18/01/2008 09:08 GMT+7

Điếc tai hại tim

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

TT - Thông thường hễ nhắc đến bệnh tim thì cholesterol bị mang ra hài tội đủ điều. Đồng ý là mạch máu không thể vô cớ bỗng sinh tật xơ vữa khiến tim mệt nhoài vì phải gắng sức đẩy máu cho thông. Nhưng không hẳn lúc nào quanh đi quẩn lại chỉ là một thủ phạm.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bằng chứng là không phải người nào có thừa cholesterol cũng bị bệnh tim. Theo thống kê của nhiều hãng bảo hiểm y tế ở châu Âu, cũng như theo kết quả điều tra gần đây của Bộ Môi trường ở CHLB Đức, không dưới 30% trường hợp thuyên tắc mạch vành là hậu quả gián tiếp của tiếng động thái quá!

oHjWPXI1.jpgPhóng to uKwywH67.jpg
Kèn hơi của xe tải gắn dưới gầm xe. Mỗi khi kèn xe phát ra là người đi xe gắn máy giật mình, nhức tai - Ảnh: Tự Trung

Thực trạng đó là chuyện dễ hiểu vì ồn ào đinh tai nhức óc đối với hệ thần kinh là một loại stress, tùy theo cường độ và tần số của âm thanh.

Dưới áp lực thường xuyên của tiếng động, cơ thể bó buộc phải phản ứng qua trục thần kinh - nội tiết với khuynh hướng càng lúc càng dễ sai lệch, càng lúc càng bất lợi cho trái tim. Đó là vì huyết áp giao động nhiều lần trong ngày trong chiều hướng tăng dần rồi không giảm; tăng chất mỡ trong máu, đặc biệt là loại chất béo làm chai mạch như triglyceride; mạch máu nhỏ co thắt bất chợt gây thiếu dưỡng khí cục bộ; tăng độ nhớt của máu khiến trì trệ vận tốc luân lưu của dòng máu; căng thẳng thần kinh đi kèm với mất ngủ, đãng trí, rối loạn nhịp tim.

Trên đe dưới... loa

Khi đó không lạ gì nếu mạch máu vành tim trở thành miếng mồi ngon của tiếng động như khoan vào óc. Nếu âm thanh với cường độ 50 decibel (db) đã đủ làm mất ngủ, nếu tiếng động ở mức 70dB thừa sức gây lãng tai, trầm uất, tiểu đường, dị ứng, hay thậm chí sinh ung thư... thì khỏi nói dông dài cũng hiểu tại sao cơ tim bị nhồi máu nếu nạn nhân phải ngày đêm sống trong cảnh "trên đe dưới... loa stereo"!

Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy tình trạng thiểu năng mạch vành bắt đầu rõ nét khi tín hiệu thính giác vượt quá cường độ 65dB, tương đương với tiếng động của xe cộ thỉnh thoảng qua lại trên con đường vắng. Liệu ở Hà Nội, Sài Gòn còn được mấy con đường như thế?! Hay chỉ còn những vùng tắc nghẽn giao thông với tiếng kèn xe át cả giọng còi tàu hỏa?

Nếu cường độ của một cuộc đàm thoại bình thường là 55dB, nhưng tiếng ngáy lại đến 70dB, trong khi tiếng máy đào đường tròm trèm 85dB, âm thanh rộn ràng của vườn trẻ có thể lên đến 95dB và tiếng nhạc chói tai của disco không dưới 110dB thì không lạ gì nếu bệnh viện tim tiếp tục quá tải.

Khỏe sao nổi nếu cửa hàng bán quần áo mốt vặn nhạc đến độ khách chỉ còn có nước ra dấu khi tìm hàng, nếu tiệm karaoke suốt đêm hành hạ hàng xóm qua những giọng ca thừa sức khiến cọp bỏ trốn về rừng, nếu đám tang kèn trống inh ỏi?! Nếu ngay cả nhiều bệnh viện, nơi người bệnh cần nghỉ ngơi, ồn hơn chợ cá thì nói chi cho thêm buồn.

Yếu tố nhạy cảm

Trên 75 decibel

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, tiếng ồn do giao thông vận tải tại các tuyến đường TP đều rất cao và vượt chuẩn cho phép. Tiếng ồn giao thông phân bố gần như đều khắp thành phố và liên tục trong ngày. Hầu hết tần số xuất hiện trên 75 decibel (dBA). Ngoài ra, mức ồn do giao thông vận tải không có mức chênh lệch giữa các tuyến đường. Chỉ sau 22g, tiếng ồn tại TP mới giảm chút ít.

Nhưng nếu vội vã kết luận về mức độ tai hại mà chỉ dựa vào cường độ âm thanh thì đúng là phiến diện. Tình trạng thuyên tắc động mạch vành tim còn tùy thuộc nhiều yếu tố nhạy cảm khác, như:

- Tần số kích ứng thính giác: ngay cả với cường độ âm thanh bình thường, mạch máu trên thành tim của người phải giao tiếp với tiếng động nhiều giờ liên tục bao giờ cũng dễ bị thương tổn nếu so sánh với người tuy phải chịu âm thanh đinh tai nhức óc nhưng có giờ giải lao. Đừng tưởng lâu rồi đời mình cũng quen. Nói cách khác, nhiều ông phải vào cấp cứu chỉ vì bà cằn nhằn hoài với giọng hò không đổi. Cứ nhằn nhưng nên thay đổi cách hòa âm.

- Trạng thái tiếp nhận kích ứng âm thanh: cho dù cường độ tiếng động có thuộc loại xé màng nhĩ nhưng nếu được ghi âm trong trạng thái thoải mái thì tỉ lệ mắc bệnh vành tim vẫn thấp hơn ở người "khó chịu" với tiếng động, dù chỉ là tiếng chó sủa trăng. Khéo chính là ở chỗ gặp bầu thì tròn.

- Thời điểm ghi nhận âm thanh: tiếng động vào ban đêm bao giờ cũng nguy hiểm hơn ban ngày vì khi đó cơ thể giảm sút khả năng điều chỉnh. Người khôn người tìm nơi vắng vẻ. Theo kết quả nghiên cứu với hơn 4.000 đối tượng ở Frankfurt (Đức), người sống ở khu chợ búa xôn xao dễ bị nhồi máu cơ tim, nhất là khi giá vàng, giá xăng, giá căn hộ cao cấp, giá gì cũng tăng. Không nói thêm cũng thừa hiểu tỉ lệ mắc bệnh ở các thành phố lớn, như ở Hà Nội, Sài Gòn... dễ gì chịu lép vế.

2.000?

Một trong các đặc tính tiêu biểu của xã hội được tiếng văn minh chính là tiếng động thái quá! Còi xe, còi tàu, chuông điện thoại, tiếng nhạc quảng cáo, tiếng máy truyền hình, tiếng cười, tiếng khóc... tất cả hòa quyện vào nhau để đẩy mạch máu thành tim vào thế dựa lưng sát vách. Tức nước ắt có lúc phải vỡ bờ. Nếu không dưới 2.000 người phải mất mạng mỗi năm ở Đức vì nhồi máu cơ tim do tiếng động thì tỉ lệ tử vong ở nước mình chắc khó thấp hơn.

Biết là có nhiều liệu pháp hiệu quả để cải thiện chức năng tuần hoàn của mạng lưới mạch máu loa tai, chẳng hạn với phương pháp điều trị bằng oxy cao áp. Tuy nhiên, thuyên tắc mạch vành do tiếng động vẫn trước sau là một vấn nạn cấp bách nếu không có cách nào giải quyết vấn đề ngay từ điểm cốt lõi, từ nguồn âm thanh đang liên tục đục khoét sức đề kháng của cư dân chốn thị thành.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên