Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 1 ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả phân tích 79.372 bài thi cho thấy điểm trung bình của thí sinh là 646 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất là 1.087 và thấp nhất là 210.
"Phân bố điểm thi đợt 1 năm nay hơi lệch về bên trái, thể hiện kết quả thi hơi thấp hơn so với các năm trước. Điều này có thể do nhóm thí sinh 2022 bị ảnh hưởng bởi tiến độ học tập chậm hơn các năm trước và bởi quá trình học online kéo dài", ông Chính nhận định.
Ngành "hot" sẽ giảm?
Theo ThS Phùng Quán - chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), kết quả phân tích bài thi đợt 1 cho thấy điểm trung bình dự thi là 646 điểm, điểm trung vị là 640 điểm. Vì thế dự kiến các trường đại học sẽ lấy ngưỡng điểm xét tuyển khoảng từ 640 điểm trở lên.
"Năm 2022, số trường ĐH, CĐ dùng kết quả kỳ thi này tăng lên 86 trường. Biểu đồ điểm năm nay cho thấy số thí sinh dự thi đông hơn nhưng số thí sinh có cùng mức điểm thấp hơn nhiều so với năm 2021. Theo dự báo của cá nhân tôi, điểm chuẩn các ngành năm trước khoảng từ 800 điểm trở lên sẽ giảm từ 30 - 70 điểm", ông Quán nói.
Dựa trên dự báo này, các ngành "hot" như nhóm ngành công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, báo chí truyền thông, tâm lý học, nhóm ngành ngôn ngữ (ngôn ngữ Anh, Trung Quốc...) ở các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay sẽ giảm nhẹ.
Nhóm ngành này sẽ tuyển thí sinh đạt từ 851 - 1.200 điểm (khoảng 4.033 thí sinh). Mức 801 - 850 điểm sẽ là mức điểm chuẩn cho các ngành năm trước có điểm chuẩn trên 850. Mức 651 - 800 điểm có 28.589 thí sinh, được vào các ngành không "hot" và thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển.
Riêng tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông Quán cho biết mức từ 901 điểm trở lên năm nay giảm nhiều so với năm 2021 và hầu như số thí sinh này rất giỏi, có thể trúng tuyển đại học bằng nhiều phương thức khác như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.
Đây cũng là mức điểm đăng ký xét tuyển chương trình tiên tiến khoa học máy tính, nhóm ngành máy tính, công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu. Mức 801 - 900 điểm có thể đăng ký ngành công nghệ sinh học, hóa học. Mức 701 - 800 điểm có thể đăng ký vào các ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, nhóm ngành toán, kỹ thuật điện tử - viễn thông...
Trong khi các ngành có điểm chuẩn từ 651 - 700 điểm sẽ không có thay đổi nhiều vì lượng thí sinh không chênh lệch so với năm ngoái. "Tuy nhiên, còn phải dựa vào số lượng và chất lượng của thí sinh thi đợt hai mới biết được. Thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn các năm trước để sắp xếp lại nguyện vọng cho phù hợp", ông Quán khuyên.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho hay điểm chuẩn xét kết quả thi đánh giá năng lực của trường năm nay có thể cao hơn hoặc bằng năm 2021, do số lượng thí sinh dự thi và đăng ký vào trường này nhiều hơn.
Số thí sinh của năm 2022 so với 2021 bằng 247%, số nguyện vọng 1 của năm nay so với ngoái bằng 299%.
600 điểm có cơ hội trúng tuyển
Theo TS Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, điểm sàn xét kết quả thi đánh giá năng lực vào trường từ 600 điểm, riêng ngành thú y 700 điểm.
TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - dự báo điểm chuẩn đánh giá năng lực năm nay của trường sẽ giảm khoảng 50 điểm so với năm ngoái. Theo đó, nhóm ngành công nghệ thông tin, ôtô khoảng 750 điểm; các ngành khối kinh tế, quản lý khoảng 720 - 730 điểm; các ngành còn lại khoảng 700 điểm.
"Như vậy, thí sinh có điểm từ 700 - 750 trở lên sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường. Trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh đạt từ 650 điểm trở lên", ông Nhân cho biết.
Năm nay Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành 20% chỉ tiêu trong tổng 8.484 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. TS Trần Ái Cầm - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Mức điểm xét tuyển vào trường cho ngành y là 650; các ngành còn lại là 550 điểm. Mức điểm này bằng mức điểm xét tuyển năm ngoái.
Điểm chuẩn sẽ tùy thuộc số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Theo số liệu năm nay điểm chuẩn có thể tăng nhẹ với một số ngành "hot", đặc biệt là khối ngành sức khỏe".
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) dành 5% chỉ tiêu trong tổng 7.600 chỉ tiêu xét theo điểm thi năng lực. Hiện tại lượng nguyện vọng đăng ký khá nhiều với gần 6.500, nhưng phổ điểm tổng năm nay thấp hơn năm trước. Do vậy, trường dự báo điểm chuẩn năm nay cũng sẽ từ mức năm trước từ 650 - 850 điểm tùy ngành.
TS Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Văn Lang - cũng cho biết điểm nhận hồ sơ xét tuyển đánh giá năng lực vào trường năm nay sẽ giảm khoảng 40 - 50 điểm. Dự kiến điểm sàn của trường mức 600 - 610 điểm; riêng các ngành khối sức khỏe 700 điểm (răng hàm mặt, dược học), 650 điểm (điều dưỡng, xét nghiệm...).
* TS Phạm Tấn Hạ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Thích ngành nào cứ mạnh dạn đăng ký ngành đó
Mặt bằng điểm thi năm nay thấp nhưng không nhiều so với năm trước. Điều quan trọng là thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành thế nào. Điểm chuẩn sẽ phụ thuộc vào chất lượng thí sinh ở từng ngành.
Dù điểm năm nay thấp nhưng nếu các thí sinh có điểm thi tốt đăng ký nhiều vào một ngành nào đó thì điểm chuẩn vẫn sẽ cao và ngược lại. Thông thường thí sinh tập trung nhiều vào các ngành "hot", trong khi vẫn có nhiều ngành ít thí sinh.
Lời khuyên của tôi dành cho thí sinh là thích ngành nào thì mạnh dạn đăng ký vào ngành đó, nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.
Bắt đầu đăng ký thi đợt 2
Ở đợt 2, ĐH Quốc gia TP.HCM mở đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển (đồng thời) trực tuyến tại: http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/ từ ngày 6 đến 25-4. Kỳ thi đợt 2 dự kiến diễn ra ngày 22-5 tại 4 địa phương: TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang.
Nếu thí sinh thi cả 2 đợt, kết quả của đợt thi nào cao hơn sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng để xét tuyển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận