Ngày 21-7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng và đề cử cấp phó Kamala Harris làm ứng viên thay thế mình.
Theo Hãng tin Reuters, tuy bà Harris chưa chính thức trở thành ứng viên đại diện Đảng Dân chủ nhưng quan điểm của bà về chính sách đối ngoại vẫn là tâm điểm bàn luận.
Chỉ đối đầu Trung Quốc khi cần thiết
Nhìn chung, hầu hết giới phân tích cho rằng chính sách đối ngoại Mỹ sẽ không thay đổi đáng kể nếu bà Harris lên nắm quyền.
Chính bà từng ngầm khẳng định không thay đổi đáng kể chính sách của ông Biden, bao gồm ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Ông Aaron David Miller, người từng tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề Trung Đông cho nhiều đời tổng thống Mỹ, nhận định: "Bà Harris có thể là người năng động hơn, nhưng chúng ta không nên mong đợi thay đổi lớn nào trong chính sách ngoại giao bà kế thừa từ ông Joe Biden".
Một trong những ví dụ điển hình là quan hệ với Trung Quốc. Từ lâu, bà Harris đã thể hiện rõ quan điểm Washington cần nỗ lực đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, nhất là ở châu Á.
Góc nhìn này trùng với quan điểm đang được lưỡng đảng Mỹ ưa chuộng và cũng là quan điểm của ông Biden.
Giống cấp trên, bà Harris nhiều khả năng sẽ chỉ đối đầu với Bắc Kinh khi thật sự cần thiết, đồng thời tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác khác với đất nước tỉ dân.
Phó tổng thống Mỹ cũng cho thấy bản thân không phải "khách lạ" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bà từng thay mặt ông Biden tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 9-2023 ở Jakarta (Indonesia), cũng như công du Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đồng minh quan trọng của Washington ở châu Á.
"Bà Harris đã chứng minh bản thân sẵn sàng đẩy mạnh hơn nữa sự chú trọng của ông Biden đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Murray Hiebert đánh giá.
"Điểm nổ" Trung Đông
Tuy nhiên, phó tổng thống Mỹ vẫn ít nhiều được kỳ vọng mang lại "làn gió mới" trong quan hệ ngoại giao của Mỹ.
Hãng tin Reuters nhận định cuộc xung đột tại Dải Gaza giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas chính là nơi bà Harris có thể để lại dấu ấn.
Dù nhìn chung vẫn thể hiện quan điểm ủng hộ Israel của ông Biden, bà Harris từng cho thấy góc nhìn gai góc hơn về vấn đề này.
Hồi tháng 3, bà chỉ trích gay gắt Israel khi cho rằng nước này "chưa nỗ lực đủ nhiều để giảm nhẹ thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza".
Sau đó vài ngày, bà tiếp tục cảnh báo Tel Aviv "nhận hậu quả" nếu quân đội nước này tiến hành chiến dịch quân sự vào thành phố Rafah, nơi đã đón nhận hàng trăm ngàn người Palestine mất nhà cửa ở Gaza.
Đến nay, đây gần như được xem là tuyên bố mạnh mẽ nhất của giới chức Mỹ về cuộc xung đột tại Trung Đông này. Do đó, các nhà phân tích dự đoán Washington sẽ có lập trường cứng rắn với Israel nếu bà Harris trở thành tổng thống Mỹ.
Song, lập trường cứng rắn này vẫn khó làm thay đổi cục diện ngoại giao giữa Mỹ và đồng minh thân cận nhất tại khu vực Trung Đông.
Thay vào đó, đột phá ngoại giao có thể được kỳ vọng trong trường hợp bà Harris thắng cử lại nằm ở quan hệ với Iran.
Dù nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì quan điểm của ông Biden với đất nước này, song sự ảnh hưởng ngày một lớn của Tehran ở Trung Đông nhiều khả năng sẽ buộc bà Harris đưa ra động thái quyết đoán hơn.
Ông Jonathan Panikoff - cựu quan chức phụ trách tình báo quốc gia Mỹ tại Trung Đông - cho rằng: "Tất cả diễn biến hiện tại chỉ ra rằng tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải giải quyết vấn đề Iran. Chắc chắn đó sẽ là một trong những vấn đề nổi trội nhất".
Mời bạn đọc theo dõi chuyên trang bầu cử tổng thống Mỹ 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận