Một tài xế ở thủ đô Bắc Kinh mở ứng dụng Didi - Ảnh: AFP
Sự thịnh vượng ở Mỹ và thị trường chứng khoán khỏe mạnh báo hiệu rằng ngày càng nhiều người Trung Quốc yêu thích mọi thứ từ Mỹ.
Tạp chí Forbes
Hôm 4-7, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) xác nhận đã yêu cầu các kho ứng dụng ở Trung Quốc gỡ ứng dụng Didi Global trên nền tảng của họ. Chỉ đạo này được đưa ra sau khi CAC khẳng định Didi đã thu thập dữ liệu người dùng trái phép.
Cú sốc với Didi
"Ứng dụng Didi Chuxing được biết đã vi phạm luật pháp nghiêm trọng qua việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân bất hợp pháp" - CAC nêu trong một tuyên bố ngắn gọn.
Trong một phản ứng sau đó, phía Didi khẳng định những người dùng đã có tài khoản hiện nay vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ của họ bình thường.
Tuy nhiên, Didi nói họ đã ngừng cho phép đăng ký người dùng mới và sẽ xóa ứng dụng này trên các kho ứng dụng theo quy định, cam kết điều chỉnh để phù hợp quy định, bảo vệ quyền người dùng.
Thành lập năm 2012, Didi trở thành ứng dụng gọi xe hàng đầu ở Trung Quốc, đặc biệt sau khi "đá văng" đối thủ Uber ra khỏi thị trường 1,4 tỉ dân.
Thống kê tới nay cho thấy Didi có 493 triệu người dùng thường xuyên (active users) và trung bình thực hiện 20 triệu chuyến xe mỗi ngày ở Trung Quốc. Ngoài ra, Didi đang là ứng dụng gọi xe có mặt ở 16 thị trường khác, bao gồm Úc, Brazil, Nhật Bản, Mexico và Nam Phi.
Ngay trước thông tin ngày 4-7, CAC hôm 2-7 đã bất ngờ thông báo ngừng cho phép người dùng mới của Didi đăng ký tài khoản.
Sự kiện này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Didi có đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá 4,44 tỉ USD trên sàn New York. Giá cổ phiếu của Didi đã tăng gần 16% hôm 1-7, nhưng chốt phiên ngày 2-7 lại rớt 5,3%.
Lệnh cấm nêu trên là diễn biến mới nhất trong các hành động cứng rắn của chính quyền Trung Quốc nhằm vào Didi và các đại gia công nghệ khác ở nước này.
Vài tháng gần đây, nhiều công ty công nghệ đã bị điều tra, nghi vi phạm độc quyền cũng như quyền của người sử dụng. Điển hình hồi tháng 4, Công ty Alibaba do tỉ phú Jack Ma sáng lập bị phạt 2,8 tỉ USD, còn nhánh tài chính Ant Group của công ty này cũng bị yêu cầu cải tổ hoạt động.
Làn sóng IPO trên đất Mỹ
Với gần 4,5 tỉ USD huy động tại Mỹ, Didi là công ty Trung Quốc có đợt IPO lớn nhất ở Mỹ kể từ sau Alibaba năm 2014 (25 tỉ USD). Nhưng thực tế, Didi chỉ là một phần trong "làn sóng" IPO của các công ty Trung Quốc trên đất Mỹ.
Tờ South China Morning Post dẫn dữ liệu từ Công ty phân tích Dealogic cho biết tính trong nửa đầu năm nay đã có 36 công ty Trung Quốc lên sàn, thu hút 12,59 tỉ USD nơi thị trường Mỹ và đây là một con số kỷ lục.
Điều này phần nào phản ánh thực tế các nhà đầu tư Mỹ vẫn lạc quan về các công ty Trung Quốc, bất chấp thực tế nhiều nghị sĩ Mỹ cảnh báo giới đầu tư về việc bỏ tiền vào các công ty Trung Quốc, cho rằng đây là xu hướng có thể chắp cánh cho sự tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden xem công nghệ là lĩnh vực quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Tờ Forbes hôm 4-7 nhận xét hiện nay Trung Quốc và Mỹ đang gắn bó về kinh tế. Người Mỹ đang đầu tư mạnh mẽ vào Trung Quốc và là thị trường rất lớn dành cho Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất đối với các nhà sản xuất Mỹ. Tựu trung, căng thẳng về thương mại hay kinh tế về tổng thể sẽ chỉ mang lại thiệt hại cho đôi bên.
Nói vậy để thấy rằng "sức khỏe" của các công ty Trung Quốc IPO ở Mỹ như Didi gắn liền với lợi ích của chính nhà đầu tư Mỹ.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là vùng đất mang lại sự hưng thịnh nhất cho các công ty Trung Quốc lại là thị trường Trung Quốc.
Các quy định siết chặt của Bắc Kinh dành cho công ty Trung Quốc giờ đây liên hệ mật thiết với túi tiền người Mỹ. Vì lẽ đó, chiến tranh thương mại hay cạnh tranh Mỹ - Trung đều chỉ mang lại tác hại.
Thêm 3 công ty công nghệ vào tầm ngắm
CAC ngày 5-7 tiếp tục triển khai đánh giá an ninh mạng đối với 3 công ty công nghệ khác tại Trung Quốc, chỉ vài giờ sau vụ đình chỉ ứng dụng của Didi.
Theo South China Morning Post, các công ty này gồm Yunmanman và Huochebang - được mệnh danh là "Uber xe tải" của Trung Quốc. Ngoài ra, Boss Zhipin - một nền tảng tuyển dụng trực tuyến - cũng bị "sờ gáy".
Đây là những công ty đã lên sàn chứng khoán ở Mỹ hồi tháng trước. Full Truck Alliance - dự án hợp nhất của Yunmanman và Huochebang năm 2017 - đã thu hút 1,6 tỉ USD, trong khi Kanzhun - công ty đứng sau Boss Zhipin - đã IPO và thu hút 912 triệu USD.
CAC cho biết đợt rà soát này giúp ngăn nguy cơ an ninh dữ liệu và bảo vệ an ninh quốc gia. Tương tự Didi, bộ ba nêu trên hiện nay đã ngừng đăng ký người dùng mới dù không nêu chi tiết cho những vi phạm của mình.
Theo Wall Street Journal, chỉ riêng tháng 5 năm nay Trung Quốc đã cáo buộc 105 ứng dụng về việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân trái phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận