18/06/2019 09:14 GMT+7

'Điểm đen' tai nạn giao thông lan đến trung tâm TP.HCM

NGỌC ẨN - THU DUNG
NGỌC ẨN - THU DUNG

TTO - Không chỉ ở quận, huyện vùng ven, 'điểm đen' tai nạn giao thông nay đã xuất hiện trên cả những con đường trung tâm TP.HCM.

Điểm đen tai nạn giao thông lan đến trung tâm TP.HCM - Ảnh 1.

Năm 2018, đường Nguyễn Duy Trinh (Q.9, TP.HCM) thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nên cơ quan chức năng giăng băngrôn cảnh báo đường nguy hiểm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đến tháng 6-2019, TP.HCM có đến 19 "điểm đen", tăng 3 điểm so với năm trước. Đứng đầu danh sách "điểm đen" tai nạn giao thông kéo dài liên tục trong nhiều năm qua là đường Nguyễn Duy Trinh (Q.9, Q.2), đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến đường 990 dài hơn 1.500m, trong 3 năm qua có gần 20 người chết vì tai nạn giao thông.

Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xóa "điểm đen" này nhưng chưa hiệu quả.

Đường hẹp, xe tải ép xe máy

Theo ghi nhận tại đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2), mặt đường rất hẹp khoảng 7 - 8m cho 2 làn xe lưu thông, trong khi đó xe tải, xe container chạy nườm nượp rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Một ngày tháng 6-2019, chỉ trong vòng 20 phút, chúng tôi đếm được hơn 100 xe tải đi lại với tốc độ khá nhanh trên đường này, mặc dù ở hai bên đường có treo hàng loạt biển cảnh báo "đoạn đường thường xảy ra tai nạn".

Thậm chí một số lái xe bất chấp biển báo cấm xe tải theo giờ vẫn cố lưu thông vào các đường nhánh gây nguy hiểm giao thông.

Điểm đen tai nạn giao thông lan đến trung tâm TP.HCM - Ảnh 2.

19 điểm đen giao thông ở TP.HCM - Đồ họa: THU DUNG - NHƯ KHANH

Tối cùng ngày, chúng tôi đi trên đường này bắt gặp nhiều xe tải chạy với tốc độ rất nhanh và bấm còi ầm ĩ ép sát những người đi xe máy vào lề đường, khiến ai nấy đều sợ hãi vội tấp xe vào lề cho xe tải đi qua.

Tại giao lộ Nguyễn Duy Trinh - Đỗ Xuân Hợp, 2 chiếc xe tải chạy ngược chiều chiếm hết diện tích mặt đường, nguy cơ các xe đối đầu nhau rất cao.

Chị Trần Thị Vân - người dân cư ngụ trên đường Nguyễn Duy Trinh - lắc đầu ngao ngán: "Tôi nhiều lần bị xe tải ép té vào lề đường dù đã cẩn thận quan sát. Từ đó, tôi hạn chế chạy xe máy ra đường vào ban đêm và không cho con cái chạy xe ra đường vào thời gian trên".

Nhiều người dân sống tại khu vực này đã báo lên chính quyền các cấp, đề nghị nhanh chóng mở rộng đường, bố trí lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra xử lý để người dân yên tâm đi lại. Nhưng "điểm đen" này vẫn... đen.

Điểm đen tai nạn giao thông lan đến trung tâm TP.HCM - Ảnh 3.

Năm 2019, tại đường Nguyễn Duy Trinh liền kề vòng xoay Phú Hữu, nhiều xe cơ giới chạy xen kẽ nhau, gây nguy hiểm cho người đi đường - Ảnh: MAI THƯƠNG

"Điểm đen" chen vô nội ô

Điều đáng sợ nhất là những "điểm đen" đã xuất hiện ngay ở những khu dân cư đông đúc trong nội ô. Tại một đoạn đường Hoàng Sa (P.Tân Định, Q.1) gần đây có đến 5 vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết và 1 người bị thương. Kế đến là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.7 và P.8, Q.3) xảy ra 3 vụ tai nạn làm 3 người chết.

Còn ở khu vực cầu Nguyễn Tri Phương có nhánh cầu nối với đường Võ Văn Kiệt (Q.5) xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm 2 người chết và 1 người bị thương, đường 3 Tháng 2 ở P.11 (Q.10) xảy ra 2 vụ tai nạn làm 2 người chết...

Điều đáng nói là có 3 "điểm đen" mới được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2019. Cụ thể tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (Q.1) chỉ trong năm 2018 đã xảy ra ít nhất 4 vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết và nhiều người bị thương.

Tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh (H.Bình Chánh) cũng trong thời gian này xảy ra liên tục 3 vụ tai nạn giữa môtô với xe tải, môtô với xe container và môtô với ôtô con làm 3 người chết.

Quan sát "điểm đen" đường Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (dưới chân cầu Khánh Hội, Q.1), chúng tôi ghi nhận lượng xe cơ giới, xe tải, xe máy chạy thường xuyên với mật độ dày đặc. Tại đây, vào khung giờ cao điểm sáng và tối là cảnh kẹt xe kinh hoàng.

Dòng xe cộ ken đặc, xe máy, ôtô chen chúc tràn qua cầu càng khiến nút giao thông này tắc nghẽn. Trong khi đó, có khá đông người đi bộ băng qua đường để vào công viên Bạch Đằng và nhiều vụ tai nạn xảy ra từ 22h trở đi.

Còn tại Q.2, nỗi khiếp sợ của người dân là tai nạn xảy ra như cơm bữa tại "điểm đen" chân cầu Phú Mỹ (Q.2). Vào cuối tháng 12-2018, một vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại đây khiến ôtô bẹp dúm. Không chỉ vụ này mà nhiều vụ tai nạn khác tại đây khiến người dân không khỏi hoang mang.

Điểm đen tai nạn giao thông lan đến trung tâm TP.HCM - Ảnh 4.

Đoạn cua trên đường Hoàng Sa, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM là nơi thường xuyên xảy ra tai nạn do khúc cua gắt và tầm nhìn của người đi đường bị hạn chế - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Xóa 8/19 "điểm đen", được không?

Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết việc triển khai các biện pháp xóa "điểm đen" tai nạn giao thông là một trong những mục tiêu hàng đầu mà đơn vị ưu tiên. Từ nay đến cuối năm 2019, sở đặt ra mục tiêu giảm 5% số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2018, phấn đấu xóa tiếp 8/19 "điểm đen".

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới sở sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp như rà soát hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu để tăng cường năng lực khai thác, bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu.

Đồng thời tổ chức lại giao thông, lắp đặt hệ thống cọc tiêu nhựa nhằm tách làn xe 2 bánh và làn ôtô, tránh các trường hợp lấn làn gây tai nạn. Các đơn vị tập trung chấn chỉnh lòng lề đường, vỉa hè, tăng cường vệ sinh mặt đường đảm bảo tiện ích cho người đi bộ, tầm nhìn cho phương tiện.

Đối với những công trình hạ tầng, ưu tiên sử dụng nguồn vốn duy tu, vốn ủy quyền, vốn bảo trì đường bộ... để cải thiện hạ tầng, nâng cao điều kiện an toàn giao thông. Những công trình lớn phải đẩy nhanh tiến độ thi công, bố trí đầy đủ rào chắn, biển báo, đèn chớp cảnh báo.

Điểm đen tai nạn giao thông lan đến trung tâm TP.HCM - Ảnh 5.

Đồ họa: TUẤN ANH

Mở rộng đường, làm hầm đi bộ

Về việc xóa các "điểm đen" tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Duy Trinh, một cán bộ Sở GTVT thừa nhận tai nạn nhiều là do mặt đường quá chật hẹp với 2 làn xe. Do đó, sở đã lập 2 dự án để mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh lên 4 làn xe.

Tuy nhiên, ở dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng, chuyển giao) bị chậm vì chờ cấp thẩm quyền ban hành quy định mới về BT và dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách.

Trước mắt, sở nghiên cứu xem xét phương án cấm xe tải trên 5 tấn lưu thông trên đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Võ Chí Công đến đường số 990. Đồng thời hạn chế tốc độ xe lưu thông tối đa là 40km/h, thu hẹp vỉa hè để mở rộng thêm 1m mặt đường...

Theo Sở GTVT, nguyên nhân tai nạn tại các "điểm đen" chủ yếu do người điều khiển xe không chấp hành quy định về tốc độ; thiếu quan sát, không giữ khoảng cách giữa hai xe, không nhường đường... Từ đó, sở đã đưa ra giải pháp phi công trình (không đầu tư xây dựng cầu, đường) để xử lý từng "điểm đen".

Cụ thể là xử lý "điểm đen" đường Hoàng Sa bằng giải pháp kẻ vạch sơn giới hạn, vạch sơn cảnh báo, lắp đặt 4 biển báo đoạn đường hay xảy ra tai nạn; tạo gờ giảm tốc bằng bêtông nhựa, lắp đặt đèn chớp vàng.

Đồng thời nghiên cứu lắp đặt camera giám sát tốc độ xe kết hợp với tăng cường xử phạt. Đối với "điểm đen" trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phía trước chùa Vĩnh Nghiêm, P.7 và P.8, Q.3) sẽ lắp đèn tín hiệu chớp vàng, tăng cường kẻ vạch sơn, biển báo, đèn chiếu sáng, duy tu mặt đường...

Về "điểm đen" tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (Q.1), UBND Q.1 đã kiến nghị Sở GTVT nghiên cứu và sớm đưa ra phương án kết nối khu vực này bằng cách xây dựng cầu vượt cho người đi bộ, hoặc làm hầm đi bộ băng ngang tuyến đường Tôn Đức Thắng.

Sở GTVT cho biết sẽ nghiên cứu phương án xây hầm đi bộ băng qua đường Tôn Đức Thắng dành cho người đi bộ. Sở GTVT cho biết trước mắt đã làm vạch sơn mới cho người đi bộ, thường xuyên kiểm tra sửa chữa, giặm vá mặt đường. Đồng thời đề nghị cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra xử phạt người vi phạm giao thông...

Tăng cường xử phạt

Một trong những biện pháp để xóa "điểm đen" là lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tăng cường công tác xử phạt tình trạng vi phạm Luật giao thông như uống rượu bia, vượt đèn đỏ...; tăng cường xử phạt nguội qua hình ảnh để răn đe. Tại những "điểm đen" đã được xóa, cơ quan nhà nước cũng phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời khắc phục các nguy cơ tai nạn, không để tiếp tục xảy ra tai nạn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

2 nhóm giải pháp xóa "điểm đen"

doc cau sai gon

Dốc cầu Sài Gòn, Q.2, TP.HCM tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi người đi đường thả dốc không chú ý quan sát - Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT, kế hoạch xử lý "điểm đen" tai nạn giao thông trong năm 2019 gồm 2 nhóm giải pháp:

Nhóm giải pháp công trình: Gồm tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Cụ thể là dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (Q.2) đang chờ bàn giao mặt bằng để thi công các nhánh rẽ, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2019.

Dự án xây dựng hầm chui An Sương (Q.12 - H.Hóc Môn) nếu được bàn giao mặt bằng trong quý 1-2019 sẽ hoàn thành vào tháng 9-2019. Dự án mở rộng đường Võ Chí Công (Q.2) dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2019. Dự án nâng cấp, mở rộng cầu Kênh Tẻ (Q.4 - Q.7) dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2019.

Nhóm giải pháp phi công trình: Nghiên cứu, điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường, cải tạo kích thước hình học (cắt xén, vỉa hè, xây tiểu đảo...), mở rộng tầm nhìn đảm bảo an toàn giao thông tại các giao lộ, đoạn đường cong nguy hiểm..., rà soát điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn đường, tăng cường duy tu...

TP.HCM phát sinh thêm 3 điểm đen tai nạn giao thông

TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP phát sinh 3 điểm đen tai nạn giao thông mới, 'đưa' tổng số điểm đen tai nạn giao thông lên 19 điểm.


NGỌC ẨN - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên