đảm bảo thang điểm rèn luyện đủ tiêu chí, còn lại tập trung vào các hoạt động phù hợp sở thích, nhu cầu bản thân như học thuật, hội thảo để nghe chia sẻ từ thầy cô, bạn bè.

"Điểm rèn luyện phải thực sự hiệu quả, mang lại giá trị cho sinh viên. Hoạt động cũng cần chủ đề đúng nhu cầu thay vì đẩy sinh viên vào tâm thế dự đối phó đến chỉ để điểm danh, minh chứng cho có", Khanh chia sẻ.

Với Khánh Duy, bạn tự tìm chiến lược học tập để có nhiều thời gian tham gia ngoại khóa nhưng không ảnh hưởng kết quả cuối kỳ. Đó cũng là lúc Duy tự rèn cho mình kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc, phân chia nguồn lực của bản thân.

"Mình đẩy hiệu quả học tập lên, giải quyết môn học ngay tại lớp, ở nhà học tập trung để tối ưu thời gian. Rồi chọn các hoạt động ngoại khóa phù hợp sức khỏe, thời gian và cân đối các nội dung để học nhiều kỹ năng nhất có thể", Duy tiết lộ.

Thực ra mỗi bạn đều cần chủ động chọn lọc hoạt động rèn luyện phù hợp, gắn với mục tiêu, kiến thức hay kỹ năng mình muốn khám phá khi tham gia hoạt động.

"Sinh viên có quyền chắt lọc nội dung thực sự chất lượng, phù hợp và thấy hứng thú. Tham gia với tâm thế này sẽ làm bạn thấy thoải mái hơn, mà người tổ chức cũng có áp lực để xây dựng chương trình hiệu quả hơn", Hoài Khanh chia sẻ.

Bạn đang nỗ lực tích lũy điểm rèn luyện hay chỉ kiếm điểm đủ chỉ tiêu? Điểm rèn luyện với bạn là động lực hay như một gánh nặng thời sinh viên? Xin mời chia sẻ cùng chúng tôi qua email: [email protected].

Ứng dụng công nghệ nhiều hơn

Ngô Tường Vy (Trường ĐH Sài Gòn) nói trong nhiều hoạt động rèn luyện trực tuyến thường gặp lỗi truy cập, lỗi ứng dụng. Còn đến hoạt động trực tiếp, việc điểm danh thủ công cũng gây không ít khó khăn, chưa kể sự thiếu linh hoạt trong khâu tổ chức.

Lý do vì có chương trình dự kiến 11h kết thúc song đến hơn 11h30 mới xong, trong khi vì có việc từ trước, Vy xin điểm danh ra về lúc 11h15 để đi giải quyết nhưng bị từ chối. Kết thúc hoạt động, sinh viên ào ra điểm danh mà chỉ có vài ba bạn ngồi tại máy nên phải chờ rất lâu, ai về trước đều bị tính là không tham gia.

"Mình kỳ vọng với các chương trình, hoạt động cần dùng công nghệ để điểm danh sẽ hiệu quả và tránh xảy ra lỗi hay bắt sinh viên mất thời gian chờ đợi", Vy nói.

Điểm rèn luyện: Động lực hay gánh nặng sinh viên?Điểm rèn luyện: Động lực hay gánh nặng sinh viên?

Thay vì chủ động đăng ký những nội dung phù hợp với ngành học và sở thích, không ít bạn buộc phải tham gia một số chương trình và hội thảo tréo ngoe dù không muốn để có điểm rèn luyện tốt, và điều này cũng trở thành một áp lực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên