Thí sinh rút hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sáng 10-8 - Ảnh: Như Hùng |
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ba ngày một lần các trường ĐH bắt buộc phải công khai hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh.
Các trường phải thực hiện đúng quy định về việc công khai danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường, xếp thứ tự theo tổng điểm từ trên xuống và ghi rõ chỉ tiêu của từng ngành (nhóm ngành). Bộ khuyến khích các trường cập nhật thông tin hằng ngày.
Như vậy về lý thuyết, các trường sẽ công bố hồ sơ vào các ngày 3, 5, 7, 9, 12, 15 và 18 của tháng 8. Ngày 19 và 20-8 (hai ngày cuối của đợt xét tuyển nguyện vọng 1) các trường không cần phải công bố hồ sơ xét tuyển của thí sinh.
Hơn nữa, việc công bố hồ sơ hiện nay vẫn khiến thí sinh khó biết được mình đang ở vị trí nào vì thí sinh ảo quá lớn. Đây là những “điểm mù” chết người trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Điểm cao vì ảo lớn
Theo quan sát của chúng tôi trong hai lần công bố hồ sơ xét tuyển vừa qua, nhiều trường công bố hồ sơ như một mạng nhện khổng lồ: ngành, điểm số xếp lộn xộn không theo một nguyên tắc nào khiến thí sinh không theo dõi được mình đang ở đâu.
Những trường thống kê theo ngành nhưng gộp chung cả bốn nguyện vọng khiến cho điểm xét tuyển tạm thời của ngành đó cao ngất ngưởng trong khi thực tế không phải như vậy. Đây là “điểm mù” khiến cho nhiều thí sinh hoang mang và có thể đánh mất cơ hội trúng tuyển của mình.
Đơn cử như ngành dược tại Trường ĐH Y dược TP.HCM. Ngành này tuyển 300 chỉ tiêu và theo thống kê cả bốn nguyện vọng, tính đến ngày 7-8 có 287 thí sinh đạt từ 27,25 điểm trở lên.
Tuy nhiên khi thống kê hồ sơ theo nguyện vọng 1, ngành này mới có 272 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên. Đa số thí sinh ảo của ngành dược (chọn ngành dược là nguyện vọng 2, 3) là thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành y đa khoa.
Tương tự, ngành răng hàm mặt nếu tính cả bốn nguyện vọng thì mức điểm 28,5 có 90 thí sinh (chỉ tiêu 100) và nếu chỉ tính nguyện vọng 1 ngành này có 95 thí sinh đạt từ 24,25 điểm trở lên. Ngành y học dự phòng tuyển 100 chỉ tiêu và có 96 thí sinh đạt từ 19,5 điểm trở lên nếu chỉ tính nguyện vọng 1, trong khi có đến 94 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên khi gộp cả bốn nguyện vọng (hầu hết thí sinh chọn ngành này là ưu tiên 3, 4).
Theo nguyên tắc xét tuyển, bốn nguyện vọng có giá trị xét tuyển như nhau căn cứ vào điểm thi của thí sinh. Tuy nhiên, mỗi thí sinh chỉ được xét trúng tuyển vào một ngành. Trong trường hợp thí sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng, trường sẽ xét trúng tuyển vào ngành thí sinh chọn ưu tiên cao nhất.
Căn cứ theo số liệu ngày 7-8, điểm xét tuyển tạm thời các ngành y đa khoa, dược và răng hàm mặt đều cao hơn ngành y học dự phòng. Như vậy số thí sinh ảo ở ngành y học dự phòng rất lớn khi đa số thí sinh điểm cao đã trúng tuyển ở các ưu tiên 1, 2.
TS Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn TP.HCM - cho biết những ngày qua trường thống kê theo phương thức gộp cả bốn nguyện vọng nên ảo rất lớn và thật sự thí sinh sẽ rất khó biết vị trí của mình ở đâu, có nên rút hồ sơ hay không.
Trong khi đó TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng thống kê theo bộ chỉ có tính chất kiểm tra thông tin cá nhân của thí sinh có chính xác không, trường đã nhận được hồ sơ chưa, thông tin chính xác hay không còn căn cứ xem xét để rút hồ sơ là rất khó bởi ảo rất lớn.
Trường ĐH Cần Thơ |
Chỉ tiêu |
Điểm khi chưa loại ảo |
Số thí sinh đạt được |
Điểm sau khi loại ảo |
Số thí sinh đạt được |
Sư phạm toán |
100 |
23 |
100 |
20,25 |
100 |
Sư phạm văn |
60 |
25,25 |
65 |
22,75 |
63 |
Kinh doanh thương mại |
80 |
22,25 |
90 |
15 |
90 |
Kiểm toán |
80 |
22,25 |
90 |
16,75 |
87 |
Khoa học máy tính |
100 |
19,5 |
103 |
15 |
46 |
Khoa học môi trường |
120 |
21,25 |
130 |
17 |
130 |
Sinh học ứng dụng |
60 |
21,75 |
69 |
18 |
64 |
Cần thống kê loại “ảo”
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay nhiều thí sinh đã rút hồ sơ xét tuyển để nộp vào trường khác. Thậm chí có thí sinh mới nộp hồ sơ buổi sáng, chiều đã rút hồ sơ vì điểm số nằm ngoài ngưỡng an toàn.
Như đã nói, thống kê hiện tại của nhiều trường ảo rất lớn và thí sinh không quá vội vàng rút hồ sơ. Hiện một số trường ĐH đã sử dụng phần mềm xét tuyển riêng để đưa ra kết quả điểm xét tuyển tạm thời theo ngày (đã loại trừ trường hợp thí sinh trúng tuyển từ 2 ngành trở lên) từ đó thí sinh có thể biết chính xác khả năng trúng tuyển của mình, có nên rút hồ sơ hay không.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sau nhiều ngày thống kê theo ngành trong khi trường chỉ lấy một điểm chuẩn chung (trừ ngành tiếng Anh thương mại) khiến thí sinh không biết điểm số của mình nằm ở đâu trong số 4.400 thí sinh mà trường dự tính gọi nhập học.
Mới đây, trường đã thay đổi cách thống kê theo ngành thành thống kê tổng số thí sinh xét tuyển. Với thống kê này, thí sinh dễ dàng biết chính xác vị trí của mình để cân nhắc việc rút hồ sơ hay giữ lại. Tương tự, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) một mặt công bố danh sách thí sinh xét tuyển theo ngành bao gồm nhiều nguyện vọng, một mặt trường chạy phần mềm xét tuyển riêng để loại trừ thí sinh ảo (trúng tuyển nhiều ngành theo đăng ký xét tuyển của thí sinh) từ đó đưa ra điểm xét tuyển tạm thời và số thí sinh đạt được theo từng ngành.
“Với điểm xét tuyển tạm thời được cập nhật thường xuyên, thí sinh dễ dàng biết được khả năng trúng tuyển của mình để từ đó xem xét có nên rút hồ sơ hay không. Dĩ nhiên điểm này thay đổi căn cứ vào lượng hồ sơ và điểm thi của thí sinh. Các trường nên chạy phần mềm xét tuyển để loại ảo, từ đó giúp thí sinh biết được vị trí của mình chính xác hơn” - ông Thông cho biết thêm.
Cũng nhằm giúp thí sinh tham khảo chính xác thông tin, bên cạnh địa chỉ tra cứu hồ sơ xét tuyển theo ngành (gồm nhiều nguyện vọng), Trường ĐH Cần Thơ cũng vừa đưa ra danh sách thí sinh xét tuyển theo ngành đã loại thí sinh ảo.
Nếu thí sinh có khả năng trúng tuyển một nguyện vọng (xét theo nguyện vọng ưu tiên từ trên xuống) thì tên thí sinh đó được loại khỏi danh sách các ngành của các nguyện vọng còn lại mà thí sinh đăng ký.
Với cách loại ảo này, điểm của nhiều ngành đã sát thực tế hơn rất nhiều. TS Mỵ Giang Sơn cho biết ngày 10-8 trường đã cho ra mắt phiên bản tra cứu hồ sơ xét tuyển đã loại ảo và đưa ra điểm xét tuyển dự kiến hằng ngày nhằm giúp thí sinh biết được vị trí chính xác của mình.
Theo ông Sơn, điểm này sẽ được cập nhật hằng ngày để thí sinh căn cứ vào đó quyết định rút hay nộp hồ sơ. Đến ngày cuối cùng, nếu không có nhiều biến động về hồ sơ thì điểm đó có thể tạm thời xem là điểm chuẩn.
Sáng 10-8, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng vừa bổ sung chức năng tra cứu theo ngành (đã loại ảo) dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. PGS-TS Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết phần tra cứu này đã loại trừ thí sinh trúng tuyển hơn 1 nguyện vọng cũng như thí sinh rớt NV1 nhưng trúng tuyển một trong các nguyện vọng còn lại.
Phần tra cứu này sẽ cho ra chính xác thứ hạng của thí sinh trong ngành đó, qua đó giúp thí sinh biết được khả năng trúng tuyển của mình.
Diễn ra ở nhiều trường Tình hình này cũng diễn ra ở hầu hết các trường khác như ĐH Y Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Công nghiệp TP.HCM, Sư phạm TP.HCM, Sài Gòn, Y dược Cần Thơ, Đà Lạt, Quy Nhơn... Do đó, dù thống kê hồ sơ nhưng thí sinh vẫn rất khó để biết được điểm xét tuyển thực tế của ngành hiện tại là bao nhiêu bởi lượng thí sinh ảo quá nhiều. Anh N.H.C. có con thi được 33,75 điểm, xét tuyển vào ngành sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Để biết được chính xác vị trí của mình, sau khi trường công bố danh sách đăng ký xét tuyển, anh và con phải đếm thủ công và loại trừ những thí sinh có mức điểm bằng và cao hơn mình chọn ngành này là ưu tiên 2, 3, 4 và loại ra vì với điểm số này thí sinh đó nhiều khả năng đã trúng tuyển vào ngành ưu tiên 1. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận