29/06/2017 18:33 GMT+7

Điểm GPA thấp, làm thế nào để vào trường top 100 thế giới?

TÚ QUỲNH
TÚ QUỲNH

Nếu đang băn khoăn không dám nộp đơn vào các trường có yêu cầu đầu vào là điểm GPA (điểm trung bình tốt nghiệp) cao, bài viết dưới đây là dành cho bạn.

Du học sinh Hoàng Tú Quỳnh - Ảnh: NVCC
Du học sinh Hoàng Tú Quỳnh - Ảnh: NVCC

Chị Hoàng Tú Quỳnh, sinh viên chương trình thạc sĩ ngành truyền thông của Trường đại học Amsterdam - trường được đánh giá là tốt nhất tại Hà Lan theo bảng xếp hạng QS (QS University Rankings), chia sẻ kinh nghiệm “vượt vũ môn” của mình.

Nỗi ám ảnh mang tên GPA

Tuy có kinh nghiệm hơn 5 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, mình lại khá tự ti về điểm GPA thời đại học.

Khi đọc các bài viết trên mạng mình còn thấy nhiều người nói rằng điểm GPA thấp sẽ không có cơ hội nào vào được trường tốt. Vì thế mình đã nhiều lần định thôi không nộp vào Đại học Amsterdam, nơi có yêu cầu điểm GPA rất cao.

Mình hi vọng rằng thông qua câu chuyện và những kinh nghiệm của mình, các bạn sẽ có thêm tự tin để phấn đấu vào ngôi trường mình yêu thích.

Các bạn hoàn toàn có thể đạt được ước mơ nếu chuẩn bị hồ sơ kỹ càng và có một lá thư động lực (motivational letter) thuyết phục. Cánh cửa thạc sĩ tại các trường top 100 thế giới không chỉ dành cho những người có thành tích học tập cao! 

6 bước chuẩn bị hồ sơ

1. Chọn ngành: Mình thường nghe cụm từ “chọn trường - chọn ngành” nhưng theo mình thì nên đổi lại là “chọn ngành - chọn trường”. Học trường nào cũng quan trọng, nhưng trước hết bạn phải học ngành mà bạn thích cái đã. Sẽ là vô nghĩa nếu vào học trường tốt nhưng bạn lại không đam mê với ngành học.

Để chọn ngành học, bạn hãy suy nghĩ về định hướng nghề nghiệp tương lai cũng như nhìn nhận lại thế mạnh, đam mê của bản thân trong suốt quá trình học tập và làm việc. Một yếu tố không thể không cân nhắc nữa là nhu cầu lao động của xã hội sau khi bạn ra trường.

2. Chọn trường: Chỉ cần dùng Google là bạn đã có thể tìm trường có ngành học của mình. Bạn cũng có thể sử dụng các website chuyên để tìm trường như https://www.studyfinder.nl/ hay http://www.mastersportal.eu/.

Khâu quan trọng nhất là lọc ra xem trường nào phù hợp với bạn. Bạn nên vào website của trường, vào ngành học bạn chọn để đọc các phần giới thiệu về ngành học, chương trình học, nội dung của từng môn học, và cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.

Nhờ tìm hiểu cặn kẽ về chương trình học mà mình đã có thể nêu rõ trong thư động lực tại sao mình lại muốn học ở đây chứ không phải là nơi nào khác.

3. Yêu cầu của trường: Các trường thường yêu cầu những giấy tờ giống nhau. Tuy nhiên, bạn cần ghi chú chi tiết yêu cầu của từng loại giấy tờ.

Ví dụ như thư động lực phải bao nhiêu từ, phải trả lời những câu hỏi nào; résumé có yêu cầu gì đặc biệt; trường có bắt dùng form nào của trường không (có một số trường bạn phải viết thư động lực, résumé trên form riêng của trường); bài luận mẫu phải bao nhiêu trang tối thiểu/tối đa, cách đặt tên file...

Tất cả những thông tin này đều có trên website của trường của phần yêu cầu đầu vào (admission).

4. Thư giới thiệu: Thư giới thiệu là một trong những phần quan trọng của bộ hồ sơ. Các trường thường yêu cầu ít nhất 2 thư giới thiệu và 1 trong 2 người này đã từng là giáo sư của bạn.

Lưu ý là bạn nên hỏi xin thư giới thiệu từ thầy cô đã dạy môn có liên quan đến ngành học mà bạn đang muốn đăng ký. Nên xin trước ít nhất 3 tuần vì thầy cô có thể bận hoặc đi công tác, đi nghỉ hè.

Nếu người viết thư giới thiệu không giỏi tiếng Anh, bạn có thể xin họ viết bằng tiếng Việt cho bạn dịch lại, sau đó bạn gửi bản tiếng Anh cho họ ký tên.

Khi hỏi xin thư giới thiệu, bạn cố gắng cung cấp đầy đủ thông tin: bạn đăng ký ngành nào, trường nào, hạn chót nộp hồ sơ, trường có yêu cầu/câu hỏi gì đối với thư giới thiệu, đánh giá của thầy cô đó về bạn trong lúc học như thế nào (nếu bạn đã tốt nghiệp lâu thì nên nhắc lại), bạn muốn được nhấn mạnh những thế mạnh gì trong thư. Cố gắng cung cấp thông tin đầy đủ, ngắn gọn nhé.

5. Thư động lực: Với điểm GPA không đạt yêu cầu thì lá thư này chính là phương tiện để gỡ gạc lại hình ảnh của bạn và thuyết phục hội đồng xét duyệt.

Trên mạng có rất nhiều thư mẫu để bạn có thể đọc và tham khảo. Tuy nhiên bạn phải đảm bảo rằng nội dung thư của bạn là độc nhất, thể hiện được con người, phẩm chất, và nhất là tiềm năng của bạn.

Mình đã bế tắc với thư này trong rất nhiều tháng trời, không biết phải bắt đầu từ đâu. Cho đến một hôm mình tưởng tượng là mình đang viết cho một người bạn để kể về ước mơ, đam mê của mình thì chữ cứ tự động tuôn ra như suối.

Dĩ nhiên đây chỉ là bản nháp, từ ngữ dài dòng lê thê nên sau đó mình viết một thư hoàn toàn mới, sử dụng những ý quan trọng trong bản nháp và bổ sung thêm những ý khác mà trường yêu cầu.

Thư động lực cần trả lời được ít nhất các câu hỏi sau:

- Chương trình học đại học của bạn có những môn nào liên quan đến ngành mà bạn đang xin học thạc sĩ?

- Lĩnh vực nào bạn quan tâm nhất trong ngành? Tại sao?

- Trong công việc, bạn đã làm những gì có liên quan đến ngành học này? Bạn đã đạt những thành tựu gì?

- Tại sao bạn lại chọn trường này? Môn học nào là quan trọng nhất cho luận văn thạc sĩ của bạn?

- Kế hoạch sự nghiệp sau khi tốt nghiệp của bạn là gì? Chương trình thạc sĩ này có thể giúp gì cho kế hoạch đó?

Và điểm này đặc biệt cho những ai GPA thấp như mình: Nhìn nhận lại quá trình học đại học, tại sao điểm lại thấp? Hoặc tại sao thời gian học kéo dài?

Nếu như lý do là vì bạn chưa tốt ở một điểm nào đó thì bạn phải thể hiện được rằng bạn đã nỗ lực để thay đổi/sửa chữa như thế nào. Nếu như là lý do khách quan thì bạn cũng phải chứng minh được việc đó không còn ảnh hưởng tới công việc, sự học của bạn nữa.

Đoạn kết luận bạn nên tóm tắt lại giá trị của bản thân đối với trường, vì sao bạn là một sinh viên tiềm năng của trường.  

Lời khuyên của mình là bạn hãy viết một lá thư thật trung thực, chân thành và đầy bản lĩnh, tự tin. Đừng lo lắng nếu bạn không có một câu chuyện hay ho, kịch tính để kể.

Mình chỉ đơn giản viết về mơ ước của mình, vì sao mình quyết tâm theo đuổi nó và nhấn mạnh vào kinh nghiệm làm việc, hiểu biết của mình trong ngành cùng thành tích trong công việc.

Thư động lực của mình được đánh giá là thể hiện được đam mê một cách xuyên suốt, có một kế hoạch sự nghiệp rõ ràng và có sự chuẩn bị vững chắc cho việc học sắp tới.

6. Kiểm tra lại hồ sơ: Bạn sẽ không thể tránh khỏi sai sót khi chuẩn bị hồ sơ, vì vậy hãy nhờ ít nhất là hai người đọc lại bộ hồ sơ để rà soát lỗi giúp bạn. Bạn cũng nên in ra để đọc vì khi đọc trên máy tính ta dễ bỏ qua những lỗi nhỏ.   

Quá trình thực sự làm hồ sơ của mình chỉ 2 tháng nhưng trước đó là cả một quãng thời gian dài tìm hiểu và lên kế hoạch. Hãy chuẩn bị hồ sơ thật chu đáo, kỹ lưỡng.

Không có gì là không thể khi bạn dồn hết tâm sức. Nếu có thắc mắc về du học tại Hà Lan, các bạn có thể gửi câu hỏi cho mình tại [email protected]. Chúc các bạn thực hiện được mơ ước của mình!

TÚ QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên