Bài đăng này đánh trúng tâm lý của nhiều người "cổ cồn trắng". Bài thu hút hơn 30.000 lượt thích và hơn 1.100 bình luận.
Lên công ty check-in đúng giờ rồi rủ nhau tha thẩn cà phê, đi ăn sáng, làm việc tính sau. Đây là hình ảnh quen thuộc ở các công sở.
Ăn sáng cái đã, "làm việc tính sau"
Trà My cho biết do buổi tối thức khuya, sáng dậy lại sát giờ đi làm nên cô khó nấu đồ ăn sáng tại nhà. Xung quanh nơi ở, đồ ăn cũng không phong phú bằng "thiên đường ẩm thực" chỗ cô làm việc. Vì khu này có rất nhiều hàng ăn sáng phục vụ nhân viên văn phòng.
Vì vậy, hằng ngày Trà My cố gắng đến công ty để bấm vân tay đúng giờ quy định là 7h30. Sau đó, cô chờ đồng nghiệp cùng đi ăn sáng, mua cà phê.
"Lúc trước trên đường đi làm, tiện thể mình ghé quán ăn sáng luôn. Nhưng mình thường xuyên muộn giờ, vừa bị sếp phê bình, vừa mất tiền hỗ trợ ăn trưa.
Nên mình cố gắng lên đúng giờ rồi thong thả đi ăn. Làm việc tính sau", cô nàng nói.
Cùng lý do trên, điều đầu tiên mà Quang Minh (29 tuổi, nhân viên văn phòng) đến công ty là mở điện thoại. Minh kết nối vào mạng WiFi công ty - đây là một hình thức check-in, rồi cất balô ở bàn làm việc.
Anh bấm thang máy xuống con phố trước cổng tòa nhà. Anh mua bánh mì rồi ngồi uống cà phê cóc vỉa hè. Vừa nhâm nhi cà phê, anh vừa lướt điện thoại 15 phút.
Xong đâu đó, anh mới trở lên làm việc.
Cả Trà My và Quang Minh giải thích rằng công ty có quy định giờ check-in. Nếu đi trễ, nhân viên không được hỗ trợ tiền ăn trưa. Tuy nhiên khi làm việc, công ty quy định khá thoáng, miễn sao hoàn thành việc sếp giao và KPI mỗi tháng là được.
"Đặc thù công việc, mình và đồng nghiệp cũng thường xuyên phải ra ngoài gặp trực tiếp khách hàng, nên sếp cũng du di", Trà My nói.
Đúng giờ nhưng không thấy mặt, ai cũng than phiền
Chị Mai, nhân viên văn phòng, chia sẻ: "Mình thường đến văn phòng lúc 8h. Nhưng nhiều hôm phải chờ đến 9h mới bắt đầu làm việc được vì một số đồng nghiệp đi ăn sáng, mua cà phê về muộn.
Điều này khiến mình cảm thấy khó chịu và mất tập trung".
Không chỉ ảnh hưởng hiệu quả công việc chung, việc đi ăn sáng, mua cà phê sau khi check-in còn gây mất thiện cảm với người quản lý.
Một quản lý cấp trung tên Khang cho biết: "Mình thường xuyên nhắc nhở nhân viên về vấn đề làm việc đúng giờ. Nhiều lúc 9h bộ phận họp giao ban, nhưng văn phòng chỉ có vài người".
Anh Khang than phiền: "Nếu mình làm gắt, các bạn bảo mình khó khăn. Du di thì nhiều khi sếp lớn để ý.
Sếp không thấy ai trong văn phòng dù đã vào giờ làm việc, mình bị trách, ảnh hưởng đến uy tín của mình trong mắt cấp trên".
Theo quan sát tại một con đường có nhiều tòa nhà văn phòng ở quận 1 (TP.HCM), mỗi buổi sáng khung giờ 7h30 - 9h, nhiều nhân viên rủ nhau đi ăn sáng, mua cà phê.
Hơn 9h, nhiều bạn xách bình giữ nhiệt ghé cửa hàng tiện lợi mua đồ ăn, thức uống.
Về vấn đề nên hay không việc nhân viên đến văn phòng check-in xong rồi ra ngoài tha thẩn, anh Khang chia sẻ rằng câu trả lời không đơn giản.
Mỗi doanh nghiệp cần có quy định, biện pháp phù hợp. Điều này nhằm đảm bảo hiệu quả công việc chung và sự thoải mái cho nhân viên.
"Thời buổi làm việc bây giờ nên dựa nào năng suất. Chăm chăm giám sát giờ giấc khiến nhân viên không thoải mái.
Tuy nhiên, với tâm thế đi làm kiếm tiền, nhân viên cần có tinh thần nghiêm túc và kỷ luật", anh nói.
Có người đi trễ, về sớm, nghỉ giải lao không đúng thời gian quy định, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc…
Đó là chia sẻ trong bài viết Đi trễ về sớm, đến cơ quan điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc của anh Mai Thiên Ân - trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, TP.HCM - về rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động trong diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024", ngày 26-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận