Thí sinh diện xét tuyển thẳng làm thủ tục xác nhận nhập học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhiều chuyên gia nhận định điểm thi tốt nghiệp năm nay cao do đề thi dễ hơn năm ngoái, nên đúng như dự báo điểm chuẩn sẽ tăng mạnh, đặc biệt là các ngành "hot".
Bên cạnh đó, điểm chuẩn năm nay tăng cao khi các trường ĐH sử dụng nhiều hình thức xét tuyển khác khiến chỉ tiêu dành cho phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT còn ít, nên việc dùng điểm thi tốt nghiệp để cạnh tranh là khốc liệt, điểm chuẩn đương nhiên tăng cao.
"Kịch bản" năm 2017 lặp lại
Theo TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), thực tế cho thấy đa số thí sinh chọn các ngành "hot" của trường đều có học lực giỏi trở lên, có điểm khá cao dẫn đến việc đẩy mức điểm chuẩn tăng cao.
"Dù điểm chuẩn năm nay tăng mạnh so với năm ngoái nhưng việc này không có gì bất thường do đề thi dễ hơn. Hơn nữa, đây không phải lần đầu tiên điểm chuẩn ĐH tăng đột biến, kịch bản của năm 2017 đã lặp lại" - ông Hạ nhận xét.
Tại trường này, kết quả tuyển sinh có đến 11 ngành điểm chuẩn rất cao, từ 26 điểm trở lên. Đặc biệt, ngành báo chí tổ hợp C00 có điểm chuẩn cao nhất với 27,50. "Ngành báo chí khối C00 năm 2017 có điểm chuẩn 27,25, so với năm nay điểm ngành này tăng thêm 0,25", ông Hạ thông tin.
Cũng theo ông Hạ, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường sau đợt điều chỉnh nguyện vọng đã giảm khoảng 8.000. Điều này cho thấy thí sinh thật sự yêu thích ngành học mình đã đăng ký và có điểm cao mới tự tin "trụ" lại, góp phần khiến điểm chuẩn một số ngành "hot" tăng cao.
"Không phải tất cả những ngành có lượng thí sinh đăng ký đông sẽ có điểm trúng tuyển cao, vì thực tế nhiều ngành lượng thí sinh đăng ký rất lớn nhưng điểm thi của nhóm thí sinh này không cao nên điểm vẫn chỉ ở mức bình thường.
Như vậy, chất lượng thí sinh và sự hấp dẫn của ngành học góp phần đẩy điểm chuẩn một số ngành tăng mạnh", ông Hạ nói.
Thí sinh phương thức đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM sáng 5-10 - Ảnh: N.HÙNG
Đề dễ, điểm chuẩn tăng 3-4 điểm
Chiều qua (5-10), Trường ĐH Y dược TP.HCM đã công bố điểm trúng tuyển ĐH hệ chính quy năm 2020 với mức điểm từ 19 đến 28,45. Trong đó, ngành y khoa có điểm trúng tuyển cao nhất là 28,45 và ngành y khoa (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) 27,70 điểm; ngành răng hàm mặt 28 và ngành răng hàm mặt (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) 27,10 điểm; ngành dược học 26,20 và ngành dược học (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế) 24,20.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cũng cho rằng hoàn toàn không có chuyện bất thường khi điểm chuẩn năm nay tăng.
"Đề thi năm nay chủ yếu với mục đích xét tốt nghiệp THPT nên tương đối dễ, độ phân hóa của đề không cao. Tình hình năm nay khá giống mùa tuyển sinh năm 2017. Riêng điểm chuẩn của trường chúng tôi nhiều ngành vẫn còn thấp hơn năm 2017, với một số ngành năm đó điểm chuẩn hơn 29", ông Khôi cho biết.
Tương tự, TS Trần Tiến Khoa - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - lý giải điểm chuẩn năm nay cao là do đề thi tốt nghiệp THPT dễ hơn năm trước. Thêm vào đó, việc năm nay rất nhiều trường xét tuyển theo học bạ và dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức này nên không còn bao nhiêu chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, đẩy điểm chuẩn cao hơn các năm trước.
ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cùng nhận định việc điểm chuẩn năm nay tăng là điều hiển nhiên do đề thi năm nay là đề thi tốt nghiệp THPT, chứ không phải thi THPT quốc gia. Điểm các môn thường cao hơn năm ngoái khoảng 1 điểm, kéo theo các khối phải cao hơn năm 2019 khoảng 3 - 4 điểm là điều tất yếu.
"Choáng" nếu chỉ tham khảo điểm năm trước
Ngay sau khi Trường ĐH Luật TP.HCM công bố điểm chuẩn với mức điểm trúng tuyển năm nay các ngành đều tăng vọt, không ít thí sinh bất ngờ khi có nhiều ngành tăng 6-8 điểm.
Giải thích về điều này, ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo nhà trường - cho hay năm trước nhà trường xét tuyển theo 3 phương thức là xét điểm học bạ, điểm kỳ thi THPT quốc gia, điểm của bài kiểm tra năng lực và "nếu tách riêng phương thức điểm thi tốt nghiệp thì mức điểm năm ngoái của thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường đã không quá thấp, từ 21-25 điểm.
Tuy nhiên, do điểm thi bài kiểm tra năng lực trung bình của thí sinh chỉ 15 (thang 30 điểm) nên khi cộng với điểm thi tốt nghiệp, điểm chuẩn bị kéo xuống thấp. Năm nay nhà trường bỏ kỳ kiểm tra năng lực, những thí sinh không tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh khi tham khảo mức điểm chuẩn năm trước sẽ nhầm lẫn", ông Hiển nhận định.
Theo các chuyên gia, cách thức xét tuyển năm nay cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, quy định xét tuyển nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được tự động xét các nguyện vọng tiếp theo thứ tự thí sinh đã đăng ký. Khi đó thí sinh sẽ được xét bình đẳng với các thí sinh khác ở trường đăng ký nguyện vọng 2, chỉ căn cứ vào điểm thi của thí sinh chứ không phải thứ tự nguyện vọng.
Chính việc này đã tạo thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích nếu thí sinh biết cách đăng ký nguyện vọng phù hợp, tránh tình huống rớt oan.
Trong khi đó, nhiều thí sinh đã tham khảo điểm chuẩn của năm ngoái, nhìn lại thấy mức điểm của mình nhỉnh hơn một chút nên nghĩ rằng khả năng trúng tuyển cao đã tập trung đăng ký vào các ngành "hot".
Thế nhưng đến lúc các trường công bố điểm chuẩn tăng vọt, đặc biệt tập trung chủ yếu vào các ngành "hot" này, khiến không ít thí sinh "choáng váng".
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết: "Thực tế cho thấy rất nhiều thí sinh điểm thuộc mức cao, nghĩ mình chắc chắn trúng tuyển nên chỉ đăng ký ít nguyện vọng (1-3 nguyện vọng) nhưng lại chọn ngành "hot", dẫn đến rớt ĐH".
Đội hỗ trợ sinh viên nội trú Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) giúp tân sinh viên làm thủ tục nhận nơi ở ngày 5-10 - Ảnh: H.AN
5 lý do điểm chuẩn tăng vọt
Theo TS Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, gồm:
1 Phổ điểm năm nay tăng do đề thi không quá khó.
2 Đa số các ngành có điểm chuẩn cao là ngành "hot", càng nhiều thí sinh đăng ký, điểm chuẩn càng cao là bình thường và logic.
3 Nhiều trường, cả các trường tốp trên, có nhiều phương thức xét tuyển hơn năm trước, chỉ tiêu tuyển thẳng vào trường tốp trên nhiều, chỉ tiêu còn lại của phương thức xét tuyển từ tốt nghiệp THPT ít nên điểm chuẩn cao.
4 Thí sinh có điểm ưu tiên đối tượng, khu vực ảnh hưởng một phần khiến điểm chuẩn tăng nhưng chưa hẳn là điểm cao chót vót.
5 Một số ngành của một số trường xác định là ngành mũi nhọn, đào tạo tiên phong, đầu tư mạnh và truyền thông tốt nhưng chỉ tiêu rất thấp, thậm chí miễn phí nên rất thu hút thí sinh. Do vậy điểm chuẩn cao chót vót là điều đương nhiên.
Có ngành 30 điểm mới đậu
Tại các trường phía Bắc, điểm chuẩn dành cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT năm nay cao đến mức "chóng mặt". Cá biệt có ngành đòi hỏi thí sinh phải đạt được 3 điểm 10 mới đậu.
Khối C vốn là ngành mà thí sinh rất khó để đạt được điểm cao nhưng năm nay đã xuất hiện ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn là 30 điểm (tức thí sinh phải đạt 3 điểm 10).
Trước đó, phương thức xét tuyển thẳng với nhiều hình thức đa dạng đã lấy của ngành Hàn Quốc học tới 20 chỉ tiêu. Với 30 chỉ tiêu còn lại, đương nhiên thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi THPT phải cạnh tranh "sứt đầu mẻ trán".
Cũng tại trường này, ngành Đông phương học có điểm chuẩn là 29,75 điểm. Ngành quan hệ công chúng lấy 29 điểm, ngành quốc tế học lấy 28,75 điểm, ngành báo chí và ngành khoa học quản lý đều lấy 28,5 điểm. So với năm 2019, điểm chuẩn các ngành này đều tăng khoảng 2,5 điểm trở lên trong thang điểm 30.
Điểm chuẩn ngành báo chí (chuyên ngành báo in, truyền hình, phát thanh) của Học viện Báo chí tuyên truyền năm nay cũng tăng mạnh. Năm ngoái điểm chuẩn ngành này chỉ dao động 20 - 24 điểm, năm nay dao động 27 - 30 điểm.
Đơn cử chuyên ngành báo in năm ngoái chỉ lấy 20,4 - 22,5 điểm, năm nay tăng vọt lên 29,5 - 31 điểm (thang 40 điểm). Thí sinh muốn vào được ngành luật kinh tế của Trường ĐH Luật Hà Nội phải đạt 29 điểm, vào Khoa luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) phải đạt 27,5 điểm (thang 30 điểm).
Điểm chuẩn của khối trường quân đội năm nay có Học viện Biên phòng, Trường sĩ quan Chính trị lấy điểm chuẩn cao nhất 28,50 điểm. Trong khi đó các trường như Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hậu cần, Học viện Quân y, Học viện Khoa học quân sự đều có ngành lấy điểm từ 28 trở lên, còn những ngành lấy 26 điểm, 27 điểm rất phổ biến.
Khối trường công an cũng có điểm chuẩn cao không kém. Nữ thí sinh phải đạt trên 28 điểm mới đậu theo tổ hợp C03, D01 của Học viện An ninh nhân dân và đậu vào Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy khu vực phía Bắc.
Điểm chuẩn của ngành y đương nhiên vẫn rất cao. Ngành y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội lấy 28,9 điểm, còn ngành này tại Khoa y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy 28,35 điểm. Ngành răng hàm mặt của Trường ĐH Y Hà Nội lấy 28,65 điểm.
Đối với khối trường kinh tế, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng của Trường ĐH Kinh tế quốc dân lấy 28 điểm. Chuyên ngành kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương dự kiến lấy điểm trúng tuyển là 28,6 điểm tổ hợp A00 tại trụ sở chính Hà Nội và 28,3 điểm tổ hợp A00 tại cơ sở 2 - TP.HCM.
Với khối trường kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa có điểm chuẩn cao nhất. Ngành khoa học máy tính: 29,04 điểm; kỹ thuật máy tính, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo 28,65 điểm; kỹ thuật điều khiển - tự động hóa: 28,16 điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận